Cho trẻ ngủ chung với bố mẹ là thói quen phổ biến của nhiều gia đình bởi điều này mang lại cảm giác thoải mái và an toàn cho trẻ, đặc biệt là trong những năm bé đầu đời.
Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định nào đó, cha mẹ sẽ cần tách con, để trẻ bắt đầu ngủ riêng trên giường của mình, thậm chí là phòng riêng nếu có điều kiện.
Đây là một khó khăn và thách thức cho cả trẻ và cha mẹ, bởi nó liên quan đến việc thay đổi một thói quen quen thuộc. Tuy nhiên, với cách tiếp cận phù hợp, quá trình chuyển đổi có thể suôn sẻ và thành công.
Lợi ích của việc tách trẻ ngủ riêng
Ngủ riêng là một cột mốc phát triển quan trọng không nên bỏ qua. Chuyển con từ ngủ chung sang ngủ riêng đúng cách là điều cần thiết cho chất lượng giấc ngủ và sức khỏe lâu dài của trẻ lẫn cha mẹ. Thiết lập thói quen ngủ lành mạnh từ sớm có thể dẫn đến giấc ngủ ngon hơn trong tương lai, điều này có thể tác động tích cực đến sự phát triển nhận thức, cảm xúc và thể chất của con.
Việc cho trẻ ngủ riêng là cần thiết, bởi trẻ lúc này đã có sự cảm nhận, hiểu biết nhất định, trong khi cha mẹ cần có không gian riêng tư trong sinh hoạt vợ chồng.
Khi nào nên tách trẻ ngủ riêng
Mỗi gia đình có một lựa chọn khác nhau khi tách trẻ ra ngủ riêng. Một số cha mẹ cho trẻ ngủ riêng từ khi trẻ mới biết đi, trong khi một số gia đình khác cho trẻ ngủ riêng ở độ tuổi 3-5 tuổi, hoặc hơn.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, độ tuổi tốt nhất để tách trẻ ra ngủ riêng là khoảng 3 tuổi. Việc tách trẻ ra riêng sau 6 tuổi là muộn.
Các bước để giúp trẻ ngủ riêng dễ dàng
Trước khi cha mẹ tách con ra ngủ riêng, nêu lưu ý đến tính an toàn của trẻ trong không gian ngủ riêng. Cần tính đến các yếu tố an toàn về điện, hỏa hoạn, cửa sổ trước khi chuyển con sang đó.
Để bắt đầu, nên giảm dần thời gian ngủ chung với trẻ. Ban đầu, bạn có thể cho trẻ ngủ trưa một mình tại phòng của chúng, cho chúng tập làm quen. Cách tiếp cận dần dần cho phép trẻ cảm thấy thoải mái với cách sắp xếp chỗ ngủ mới, đồng thời vẫn thấy an toàn khi biết rằng cha mẹ đang ở gần.
Khi trẻ đã quen với việc ngủ một mình khi ngủ trưa, cha mẹ có thể tăng dần thời gian trẻ ở phòng riêng, tiến tới mục tiêu để trẻ ngủ một mình suốt đêm.
Thiết lập thói quen đi ngủ mới là một bước thiết yếu khi chuyển trẻ từ ngủ chung sang ngủ một mình. Thông thường, trẻ nhỏ yêu thích thói quen nhất quán, do đó một thói quen đều đặn vào buổi tối, trước khi đi ngủ có thể mang lại cho chúng cảm giác an toàn và thoải mái. Bạn có thể cân nhắc các hoạt động như kể chuyện và hát ru, đọc sách cho trẻ trước khi cho chúng vào giường ngủ.
Điều quan trọng là chọn các hoạt động con bạn thích và có thể giúp chúng thư giãn trước khi đi ngủ. Tính nhất quán là chìa khóa, vì vậy hãy đảm bảo tuân theo cùng một thói quen hàng đêm. Theo thời gian, trẻ sẽ học cách liên kết thói quen với giờ đi ngủ, giúp chúng dễ dàng tự đi vào giấc ngủ hơn.
Ngoài ra, bạn nên tạo môi trường ngủ thoải mái với chiếc giường ấm cúng và bộ chăn, ga giường trẻ yêu thích. Nên chọn bộ đồ giường có màu sắc, nhân vật hoặc thiết kế yêu thích của trẻ để thêm yếu tố quen thuộc và thoải mái.
Nên khuyến khích con tham gia vào quá trình sắp xếp phòng ngủ riêng, cho phép chúng chọn giường ngủ và đồ trang trí theo sở thích. Điều này có thể mang lại cho trẻ cảm giác sở hữu và kiểm soát môi trường của chúng, giúp làm giảm bớt mọi lo lắng nơi trẻ. Đừng quên để trẻ tự chọn ra một con thú nhồi bông hoặc đồ chơi yêu thích để trên giường.
Trong quá trình con dần quen với việc ngủ riêng, cha mẹ cần khuyến khích, khen ngợi con vì đã ở phòng riêng. Điều này giúp truyền cảm hứng cho con, giúp chúng phát triển thói quen ngủ lành mạnh trên giường riêng.
Chuyển trẻ từ ngủ chung sang ngủ riêng có thể là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với cha mẹ. Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn, bền bỉ và củng cố tích cực, bạn có thể thực hiện việc này thành công.
Medshopvn sưu tầm
Theo Vnexpress
Đánh giá