Ginkgo biloba không an toàn với mọi trường hợp
Đây là cao đã được chuẩn hóa của lá bạch quả. Thuốc được dùng làm giảm các biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não, một vài chứng bệnh về mắt (tắc mạch võng mạc). Gần đây, được nghiên cứu dùng trong các biểu hiện: Chán nản, khác thường về ứng xử, đau đầu mạn do căng thẳng, biểu hiện tâm thần vận động, thần kinh do đái tháo đường, giảm sút trí tuệ, trí nhớ (khi các biểu hiện này là do rối loạn tuần hoàn não hay có liên quan đến tuần hoàn não).
Tuy nhiên cần phải thận trọng khi dùng, vì trong chiết xuất ginkgo biloba có acid ginkgolic gây độc, nên tiêu chuẩn dẫn xuất chuẩn hóa EGb (có nguồn gốc từ lá cây bạch quả) đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới phải đảm bảo ở mức dưới 5ppm (không được chứa quá 5 phần triệu chất này). Các nhà lâm sàng đã ghi nhận ginkgo biloba có một số tác dụng phụ: Gây nhức đầu, bồn chồn, buồn nôn, tiêu chảy; làm tăng nguy cơ chảy máu (do có yếu tố ngăn cản sự kích hoạt tiểu cầu, chống đông máu); một số ít trường hợp có biến chứng nghiêm trọng gồm xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết trong não, xuất huyết tiền phòng mắt (chưa rõ lý do vì sao). Chưa có tài liệu nào chứng minh tính an toàn của thuốc ở người mang thai, cho con bú.
Các thuốc bổ não (kể cả loại được coi là hưng trí như piracetam, ginkgo biloba) chỉ có khả năng phục hồi lại sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não đến mức bình thường, chứ không làm vượt quá mức bình thường trước đó. Một số người dùng các thuốc này khi không bị bệnh, hay tăng liều để tăng cường trí tuệ là không có hiệu quả thực tế, hoặc tự ý dùng tăng liều với hy vọng tuần hoàn não mạnh lên sẽ có lợi là hoàn toàn sai lầm. Thực ra việc tăng liều như thế có thể gây nên các biểu hiện trái ngược như căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ. Chính vì thế, thầy thuốc sẽ tùy theo loại và mức độ rối loạn tuần hoàn não để chọn thuốc, liều dùng thích hợp để đủ lập lại cân bằng não bị suy giảm cho bệnh nhân.
Do những bất lợi trên nên các nhà lâm sàng đưa ra một số khuyến cáo: Không dùng cho người có rối loạn đông máu, không dùng chung với các thuốc chống đông máu (warparin, heparin) hay các thuốc ngăn ngừa sự tập kết tiểu cầu (aspirin, dipyridamol, ticlopidin). Nếu cần dùng chung thì phải tính toán liều lượng thật cẩn thận, theo dõi chặt chẽ. Không nên dùng chung với các thảo dược như: fefeverfew, tỏi, sâm, clover đỏ, đặc biệt những nhóm dược thảo có chứa coumarin.
Người cao tuổi cần thận trọng với sản phẩm phối hợp ginkobiloba và cafein.
Cảnh giác với những bất lợi của cafein
Trên vỏ não: Cafein có tác dụng rõ rệt làm mất cảm giác mệt nhọc, buồn ngủ, làm tăng quá trình hưng phấn... Tuy nhiên, nếu dùng chất này liên tục và kéo dài thì sau giai đoạn hưng phấn thường tiếp theo giai đoạn ức chế, mệt mỏi.
Trên hệ tim mạch: Cafein kích thích trực tiếp trên cơ tim làm tim đập nhanh, mạnh, tăng lưu lượng tim và lưu lượng mạch vành. Trên cơ thể nguyên vẹn, do còn có tác dụng kích thích trung tâm dây thần kinh X nên có tác dụng ngược lại. Vì vậy, tác dụng của cafein trên tim là phức tạp, tùy theo liều: Liều nhẹ làm tim đập chậm, liều cao làm tim đập nhanh. Liều điều trị ít làm thay đổi huyết áp.
Trên hệ hô hấp: Kích thích trung tâm hô hấp ở hành não, làm giãn phế quản và giãn mạch phổi do tác dụng trực tiếp trên cơ trơn. Tác dụng càng rõ khi trung tâm hô hấp đã bị ức chế bởi thuốc mê, thuốc ngủ hay morphin.
Trên cơ quan nội tạng: Làm giãn mạch thận và lợi niệu. Làm tăng tiết dịch vị cơ sở, tăng tính acid của dịch vị do trực tiếp kích thích niêm mạc dạ dày và kích thích qua trung tâm phó giao cảm.
Có nên dùng thuốc phối hợp 2 chất này không?
Việc bổ sung cafein vào sản phẩm ginkgo biloba để hiệp đồng tác dụng thì cũng làm tăng rất nguy cơ xảy ra tác dụng phụ như: Căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu... Điều quan trọng là đa số bệnh nhân bị suy giảm tuần hoàn não là người cao tuổi và thường có những bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường... Do đó không nên dùng các loại thuốc (hoặc thực phẩm chức năng) phối hợp 2 loại chất này.
DS. Bùi Sỹ Thành
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Các bệnh thường gặp ở tuyến tiền liệt
Chậm thấy “đèn đỏ” trở lại khi cho con bú, vì sao?
Các loại rau củ cải thiện cho phụ nữ mang thai bị thiếu máu
Đánh giá