ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh chia sẻ những thói quen đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả trong việc bảo vệ và tăng cường sức khỏe hệ cơ xương khớp:
Hạn chế dùng điện thoại
Việc thường xuyên gấp duỗi ngón tay cái khi sử dụng điện thoại làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý ngón tay bật hoặc viêm gân. Những tình trạng này sẽ gây đau đớn cho người bệnh và ảnh hưởng đến chức năng bàn tay. Dù không quá nguy hiểm nhưng đây là những bệnh này khó điều trị, đôi khi người bệnh cần phải phẫu thuật.
Hạn chế sử dụng điện thoại còn giúp bảo vệ cổ vai gáy. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tư thế cúi đầu nhìn màn hình điện thoại buộc các nhóm cơ cổ phải co rút lại, đồng thời kéo căng dây chằng ở vai gáy để chịu đựng trọng lượng nhiều hơn so với bình thường. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hội chứng đau cổ vai gáy.
Sinh hoạt đúng tư thế
Những thói quen đi, đứng, nằm, ngồi... cũng tác động đáng kể đến sức khỏe hệ cơ xương khớp. Khi sinh hoạt sai tư thế trong thời gian dài có thể dẫn đến những chấn thương xương khớp, gây đau nhức và khó điều trị. Khi đi lại, bạn nên tránh dáng đi thõng vai xuống vì tư thế này sẽ làm tăng thêm sự căng thẳng lên cột sống. Đứng thẳng lưng không chỉ tạo ra một tư thế đẹp mà còn giúp cơ thể thả lỏng. Khi nâng nhấc vật nặng, thay vì cúi gập lưng, bạn cần giữ cột sống thẳng, cong dần hai gối và hạ thân mình xuống. Đặt một chiếc gối mỏng vừa phải dưới đầu, ngang với cột sống trong khi ngủ cũng có tác dụng bảo vệ xương khớp. Tư thế này giúp duy trì độ cong tự nhiên của cột sống
Thường xuyên vận động
Để có hệ xương khớp khỏe mạnh, bạn nên vận động tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Vận động là phương pháp vô cùng hiệu quả giúp xương khớp khỏe mạnh, giảm sự hao mòn sụn khớp theo thời gian. Khi tập thể dục, tốc độ lưu thông máu được đẩy nhanh, cung cấp một lượng chất dinh dưỡng dồi dào cho màng tế bào và các sụn khớp. Từ đó giúp củng cố sụn khớp. Các khớp, đặc biệt là đầu gối và hông hoạt động nhờ vào mạng lưới cơ. Vì vậy, các bài tập xây dựng cơ và dây chằng sẽ giúp các khớp khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ chấn thương.
Ngoài ra, vận động thường xuyên còn giúp duy trì cân nặng lành mạnh, ngăn ngừa tình trạng thừa cân béo phì. Từ đó, làm giảm áp lực tác động lên xương khớp, tăng chất lượng xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân thường gặp gây loãng xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Khi các hóa chất trong thuốc lá đi vào cơ thể sẽ làm giảm cung cấp máu cho xương và nhiều vùng mô khác của cơ thể; giảm hấp thụ canxi cần thiết cho quá trình khoáng hóa xương, ngăn ngừa sự phát triển của các xương mỏng.Nicotine trong thuốc lá còn làm chậm quá trình sản xuất các tế bào sản xuất xương và ảnh hưởng đến sự cân bằng các hormone chịu trách nhiệm xây dựng, duy trì xương chắc khỏe. Những người hút thuốc có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về gân chóp xoay hơn so với người không hút thuốc do chất lượng vùng gân bị suy giảm.
Dinh dưỡng đầy đủ
Canxi và vitamin D là hai dưỡng chất cần thiết để tăng cường mô xương. Do đó, chế độ dinh dưỡng giàu các khoáng chất này là một trong những cách tốt nhất để củng cố khung xương.
Bạn cũng cần tăng cường rau xanh trong thực đơn hàng ngày. Rau có tác dụng tăng cường mật độ xương, giúp phòng tránh chứng thiếu xương và loãng xương. Rau cũng là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, giúp kích thích sản xuất các tế bào tạo xương, có khả năng chống oxy hóa và bảo vệ các tế bào xương khỏi bị hư hại.
Bác sĩ Duy Ân khuyến cáo, bên cạnh thói quen sống lành mạnh, để bảo vệ sức khỏe hệ cơ xương khớp, người bệnh nên tránh những hoạt động có thể gây va chạm và dẫn đến chấn thương. Đồng thời, đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể.
Medshopvn sưu tầm
Theo VNexpress
Đánh giá