06 September, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Rất nhiều loại thuốc có thể gây ra các tổn thương cho mắt ở những mức độ khác nhau, các tổn thương này có thể xảy ra đơn lẻ hoặc là biểu hiện của một hội chứng lớn. Đây là một trong những phản ứng phụ của thuốc xảy ra trong thực tế, chiếm khoảng 4,3% tổng số các phản ứng không mong muốn do thuốc được ghi nhận.
Sự phức tạp về cấu trúc và quá trình chuyển hóa của mắt, tính đặc hiệu của cấu trúc mô mắt và sự liên quan trực tiếp của mắt với hệ thần kinh trung ương là những yếu tố cơ bản làm cho mắt trở nên nhạy cảm với độc tính của thuốc và tạo ra sự đa dạng của các phản ứng phụ ở mắt. Trong thực tế, việc phát hiện các phản ứng phụ này có thể gặp nhiều khó khăn do nhầm lẫn với quá trình lão hoá hoặc các bệnh lý đi kèm ở mắt (như tổn thương mắt trong bệnh tiểu đường). Để tránh bỏ sót, cần khai thác kỹ tiền sử dùng thuốc của người bệnh và luôn đề cao cảnh giác với các phản ứng phụ trên mắt của thuốc.
Cơ chế: thuốc có thể gây ra nhiều loại bất thường về chức năng của mắt tùy thuộc vào diện tác động của nó. Thuốc gây giảm tiết nước mắt sẽ dẫn đến khô mắt, cảm giác khó chịu ở mắt hoặc viêm kết mạc nhiễm khuẩn, trường hợp nặng có thể gây loét, sẹo giác mạc. Một số thuốc có thể tác động lên thủy tinh thể của mắt gây lắng đọng, đục thủy tinh thể, thay đổi quá trình hydrat hóa của thủy tinh thể hoặc tác động trên hệ thần kinh phó giao cảm chi phối vận động của thủy tinh thể. Một số thuốc lại có thể gây tăng nhãn áp, dẫn đến bệnh glôcôm. Một số thuốc và hóa chất thậm chí có thể phá hủy các cấu trúc thần kinh của mắt như các thụ cảm thể nhận cảm ánh sáng, các neuron thần kinh của võng mạc hoặc dây thần kinh thị giác gây mù vĩnh viễn.
Các biểu hiện thường gặp và nguyên nhân
Viêm loét kết – giác mạc và khô mắt: viêm loét kết - giác mạc thường gặp trong 2 hội chứng dị ứng thuốc nặng nhất là Stevens-Johnson và Lyell. Trong các hội chứng này, người bệnh bị nổi các bọng nước trên da kết hợp với viêm loét niêm mạc mắt, miệng, bộ phận sinh dục... Tổn thương mắt xảy ra ở khoảng 80 – 90% số bệnh nhân Stevens-Johnson và Lyell, trong đó 35% gây các di chứng mờ đục, sừng hoá và tăng sinh mạch máu ở giác mạc gây mù vĩnh viễn, khô mắt kéo dài do sẹo kết mạc và tắc ống lệ hoặc lông quặm. Có khoảng hơn 200 loại thuốc khác nhau có thể gây ra các hội chứng này, thường gặp nhất là các kháng sinh (nhóm bêta lactam, sulphamide, tetracycline), carbamazepine, aminazine, lamotrigine và thuốc Đông y. Các thuốc có tác dụng kháng cholinergic (như atropine) có thể gây giảm tiết nước mắt, làm cho mắt có cảm giác đau nóng rát và ngứa. Các thuốc chẹn bêta giao cảm như propranolol được ghi nhận có thể gây mờ mắt, khô mắt và giảm tiết nước mắt trong một số ít trường hợp, nếu nhỏ mắt có thể gây cảm giác đau rát, nhức, ngứa mắt, đỏ mắt và khô mắt. Isotretinoin cũng có thể gây khô mắt, viêm kết mạc và đục giác mạc ở một số bệnh nhân. Các thuốc chữa loãng xương nhóm bisphosphonate như alendronic acid cũng có thể gây khô và đỏ mắt, viêm mống mắt, viêm kết mạc và viêm thần kinh thị giác. Một số thuốc như amiodarone, chloroquine, muối vàng, chlorpromazine, hydroxychloroquine, indometacin, tamoxifen và adrenaline nhỏ mắt có thể lắng đọng ở biểu mô giác mạc hoặc thủy tinh thể gây ảnh hưởng đến thị lực.
Đục thủy tinh thể: glucocorticoid (như prednisolon, dexamethsone...) là nhóm thuốc thường gặp nhất gây đục thủy tinh thể. Tai biến này có thể xảy với cả đường uống, đường tiêm truyền và nhỏ mắt của glucocorticoid, thường sau một quá trình dùng thuốc kéo dài, không hồi phục và đòi hỏi phải thay thế. Một số thuốc khác như busulfan, nitrogen mustards, isotretinoin và phenytoin cũng được ghi nhận có thể gây đục thủy tinh thể.
Tăng nhãn áp và bệnh glôcôm: glucocorticoid đường uống, tiêm truyền và đặc biệt là đường nhỏ mắt có thể gây tăng nhãn áp và bệnh glôcôm sau một vài tuần điều trị ở khoảng 30% số bệnh nhân. Ngưng hoặc giảm liều glucocorticoid thường giúp giảm nhãn áp. Các thuốc kháng cholinergic được ghi nhận có thể gây glôcôm góc đóng ở một số người nhạy cảm. Pilocarpine, mặc dù thường được dùng để điều trị glôcôm, cũng có thể gây glôcôm góc đóng cấp tính.
Phá hủy thần kinh và võng mạc: digoxin có thể gây độc trực tiếp các thụ cảm thể nhận cảm ánh sáng, dẫn đến mờ mắt, quáng mắt, đôi khi gây mù thoáng qua. Các thuốc chống sốt rét như hydroxychloroquin, nếu dùng kéo dài có thể gây nhiễm độc võng mạc, nguy cơ phụ thuộc vào tổng liều dùng của thuốc. Biểu hiện là nhìn nhòe với một số điểm mù trong thị trường và rối loạn nhận biết màu sắc. Tamoxifen, nhất là ở liều cao, có thể gây đục thủy tinh thể và bệnh lý võng mạc. Ethambutol và isoniazid (2 loại thuốc chống lao) có thể gây viêm, teo thần kinh thị giác dẫn đến mù vĩnh viễn trong một số ít trường hợp. Vigabatrin có thể ảnh hưởng đến thị trường ở khoảng 1/3 số bệnh nhân, thường xảy ra sau điều trị vài tuần đến vài tháng. Giảm thị lực liên quan đến các thuốc ức chế COX-2 như celecoxib cũng đã được ghi nhận.
Rối loạn điều tiết của mắt: các thuốc kháng cholinergic như benzatropine, phenothiazine và thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây giảm khả năng điều tiết của mắt. Các thuốc giống cholinergic, viên tránh thai, sulphamide, prochlorperazine và các kháng sinh tetracycline cũng có thể gây giảm điều tiết của mắt dẫn đến cận thị trong thời gian dùng thuốc.
Dự phòng và điều trị
Giảm hoặc ngưng dùng các thuốc gây ảnh hưởng đến mắt là biện pháp quan trọng đầu tiên. Nếu bắt buộc phải tiếp tục dùng thuốc, cần phối hợp thêm các thuốc giảm triệu chứng như rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý nếu có khô mắt, ngứa mắt... Khi dùng các thuốc có nguy cơ ảnh hưởng đến mắt, cần cảnh báo người bệnh và theo dõi mắt chặt chẽ trong quá trình điều trị (ví dụ như theo dõi nhãn áp và thị lực trong quá trình điều trị glucocorticoid kéo dài). Cuối cùng, để hạn chế mọi tác dụng phụ của thuốc, hãy chỉ dùng những thuốc thực sự cần thiết.
BS. Nguyễn Hữu Trường
(BV Bạch Mai)
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Sau sẩy thai nên kiêng những gì?
6 động tác massage giảm căng thẳng
Mang bầu thiếu máu – bệnh thường gặp, đừng chủ quan
Đánh giá