Trả lời:
Nước dừa chứa một loạt các dưỡng chất nổi bật như vitamin A, E, canxi, kali, clorua,... rất cần thiết để cải thiện sức khỏe và tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên lượng đường trong nước dừa tương đối cao, uống liên tục và kéo dài có thể dẫn tới bị dư ối, đa ối, tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, chưa có nghiên cứu nào chứng minh uống nước dừa hàng ngày giúp trẻ có da trắng và sạch nước ối; ngược lại uống quá nhiều còn làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất, ảnh hưởng không nhỏ tới cả mẹ và bé. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, sinh non, sinh khó, tăng nguy cơ sang chấn và băng huyết sau sinh. Tỷ lệ mổ bắt con ở thai phụ mắc tiểu đường cao hơn và những nguy cơ khi phẫu thuật cũng tăng. Nhiều trẻ sinh ra từ mẹ bị tiểu đường thai kỳ gặp các rối loạn chức năng liên quan tới sự phát triển thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, thậm chí dị tật, chết lưu trong bụng mẹ.
Người thừa cân, béo phì, tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường, tiền sử sinh con lớn hơn 4 kg hoặc phụ nữ trên 35 tuổi mới sinh con... là nhóm nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, khi mang thai, mẹ bầu có xu hướng bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng... dẫn đến quá dư thừa năng lượng, dư thừa lượng đường, từ đó tăng nguy cơ mắc các vấn đề về chuyển hóa đường, chuyển hóa mỡ... Sự phân bổ bữa ăn không hợp lý, ăn ít vào bữa chính, ăn nhiều bữa phụ hay thói quen ăn vặt cũng khiến việc kiểm soát đường huyết kém hiệu quả.
Phụ nữ có thai cần điều chỉnh lối sống, bằng cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý, hoạt động thể chất phù hợp khoảng 30 phút mỗi ngày. Kiểm soát tăng cân thai kỳ dựa vào chỉ số khối cơ thể hoặc lắng nghe tư vấn của bác sĩ.
Thai phụ cần theo dõi và kiểm tra đúng lịch để phát hiện những bất thường của bản thân và thai nhi, từ đó được điều trị sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ Hồ Thu Thủy
Phó phụ trách Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Sưu tầm - Vnexpress
Đánh giá