Nhiều chất dinh dưỡng mà cơ thể không tự tổng hợp được, phải bổ sung đầy đủ qua bữa ăn hàng ngày. Do đó, lựa chọn thực phẩm phù hợp cho trẻ rất quan trọng.
TS.BS Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bữa ăn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần phối hợp đa dạng các loại thực phẩm chứa 4 nhóm chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và chất khoáng. Bữa ăn cơ bản cần có cơm, canh, món ăn giàu đạm, rau, đồ tráng miệng. Bữa cháo và bột cần có gạo tẻ, thịt, cá hoặc trứng, rau, dầu ăn, gia vị.
Bác sĩ Thanh chỉ ra 4 sai lầm nhiều cha mẹ thường gặp khi cho trẻ ăn uống.
Ép trẻ ăn
Ép trẻ ăn quá nhiều so với nhu cầu lâu dần dễ khiến bé biếng ăn, thấp bé nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng. Bé ăn một bát cháo đầy theo cách người lớn nghĩ chưa chắc là số lượng chuẩn. Thể tích dạ dày của trẻ nhỏ chỉ cần ăn khẩu phần vừa đủ.
Bác sĩ Thanh khuyên cha mẹ quan tâm hơn đến thành phần và số lượng của từng món ăn theo lứa tuổi của con để đảm bảo chất dinh dưỡng.
Trẻ ăn nhiều đồ ngọt
Đường, hạt nêm, bánh, kẹo, sữa có đường... dễ tạo thành thói quen vị giác khiến cho trẻ thích đồ ngọt. Thói quen này có thể khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường khi trưởng thành.
Ăn nhiều củ quả thay vì rau xanh
Nhiều cha mẹ cho rằng củ quả cũng là rau nên hay chọn khoai các loại, bí đỏ, su su, củ cải đỏ... cho con ăn thường xuyên. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh, nhóm rau lá màu xanh sẫm có nhiều dinh dưỡng hơn so với nhóm củ quả. Cụ thể rau mồng tơi, súp lơ xanh có chứa nhiều vitamin C tốt cho trẻ.
Để giữ vitamin, khoáng chất tốt nhất trong rau, cha mẹ nên chọn loại tươi và dùng trong ngày. Không nên thái rau củ trước đó quá lâu mới chế biến hoặc ăn lại phần rau đã nấu từ bữa trước.
Nêm nếm thức ăn của trẻ theo khẩu vị người lớn
Nhiều cha mẹ thường nêm nếm gia vị cho con theo khẩu vị của bản thân vì nghĩ con cũng sẽ ngon miệng. Bác sĩ Thanh khuyến cáo cha mẹ không nên tạo thói quen ăn mặn cho con. Trẻ ăn dặm chưa biết phân biệt vị mặn hoặc nhạt, khẩu vị của bé bị tác động từ khẩu vị của người lớn. Trẻ ăn nhiều muối hơn so với nhu cầu không tốt cho cho sự phát triển.
Khi trẻ có dấu hiệu chậm tăng cân, cân nặng không đạt chuẩn, biếng ăn, cha mẹ nên con đi khám dinh dưỡng để bác sĩ tư vấn phác đồ dinh dưỡng giúp tăng cân. Nhờ đó bé còn có thể phát triển tốt thể lực và trí lực.
Medshopvn sưu tầm
Theo VNexpress
Đánh giá