28 September, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Nhận biết sớm các triệu chứng của hạ đường huyết giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hạ đường huyết là khi glucose máu giảm dưới 50mg/dl (2,7mmol/l). Trên lâm sàng, hạ đường huyết xảy ra khi: Sử dụng thuốc hạ đường huyết hay tiêm insulin quá liều; bỏ bữa sau dùng thuốc; tập luyện khi gắng sức; các bệnh lý cấp tính như nhiễm khuẩn, hay sự thay đổi cơ thể như có thai…Cần lưu ý triệu chứng lâm sàng thường ít tương ứng với nồng độ glucose máu.
Triệu chứng hạ đường máu thường xảy ra khi đói hoặc xa các bữa ăn, tương ứng thời gian tác dụng tối đa của thuốc (insulin hoặc sulfamid hạ đường huyết) đối với bệnh nhân tiểu đường. Triệu chứng trên cải thiện nhanh khi cung cấp glucose tức thời.
Hạ đường huyết mức độ nhẹ
Dấu hiệu toàn thân: Bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi thể lực lẫn tinh thần, buồn ngủ, chóng mặt, vã mồ hôi (dấu hiệu rất quan trọng trong giai đoạn này).
Ở hệ tiêu hóa thì cảm giác đói bụng và co thắt vùng thượng vị, có thể nôn hoặc tiêu chảy. Trên hệ tim mạch cũng bị ảnh hưởng với cảm giác hồi hộp, nhịp tim nhanh hoặc ngoại tâm thu; huyết áp cao; đau vùng trước tim kèm rối loạn nhịp hoặc dạng đau thắt ngực.
Nhận biết sớm các triệu chứng của hạ đường huyết giúp bạn hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ở hệ hô hấp thì xuất hiện cơn khó thở dạng hen. Hệ thần kinh sẽ xuất hiện cơn chuột rút, dị cảm đầu chi và quanh môi, nhức đầu thường xuyên hoặc kịch phát; rối loạn điều tiết, nhìn đôi, run lạnh (dễ nhầm do nhiễm trùng). Ngoài ra, bệnh nhân còn có triệu chứng ở tâm thần kinh như rối loạn nhân cách và tính khí với các biểu hiện như kích thích, vui vẻ, liến thoắng hoặc đôi khi buồn bã hoặc nóng tính. Nếu giai đoạn này phát hiện kịp thời và xử trí đơn giản với các thức uống có chứa đường, dấu hiệu lâm sàng cải thiện nhanh và sẽ qua nhanh các triệu chứng kể trên.
Hạ đường huyết nặng
Có thể xảy đến đột ngột hoặc xảy ra trên nền các biểu hiện lâm sàng của hạ đường huyết nhẹ kể trên. Trong giai đoạn này biểu hiện lâm sàng chủ yếu là về tâm thần kinh như: sững sờ, đờ đẫn, cơn trầm cảm với xu hướng tự sát, kích động, hoang tưởng, ảo giác, mất ý thức thoáng qua; cứng hàm (dấu hiệu quan trọng dễ nhầm với uốn ván); động kinh toàn thể hoặc khu trú dạng Bravais-Jackson, liệt nửa người, khu trú, rối loạn tiểu não - tiền đình như chóng mặt, rối loạn vận động (dễ nhầm tai biến mạch máu não). Giai đoạn này sử dụng glucose ưu trương đường tĩnh mạch trực tiếp hơn là cho đường uống bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh.
Hôn mê hạ đường máu
Khởi đầu thường không đột ngột, kèm co cơ, co giật, tăng phản xạ gân xương, co đồng tử, cứng hàm, đổ nhiều mồ hôi, kèm nét mặt đỏ bừng và hồi phục sau khi truyền glucose sớm trước khi qua giai đoạn không phục hồi (với hôn mê sâu, thương tổn não không hồi phục và tử vong nếu hạ glucose máu nặng và kéo dài).
Khi hôn mê hạ đường huyết thì triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng thường không tương ứng với nhau. Khi làm xét nghiệm đường huyết tĩnh mạch chính xác nhưng thời gian trả kết quả thường chậm, vì thế trong bối cảnh tối cấp đường huyết mao mạch cũng là dấu hiệu tin cậy và kết quả có tức thời. Không nên chờ đợi kết quả đường máu tĩnh mạch mà nên làm song hành cả hai biện pháp trên để kịp thời ứng phó với diễn biến của bệnh. Do vậy, khi bệnh nhân có dấu hiệu này thì cần cấp cứu ngay để tránh biến chứng nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.
BS. Lê Anh Tiến
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Những hậu quả nghiêm trọng của lối sống ít vận động
Dậy thì sớm ở trẻ và những lưu ý đặc biệt cho cha mẹ
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu kali
Quan hệ không bảo vệ có khiến âm đạo nhiễm khuẩn?
Đánh giá