Điều trị tiêu chảy
Một số chủng men vi sinh đã chứng minh kết quả tích cực trong điều trị tiêu chảy và viêm dạ dày ruột. Theo một báo cáo được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng và Tiêu hóa Nhi khoa, men vi sinh có hiệu quả trong việc chống lại các dạng tiêu chảy khác nhau.
Các loài Lactobacillus đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả để điều trị cho trẻ em bị tiêu chảy truyền nhiễm.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng tiêu thụ các loài Lactobacillus có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, đặc biệt là viêm dạ dày ruột do Rotavirus...
Cải thiện chức năng não
Probiotic có thể có lợi cho chức năng não. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), Hoa Kỳ phát hiện ra rằng chức năng não được cải thiện ở những phụ nữ khỏe mạnh thường xuyên ăn sữa chua có chứa men vi sinh.
TS.Kirsten Tillisch ở UCLA, tác giả nghiên cứu cho biết, phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng men vi sinh trong sữa chua thực sự đã làm thay đổi cách não của chúng ta phản ứng với môi trường.
Các nhà nghiên cứu cũng đã đề xuất một mối liên hệ giữa chế phẩm sinh học và lo lắng. Khi nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học đã chứng minh men vi sinh đã làm giảm căng thẳng trên chuột. Mặc dù mối liên hệ này vẫn chưa được kiểm chứng ở người, nhưng những phát hiện cho thấy những cách thức khả thi trong đó chế phẩm sinh học có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Lợi khuẩn trong đường ruột giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Giảm cholesterol
Nghiên cứu của các nhà khoa học Canada cũng cho thấy rằng một công thức của Lactobacillus reuteri NCIMB 30242 có thể làm giảm nồng độ lipoprotein mật độ thấp (LDL) trong máu. LDL cholesterol là một cholesterol “xấu” vì chúng tích tụ tại động mạch và thành mạch làm hẹp và cứng động mạch.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng hai liều L. reuteri NCIMB 30242, hai lần một ngày trong vòng 6 tuần bởi người lớn có cholesterol cao. Kết quả bao gồm giảm LDL 8,92% và cholesterol toàn phần 4,81% trong quá trình nghiên cứu.
TS.Mitchell Jones từ Đại học McGill ở Montreal (Canada), một trong những tác giả của nghiên cứu, đã chỉ ra rằng chế phẩm sinh học có thể đặc biệt làm giảm các este cholesterol liên quan đến axit béo bão hòa có hại trong máu.
Giảm hyết áp
Một nghiên cứu do Viện Y tế Griffith và Trường Y khoa tại Đại học Griffith Australia thực hiện, đã phát hiện ra rằng sữa lên men với các chủng Lactobacillus có thể giúp giảm huyết áp.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích thông tin của 9 nghiên cứu khác nhau tìm hiểu về việc tiêu thụ probiotic và kiểm soát huyết áp, với số người tham gia lên tới 543 người.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên bổ sung probitic có chỉ số huyết áp tâm thu trung bình thấp hơn 3,65mmHg, và huyết áp tâm trương cũng giảm trung bình 2,38mmHg so với những người không tiêu thụ probiotic. Những tác động tích cực của probiotic đối với huyết áp tâm trương được cho là lớn nhất ở những người có huyết áp bằng hoặc lớn hơn 130/85mmHg (được coi là tăng huyết áp).
TS. Jing Sun - tác giả nghiên cứu, giảng viên cao cấp của Trường Đại học Griffith cho biết, chúng tôi tin rằng, lợi ích của probiotic trong việc làm giảm huyết áp thậm chí còn cao hơn so với việc cải thiện cholesterol toàn phần, giảm lượng đường trong máu, điều hòa hormone và kháng insulin.
Vì vậy, những phát hiện của chúng tôi cho thấy, việc bổ sung probiotic thường xuyên thông qua các sản phẩm bổ sung hoặc các thực phẩm hàng ngày như: Sữa chua, sữa lên men, pho mát, dưa chua... sẽ có tác dụng như một phần của lối sống lành mạnh để giúp làm giảm huyết áp.
Ngoài ra, nghiên cứu này cho thấy chế phẩm sinh học có thể làm tăng nồng độ vitamin D trong máu thông qua các quá trình trao đổi chất của chúng. Vitamin D cũng giúp ngăn ngừa tăng huyết áp.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, sẽ cần thực hiện thêm các nghiên cứu khác sâu hơn để tìm hiểu về lợi ích của probiotic trước khi các bác sĩ có thể khuyên dùng probiotic như một biện pháp giúp kiểm soát và phòng ngừa tăng huyết áp trên cộng đồng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hypertension.
Điều trị hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn thường gặp có ảnh hưởng đến ruột già (đại tràng). Hội chứng ruột kích thích thường gây ra đau rút bụng, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón. Những dấu hiệu và triệu chứng trên gây khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Trong nhiều trường hợp, có thể kiểm soát hội chứng ruột kích thích bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý và giảm căng thẳng. Việc bổ sung men vi sinh để giúp tăng cường lượng vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa trong bệnh này là rất cần thiết.
Những người có hội chứng ruột kích thích thường bị mất cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn có ích tại đường ruột (thiếu hụt vi khuẩn hữu ích) và việc thêm men vi sinh vào chế độ ăn uống có thể giúp giảm triệu chứng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy men vi sinh có thể giúp điều trị hội chứng ruột kích thích đặc biệt là Bifidobacterium Newbornis.
Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn.
Bảo vệ chống lại nhiễm trùng
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng vi khuẩn sinh học có thể bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng bởi các vi khuẩn có hại.
Các vi khuẩn sống cộng sinh trong cơ thể đặc biệt là ở ruột đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Với ánh sáng của những nghiên cứu về tiêu hóa và miễn dịch cho thấy, các vi khuẩn cộng sinh có lợi này giúp bảo vệ cơ thể, dừng lại sự nhân lên và cư trú của mầm bệnh, giữ vai trò chính hoạt hóa, phát triển hệ miễn dịch; kích thích sự phát triển của niêm mạc ruột, hệ tế bào miễn dịch tại chỗ của ruột và của toàn bộ cơ thể.
Nhiễm khuẩn Listeria là một ngộ độc thực phẩm hiếm xảy ra nhưng có thể rất nghiêm trọng. Lactobacillus paracasei đã được cho thấy sẽ cung cấp sự bảo vệ đáng kể chống lại nhiễm khuẩn Listeria trong thực phẩm. Các vi sinh vật sinh học sẽ bám vào các tế bào ruột thay cho Listeria, tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa các vi sinh vật có thể ngăn ngừa nhiễm trùng.
Những lưu ý
Một số người có thể gặp phải tác dụng phụ khi ăn thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn, chẳng hạn như đầy hơi hoặc buồn nôn. Có thể giảm thiểu tác dụng phụ tiềm ẩn này bằng cách thêm một hoặc hai loại thực phẩm mới vào chế độ ăn hàng tuần.
Bất cứ ai có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, đang mang thai, hoặc ăn một chế độ ăn kiêng đặc biệt do tình trạng y tế đã có từ trước, nên hỏi bác sĩ trước khi ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn này.
Tham khảo chuyên gia dinh dưỡng về những cách an toàn để kết hợp chế phẩm sinh học vào chế độ ăn uống.
Luôn đảm bảo rằng chế phẩm sinh học bạn dùng phù hợp để kiểm soát tình trạng của bạn.
Thanh Phúc
((Theo MNT))
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Các biện pháp ngừa nhiễm vi trùng ở phòng tập
Ăn uống khi bị mề đay “hỏi thăm”
Những lưu ý về chăm sóc phụ nữ mang thai phải cách ly y tế
Đánh giá