09 October, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Có thuốc nào chữa dứt điểm bệnh huyết trắng không? Tôi mong được tư vấn.
Nguyễn Thị Thu (Nam Định)
Huyết trắng là loại dịch có vai trò giữ cho âm đạo luôn ẩm, chống các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên, khi nhiều mầm bệnh tấn công vượt quá khả năng bảo vệ của loại dịch này dẫn đến viêm nhiễm gọi là bệnh huyết trắng. Biểu hiện của bệnh như sau: ra số lượng nhiều, hôi, có màu vàng, xanh, trắng đục đóng thành váng, gây ngứa, bỏng rát, giao hợp đau, tiểu đau, tiểu nhiều lần, đau âm ỉ vùng bụng thấp. Tác nhân gây ra bệnh huyết trắng có thể là do nấm men, tạp trùng hoặc trùng roi. Cũng có tình trạng huyết trắng ra nhiều do viêm lộ tuyến tử cung hoặc u xơ tử cung. Nếu để tình trạng bệnh kéo dài, tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến nguy cơ vô sinh, ung thư cổ tử cung…
Để điều trị bệnh huyết trắng, người bệnh cần đi khám phụ khoa, làm các xét nghiệm, sau đó căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh để dùng thuốc phù hợp.
Huyết trắng do Candida albicans: Có màu trắng đục, dính từng mảng, có lúc có mùi hôi, kèm theo triệu chứng ngứa ở âm hộ. Điều trị: Đặt âm đạo bằng thuốc miconazole hay clotrimazole trong 6 ngày, kết hợp uống fluconazole, liều duy nhất (1 viên).
Huyết trắng do nhiễm Trichomonas Vaginalis: Có màu vàng - xanh, loãng, có bọt, với số lượng nhiều, kèm theo triệu chứng ngứa rát âm hộ, có cảm giác như có con gì bò trong âm đạo, giao hợp đau, tiểu nóng. Điều trị: Uống viên tinidazole hoặc secnidazole liều duy nhất.
Huyết trắng do tạp trùng: Biểu hiện màu vàng hoặc xám, loãng, tráng đều thành âm đạo, có mùi hôi. Điều trị: Uống metronidazol liều duy nhất hoặc dùng liều uống trong 7 ngày.
Lưu ý: Các thuốc điều trị bệnh huyết trắng có nhiều tên biệt dược và hàm lượng khác nhau. Vì vậy, chị cần tuân thủ chặt chẽ liều điều trị của bác sĩ. Không bỏ thuốc giữa chừng hay tự ý dùng thêm thuốc khác, bệnh sẽ nặng hơn hoặc dễ tái phát hơn và việc điều trị sẽ càng khó khăn.
Để phòng tránh bệnh huyết trắng, cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ, kết hợp với một chế độ ăn đầy đủ rau xanh, dưỡng chất và một thói quen sinh hoạt lành mạnh một vợ một chồng. Không dùng dung dịch rửa quá nhiều lần trong ngày, bỏ thói quen thụt rửa âm đạo vì có thể làm thay đổi độ pH tự nhiên. Năng thay quần lót, tránh mặc quần ẩm ướt, luôn giữ cho vùng kín khô thoáng... Khi có biểu hiện bất thường ở vùng kín thì cần đi khám phụ khoa để được tư vấn và dùng thuốc.
DS. Yến Trang
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Muốn phát triển chiều cao tối ưu, chỉ canxi và vitamin D là chưa đủ!
Biến chứng tiểu đường dễ gây mù mắt
Dễ mất chồng vì “khô hạn” kéo dài
Mệt mỏi bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh gan
Đánh giá