25 February, 2020 0 nhận xét Nhận xét
Vì khi cơ thể khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt thì nguy cơ lây nhiễm virus ít hơn, hoặc nếu có bị lây nhiễm thì cũng nhanh khỏi bệnh vì khả năng chống chọi dịch bệnh phụ thuộc vào hệ miễn dịch của mỗi người. Vậy những vitamin và khoáng chất nào có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể? Dùng các chất này thế nào cho đúng?
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 rất nghiêm trọng, nhưng lại chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc-xin phòng ngừa. Do vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam đã ra khuyến cáo về cách phòng ngừa bệnh, trong đó có việc nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Một trong những cách đơn giản để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chính là việc chú trọng bổ sung các loại vitamin thiết yếu, có khả năng tăng sức đề kháng thông qua các loại thực phẩm là tốt nhất, hoặc có thể bổ sung bằng thuốc nhưng phải theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
Các loại quả giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch COVID-19.
Một số vitamin và khoáng chất có thể dùng
Vitamin C: là một trong những vitamin quan trọng nhất giúp tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin C đóng vai trò như một chất phản ứng, có chức năng như một chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây oxy hóa có hại. Ngoài ra, vitamin C còn có chức năng chống lại dị ứng, làm tăng chức năng miễn dịch...
Vitamin D: rất quan trọng đối với sức khỏe của hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D khiến các tế bào miễn dịch không thể phản ứng một cách thích hợp, làm chúng ta dễ bị nhiễm trùng hơn. Sự thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến hệ miễn dịch yếu, tăng nguy cơ nhiễm virus. Vitamin D được chứng minh có liên hệ với bệnh cúm. Vào mùa đông, do ánh sáng mặt trời ít dẫn đến việc thiếu vitamin D tổng hợp tự nhiên, là một trong những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ mắc bệnh cúm trong mùa này.
Vitamin A: Vai trò của vitamin A với đáp ứng miễn dịch được thể hiện ở vai trò của vitamin A với tính toàn vẹn của các biểu mô, đặc biệt biểu mô đường hô hấp và tiêu hóa. Khi các tế bào biểu mô đường hô hấp bị tổn thương làm cho các virus, vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể. Thiếu vitamin A các biểu mô quá sản, sừng hóa, các tuyến ngoại tiết giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn giảm đi. Da và niêm mạc khô dẫn đến dễ nhiễm khuẩn, nhiễm virus.
Vitamin E: là chất chống oxy hóa mạnh giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vitamin E rất cần để điều chỉnh và duy trì chức năng hệ miễn dịch. Vitamin E có thể làm tăng tính miễn dịch bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn mạnh hơn.
Kẽm: giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào T, tế bào B và đại thực bào.
Selen (selenium): đóng vai trò thiết yếu trong men glutathione peroxidase ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch, bao gồm sự phát triển và hoạt động của bạch cầu. Thiếu hụt selen gây ra ức chế chức năng miễn dịch, ngược lại nếu bổ sung selen sẽ tăng cường phục hồi khả năng miễn dịch. Thiếu selen còn ức chế khả năng đề kháng chống nhiễm trùng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, mọi người ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ nhiễm virus. Tuy nhiên, người có bệnh tiềm ẩn hoặc hệ miễn dịch suy yếu thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ tử vong cao khi bị nhiễm bệnh, vì vậy tăng cường hệ miễn dịch bằng các vitamin và khoáng chất nói trên là cần thiết sẽ giúp cơ thể chống lại sự lây nhiễm virus nói chung và COVID-19 nói riêng.
Có thể cung cấp các vitamin và khoáng chất này qua chế độ ăn uống hàng ngày. Đây là nguồn cung cấp an toàn nhất. Nguồn cung cấp vitamin C là các loại rau xanh và trái cây, nhất là trái cây có múi họ cam quýt như: bưởi, cam, quýt, chanh... hoặc các loại quả mọng như: kiwi, dâu tây, việt quất, cà chua, thanh long, chuối... Nguồn cung cấp vitamin A: trứng, gan, các loại quả màu đỏ, vàng: cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ, các loại rau xanh đậm như: rau ngót, rau đay, mồng tơi... Nguồn cung cấp vitamin D là trứng, nấm, sữa, gan cá... nguồn cung cấp vitamin E: giá đỗ, quả bơ, dầu thực vật, măng tây, các loại rau màu xanh đậm... Nguồn cung cấp kẽm: thịt gà, ngao, hàu, nấm, đậu đỗ... Nguồn cung cấp selen: trứng, thịt gà, thịt bò, tỏi...
Đối với việc bổ sung bằng thuốc cần hết sức thận trọng. Tốt nhất nếu muốn dùng cần có sự tư vấn của thầy thuốc, không nên tự ý sử dụng để tránh dùng thừa sẽ phản tác dụng, gây hại.
ThS.BS. Lê Thị Hải
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Thực phẩm nên tránh trước cuộc yêu
Sự thực về quan hệ bằng miệng gây ung thư vòm họng
Giúp trẻ bảo vệ và tăng cường miễn dịch trong “cuộc chiến Covid -19”
Đánh giá