15 December, 2016 0 nhận xét Nhận xét
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất dành cho bé trong những năm đầu đời. Đây cũng là thức ăn duy nhất mà bé cần trong giai đoạn từ 0 - 6 tháng tuổi. Vì vậy, làm thế nào để duy trì, sử dụng đúng cách, hiệu quả nguồn cung cấp thức ăn quý giá này luôn là vấn đề được các bà mẹ quan tâm.
TS.BS Cao Thị Hậu, nguyên Giám đốc TT Truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chất đạm (protein) trong sữa mẹ chủ yếu là các axit amin cần thiết cho cơ thể. Hàm lượng vitamin A, C, chất khoáng như sắt, canxi trong sữa mẹ có tỷ lệ cân đối, thích hợp cho việc tiêu hoá và hấp thu, vì thế mẹ cho bé bú sữa mẹ sẽ không lo con bị thiếu máu hay còi xương. Chất béo trong sữa mẹ là các axit béo không no, nhiều DHA, ARA có vai trò trong sự phát triển hệ thần kinh, trí não của bé. Ngoài ra, sữa mẹ còn có các globulin miễn dịch, giúp trẻ bú sữa mẹ ít bị mắc bệnh hơn trẻ không được bú sữa mẹ. Để bé yêu lớn lên khỏe mạnh, thông minh và phát triển toàn diện cả tinh thần và thể chất nhờ sự nuôi dưỡng của nguồn sữa mẹ, các mẹ cần lưu ý:
Cho con bú sữa non trong vòng 1 giờ sau sinh
Sữa non giống như liều vắc-xin tự nhiên đầu tiên cho bé. Những bé được bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh sẽ giảm được rủi ro mắc các bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành (tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch…). Vì vậy, trong vòng 1 giờ sau khi sinh, các mẹ hãy cho con bú ngay để bé có thể nhận được những giọt sữa non quý giá nhé.
Bé càng bú nhiều, mẹ càng tiết sữa nhiều. Mẹ nên cho con bú theo nhu cầu, không theo giờ giấc, kể cả ban đêm nếu bé khóc đòi ăn; cho bé bú kiệt từng bên để bé nhận được hết sữa đầu (chứa các chất dinh dưỡng và nước) và sữa cuối (chứa chất béo); nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu mẹ phải đi làm, có thể vắt sữa để ở nhà cho bé ăn, tranh thủ trưa về cho bé bú và tăng cường cho bé bú nhiều hơn, nhất là vào ban đêm.
Ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý để có đủ sữa cho trẻ
Để kho dự trữ thức ăn tự nhiên của trẻ lúc nào cũng đầy “nhiên liệu” thì ngay trong thời kỳ có thai, người mẹ cần ăn uống đầy đủ, đa dạng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, tăng cân tốt (10 - 12kg). Sau khi sinh, mẹ cần ngủ đẫy giấc; ăn đầy đủ, bồi dưỡng hơn bình thường, ăn thêm hoa quả chín để đủ vitamin; uống nhiều nước (1,5 – 2 lít/ ngày); hạn chế các thức ăn có gia vị ớt, hành, tỏi… có thể qua sữa gây mùi khó chịu khiến bé dễ bỏ bú; hạn chế dùng thuốc để tránh ngộ độc, hoặc làm giảm bài tiết sữa.
Đặc biệt, người mẹ cần kiên trì, tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ, luôn được gia đình, người thân, bạn bè quan tâm giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để cho bé bú sữa mẹ liên tục ngay cả khi đi làm trở lại. Việc duy trì cho trẻ bú sữa mẹ liên tục sẽ kích thích tuyến sữa, giúp tăng tiết sữa cho mẹ bầu. Vì vậy, với những trường hợp đầu ti mẹ ngắn, khiến trẻ không bú được hoặc mẹ phải đi làm trở lại, người mẹ nên vắt sữa ra bình thủy tinh hay túi bảo quản sữa chuyên dụng để cho trẻ dùng dần. Ở nhiệt độ phòng từ 19-20 độ C, sữa có thể bảo quản được 4 giờ. Nếu để ở ngăn mát tủ lạnh, nhiệt độ dưới 4 độ C, sữa bảo quản được 3 ngày còn trong ngăn đá tủ lạnh, sữa mẹ có thể bảo quản được 6 tháng.
Theo Afamily
Các bài gần đây
Giúp trẻ tự kỷ điều hòa cảm xúc
Những phát hiện quan trọng nhất về bệnh tự kỷ trong năm 2016
5 sai lầm khi chữa hen, viêm phế quản cho bé
Thay đổi nội tiết là nguyên nhân gây xơ nang tuyến vú
10 lời khuyên hữu ích dành cho người bị suy tĩnh mạch
Tăng cường trí nhớ qua hơi thở như thế nào?
Đánh giá