10 August, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Nữ sinh 21 tuổi được gia đình đưa đi khám, trên cổ tay có 16 vết cắt bằng dao lam nông nhưng đủ rỉ máu.
Cô gái hiện là sinh viên đại học năm thứ 2, tính cách hiền, dễ xúc động. Học giỏi, từ khi lớp 12 cô mong muốn được đi du học nhưng gia đình không có điều kiện nên không thực hiện được. Chính những trăn trở đó khiến cô luôn trong tâm trạng ức chế, cảm thấy bế tắc, mệt mỏi, mất ngủ, hay hồi hộp, tức ngực, cảm giác ngột ngạt khó thở nhưng không biết chia sẻ cùng ai.
Tâm trạng này kéo dài đến năm thứ 2 đại học khiến cô xuất hiện ý tưởng cắt tay bằng dao lam. Khi vào viện, trên cổ tay cô đã có 16 vết cắt nông nhưng đủ rỉ máu, có vết đã thành sẹo, có vết mới. Mỗi lần cắt tay cô không thấy đau mà trong lòng nhẹ nhàng hơn. Bất ngờ phát hiện những vết cắt trên tay con, gia đình vội vàng đưa con đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám.
Stress tâm lý kéo dài có thể khiến giới trẻ có hành vi tự làm đau bản thân mình như một cách giải tỏa stress. Ảnh minh họa: WP.
Theo tiến sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, cô gái này mắc chứng bệnh tự ngược đãi bản thân. Người bệnh tự làm “đau” về cả thể chất và tinh thần. Dùng dao lam, mảnh sành, sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào má mình để được thỏa mãn là biểu hiện của hội chứng này.
Bệnh nhân nữ trên tự cứa vào tay bằng dao lam mục đích chủ yếu là gây sự chú ý bởi vấn đề về tâm lý. Khi được đưa vào viện điều trị, bênh nhân được sự quan tâm nhiều hơn của người thân nên không tiếp tục cắt tay nhưng lại xuất hiện các cơn rối loạn vận động phân ly. Bệnh nhân phải trải qua liệu pháp tâm lý, uống thuốc chống trầm cảm và giải lo âu. Sau 3 tuần bệnh gần như giảm hoàn toàn và được tiếp tục điều trị tâm lý ngoại trú.
Những bệnh nhân mắc chứng tự ngược đãi bản thân như cô gái trên không phải hiếm gặp. Sáng 9/8, tiến sĩ Tâm tiếp nhận bệnh nhân là một cô bé mới 9 tuổi có hành vi nhổ tóc mất cả một mảng đầu, cấu chân rách da. Sự việc bắt đầu từ cách đây một năm khi gia đình hạn chế chơi game khiến em bị căng thẳng, bức xúc.
Cắt tay, cổ tay là hình thức tự ngược đãi phổ biến nhất, vết cắt nông đủ gây rỉ máu nhưng không gây tổn hại đến tính mạng. Có bệnh nhân lao đầu vào tường, tự đánh, tát; nhổ tóc, cầu rách da; nhịn ăn. Có trường hợp tự gây tổn hại về tinh thần. "Sau mỗi lần như vậy, người bệnh thấy thoải mái hơn, nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế”, tiến sĩ Tâm phân tích.
Những trường hợp này cũng có thể gặp stress trường diễn, vì không được giải tỏa nên có xu thế muốn loại trừ. Đáng ra loại trừ stress thì bệnh nhân lại quay 180 độ để loại trừ bản thân mình. Ngoài mục đích loại trừ còn gây sự chú ý của những người xung quanh.
Theo tiến sĩ Tâm, hiện nay trẻ vị thành niên là nhóm hay gặp hội chứng này nhất vì nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức, nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh tự ngược đãi bản thân ở lứa tuổi này.
Chứng bệnh này gặp ở những người có nét nhân cách dễ bị tổn thương và phô trương, người hay lo lắng, người cầu toàn hay đòi hỏi… Bệnh nhân vào khám đa phần được điều trị ngoại trú. Việc điều trịđem lại kết quả tốt nếu biết nguyên nhân chính là vấn đề tâm lý.
Tự gây thương tích chỉ là một biểu hiện của những vấn đề về tâm lý và cảm xúc sâu xa hơn ở trẻ, chủ yếu vì không tìm ra cách giải quyết những vấn đề trong đời sống. Vì thế, gia đình, nhà trường cần quan tâm hơn đến các em để nhận biết những bất thường về tâm lý, từ đó giúp đỡ kịp thời, đưa ra cách giải quyết để các em vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đánh giá