22 November, 2016 0 nhận xét Nhận xét
Khi trẻ bị hóc, bạn đặt bé nằm úp trên tay, tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào lưng nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống dị vật ra ngoài.
Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, nguy cơ sặc dị vật thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm từ một đến 3 tuổi. Lúc này, ý thức nhận biết thế giới xung quanh bắt đầu phát triển, các em có xu hướng cảm nhận vật lạ bằng cách cho vào miệng để ngậm, nhai, mút, cắn hoặc nuốt.
Trước khi kỹ thuật nội soi đường hô hấp ra đời, tỷ lệ tử vong do sặc dị vật chiếm tới 20% trường hợp tử vong chung ở trẻ. Sặc dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do các bé thường có thói quen khóc, nô đùa trong khi miệng còn ngậm thức ăn hoặc đồ vật. Tai nạn này còn gặp ở những trẻ chậm phát triển trí tuệ, bị bệnh phải dùng thuốc an thần, chống co giật. Các bé bị suy hô hấp do bệnh phổi hoặc tim, có những rối loạn về nuốt bẩm sinh cũng dễ bị sặc.
Thống kê về giới tính, trẻ trai bị sặc dị vật hô hấp chiếm đến khoảng 2/3 ca, có thể do bé trai hiếu động hơn bé gái. Trẻ ít tuổi khi bị sặc thường nguy hiểm hơn do đường dẫn khí của phổi (khí phế quản) còn nhỏ nên dễ bị hẹp tắc bởi dị vật, trong khi sức chịu đựng tình trạng thiếu ôxy cấp ở bé kém hơn.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sặc sữa
Khi trẻ đang bú hoặc sau bú mà đột ngột ho, sặc sụa, tím tái. Có thể thấy sữa trào ra mũi, miệng. Bé hốt hoảng, da xanh tái, cơ thể mềm nhũn hoặc co cứng. Trường hợp nặng, trẻ có thể ngừng thở, ngừng tim và tử vong. Do vậy người mẹ cần quan sát con thật cẩn thận khi cho bú. Nếu thấy bé bắt đầu có biểu hiện sặc sữa như ho, vùng vẫy sặc sụa, phụ huynh hoặc người giữ trẻ cần đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để ọc sữa ra.
Trường hợp nặng, cần thực hiện các bước sau:
Vỗ lưng, ấn ngực
Đặt bé nằm úp trên tay, có thể để phần thân dưới của trẻ tựa vào đùi bạn. Dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương bả vai) nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống dị vật ra ngoài. Nếu bé vẫn khó thở, tím tái thì đặt nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng ngón tay trỏ và giữa nhanh chóng ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Lặp lại 10 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục.
Thông đường thở
Dùng miệng của bạn hút mạnh vào mũi và miệng trẻ. Hút kỹ cho hết lượng sữa còn đọng ở họng và mũi bé càng nhanh càng tốt. Lưu ý: Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp.
Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở, có thể kết hợp các biện pháp trên với thổi ngạt bằng cách ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Để phòng tránh sặc sữa khi cho trẻ bú, cần lưu ý:
Bế trẻ ở tư thế đầu cao hơn phần còn lại của cơ thể. Quan sát trong khi bú, tốt nhất là thấy được trẻ nuốt sau từng động tác mút sữa. Nếu thấy bé không muốn ăn, sữa còn trong miệng thì phải dừng cho bú, nếu cho ăn bằng thìa thì không đút tiếp. Không ép trẻ ăn. Sau khi bú xong nên bế bé nằm sấp trên vai hoặc ngực mẹ, vỗ lưng nhẹ nhẹ để trẻ ợ bớt hơi trong dạ dày, tránh đầy hơi dễ gây kích thích dẫn đến sặc.
Nếu trẻ bú bình thì lỗ thông đầu vú không nên đục quá rộng, tốt nhất đục từ một đến hai lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú. Khi cho bú, nên nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, như thế trẻ sẽ không bị nuốt nhiều không khí dễ dẫn đến nôn sau bữa ăn. Lưu ý: Không cho bú khi bé đang ngủ, khóc hoặc ho.
Theo Vnexpress
Các bài gần đây
Dấu hiệu gan nhiễm độc tố nặng cần khám gấp trước khi mắc ung thư
Những dấu hiệu nhận biết bệnh sỏi mật sớm nhất ai cũng phải nhớ
Nuôi dạy con thông minh ngay từ trong bụng mẹ như người Do Thái
Cách xử lý 6 rắc rối lớn của kỳ nguyệt san mà chị em nào cũng phải biết
Đánh giá