1. Tại sao ngày 'đèn đỏ' lại gây đau đầu?
Phụ nữ thường mắc chứng đau đầu nhiều hơn với nam giới, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản. Một số người bị đau đầu trước hoặc trong kỳ kinh thường do:
- Mất cân bằng nội tiết tố: Thay đổi nồng độ estrogen và progesterone là một trong những nguyên nhân chính gây đau nhức đầu trong những ngày "đèn đỏ". Nội tiết tố dao động trong suốt chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng. Ngay trước khi kỳ kinh bắt đầu, nồng độ estrogen giảm mạnh. Vào giữa chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng, nồng độ estrogen sẽ tăng lên để kích thích rụng trứng.
Ngoài ra, hormone progesterone cũng tăng lên để giúp trứng bám vào tử cung. Đến cuối chu kỳ mà không có sự thụ tinh, nồng độ hormone estrogen và progesterone sẽ giảm xuống đột ngột. Sự thay đổi liên tục này khiến nhiều chị em dễ bị đau đầu hơn. Những cơn đau đầu này thường xảy ra trong hai ngày trước khi có kinh và ba ngày sau khi bắt đầu có kinh.
- Thiếu máu thiếu sắt: Thông thường, mỗi chu kỳ kinh nguyệt chị em có thể bị mất khoảng 50 – 80ml máu. Nếu bị chảy máu quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa oxy lên não cũng như các cơ quan khác, gây đau đầu, chóng mặt…
2. Dùng thuốc gì giảm đau đầu trong kỳ kinh nguyệt?
Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng đau đầu cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Các thuốc có thể giảm đau đầu kinh nguyệt như:
- Thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau không kê đơn trong ngày "đèn đỏ" như acetaminophen là một lựa chọn khá an toàn. Tuy nhiên cần lưu ý dùng đúng liều lượng và thời gian để tránh những tác dụng phụ nguy hiểm. Liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng, mỗi 4-6 giờ, trong 24 giờ. Ngoài ra có thể dùng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau như ibuprofen, aspirin...
- Thuốc tránh thai nội tiết tố: Biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể giúp cân bằng nồng độ hormone, ngăn chặn chứng đau nửa đầu trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị đau đầu nhiều hơn khi dùng thuốc tránh thai nội tiết tố. Lưu ý, một số biện pháp tránh thai có thể không an toàn đối với những phụ nữ bị chứng đau nửa đầu kèm theo hào quang.
- Thuốc kê đơn như triptans, chất chủ vận thụ thể serotonin có chọn lọc, giúp ngăn chặn tín hiệu đau trong não. Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc opioid, dihydroergotamine và ergotamine để điều trị chứng đau nửa đầu kinh nguyệt.
- Bổ sung estrogen: Với những trường hợp đau đầu kinh nguyệt kéo dài, đau đầu do nội tiết tố, sử dụng thuốc giảm đau không mang lại hiệu quả, có thể bổ sung estrogen. Liệu pháp này có thể giúp cân bằng lượng hormone trong cơ thể, từ đó giúp giảm tần suất các cơn đau đầu trong kỳ kinh nguyệt hiệu quả.
- Bổ sung sắt: Có thể uống bổ sung thêm sắt để hỗ trợ giảm chứng đau đầu trong trường hợp đau đầu do thiếu máu thiếu sắt.
Lưu ý, không tự ý dùng thuốc trị đau đầu trong kỳ kinh nguyệt. Không tùy tiện dùng thuốc tránh thai khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong thời gian uống thuốc, cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử trí, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
3. Điều trị không dùng thuốc
Có thể áp dụng một số phương pháp giảm đau không dùng thuốc: Thư giãn, châm cứu, xoa bóp. Bên cạnh đó, các chị em nên bổ sung một số dưỡng chất tăng cường máu trong những ngày đèn đỏ: Thịt bò, ức gà, hạt bí ngô, gan, đậu phộng, uống viên sắt, mộc nhĩ, nấm hương… Đồng thời có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, không thức khuya, ngủ đủ giấc.
Để tránh đau đầu trong những ngày đèn đỏ, nên:
- Uống nhiều nước.
- Tránh những hoạt động mạnh, căng thẳng.
- Tránh ăn các loại thực phẩm lên men, thực phẩm chứa các chất gây đau đầu, thực phẩm chứa đường, chất kích thích.
Medshopvn sưu tầm
THeo SKĐS
Đánh giá