15 November, 2010 0 nhận xét Nhận xét
Viết bởi giáo sư Frank Oberklaid và tiến sĩ Leah Kaminsky
Viêm nhiễm đường hô hấp trên là nguyên nhân gây ốm phổ biến nhất ở trẻ nhỏ (và người lớn). Có rất nhiều thuật ngữ (đôi khi không chính xác) được dùng để miêu tả sự ốm đau kiểu này, bao gồm ‘cảm lạnh’, ‘cúm’, ‘viêm a-mi-đan, hay ‘viêm họng’.
Một trẻ bình thường, trong độ tuổi đi học bị cảm lạnh ít nhất 6 lần/năm. Đôi khi, đặc biệt là trong mùa đông, 1 lần trẻ bị ốm có thể kéo dài vài tuần, chưa khỏi trận này đã lại bị trận khác. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, vì hệ miễn dịch của chúng vẫn chưa phát triển hoàn thiện để chống lại các loại virut gây cảm lạnh. Khi con bạn lớn dần lên, bé sẽ dần hoàn thiện hệ miễn dịch, và ít bị cảm lạnh hơn.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Hầu hết các trường hợp viêm đường hô hấp trên đều tiến triển tốt dần lên mà không cần điều trị. Những điều tốt nhất bạn nên làm là sử dụng các phương pháp được miêu tả dưới đây trong Điều trị cảm lạnh như thế nào? Bạn nên đưa con đi khám bác sĩ nếu bé không chịu uống nước, hay nôn, kêu đau đầu nặng, hay trông nhợt nhạt và buồn ngủ, khó thở, hay bị sốt cao mà không phản ứng với thuốc paracetamol. Bạn cũng nên gặp bác sĩ trong trường hợp bệnh tình của con không tiến triển trong 48 giờ đồng hồ, hay nếu bạn thấy lo lắng. Để biết thêm thông tin, xin xem Nhận biết các trường hợp ốm nặng
Nguyên nhân gây cảm lạnh
Hầu hết các trường hợp cảm lạnh đều do virut gây ra. Trên thực tế có trên 200 loại virut gây ra bệnh cảm lạnh thường gặp. Đây là lí do tại sao việc miễn dịch lại cảm lạnh là điều không thể.
Cảm lạnh xuất hiện phổ biến hơn vào mùa đông. Bản thân thời tiết lạnh không làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh, nhưng vào mùa này, mọi người thường tiếp xúc gần hơn với nhau vì ở trong nhà, vì thế, dễ làm lây bệnh cho nhau hơn. Tương tự như vậy, bị ướt hay lạnh không gây cảm lạnh. Virut gây cảm lạnh lây lan khi con người hắt hơi, ho và tiếp xúc qua tay.
Triệu chứng của cảm lạnh
Các triệu chứng của cảm lạnh ở trẻ em giống với người lớn. Người bệnh mắc nhiều triệu chứng cùng một lúc, bao gồm chảy nước mũi, hắt hơi, viêm họng, ho, đau đầu, đỏ mắt, sưng tuyến bạch huyết, và đôi khi bị sốt. Thông thường, người bị cảm lạnh ăn mất ngon, đôi khi buồn nôn và nôn. Trẻ nhỏ có thể khó chịu và quấy khóc.
Các triệu chứng cụ thể sẽ khác nhau giữa trẻ này với trẻ khác, từ bệnh này đến bệnh khác. Thông thường, triệu chứng sẽ kéo dài trong vài ngày đến 1 tuần hoặc hơn, và trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn mà không gặp vấn đề gì.
Trong rất ít các trường hợp, cảm lạnh để lại biến chứng, như viêm tai, viêm thanh quản, bệnh bạch hầu thanh quản, hay viêm đường hô hấp dưới, như viêm tiểu phế quản hay viêm phổi. Đây là những bệnh khá hiếm gặp so với cảm lạnh không biến chứng, 1 loại rất phổ biến.
Có cần xét nghiệm?
Trong rất ít các trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu, xét nghiệm mẫu bệnh từ cổ họng, hay hiếm hơn là chụp X-quang ngực, nhưng đối với hầu hết trẻ nhỏ bị viêm đường hô hấp trên, các phương pháp kiểm tra xét nghiệm là không cần thiết.
Điều trị cảm lạnh như thế nào?
Không có phương thuốc đặc trị cảm lạnh. Cũng không có phương pháp điều trị đặc biệt nào làm cảm lạnh qua đi nhanh hơn. Bạn có thể tận dụng những lựa chọn dưới đây để giúp làm giảm các triệu chứng của con:
- Cho con uống paracetamol với liều lượng thích hợp, trong vòng 48 giờ nếu bé bị sốt. Trong trường hợp sốt kéo dài hơn 48 giờ đồng hồ, cách tốt nhất là đưa con đi khám bác sĩ.
Không cho con uống aspirin – thuốc này có thể có các tác dụng phụ nguy hiểm.
- Cho con uống nước ấm giảm đau họng và khô miệng.
- Nhỏ thuốc nhỏ mũi, nước muối sinh lý cho con nếu bé bị nghẹt mũi
Những điều cần tránh:
- aspirin vì loại thuốc này có thể có các tác dụng phụ nguy hiểm.
- các loại thuốc có tác dụng thông mũi, vì chúng có các tác dụng phụ như làm tim đập nhanh, bồn chồn lo sợ, mất ngủ, và vẫn chưa được chứng minh có tác dụng giúp chữa bệnh.
- các loại thuốc kháng sinh: vì cảm lạnh là do virut gây ra, nên dùng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng, cho dù chúng thường được bác sĩ kê đơn. Thuốc kháng sinh (như penclilin) không chỉ không cần thiết mà còn có thể có hại vì gây ra rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.
- các loại thuốc giảm ho cũng không có tác dụng: ho là do khí quản bị kích thích hoặc do quá nhiều nước nhầy, vì thế thuốc ho cũng không có hiệu quả. Tương tự như vậy, hiện chưa có bằng chứng chứng mình vitamin C có tác dụng trong điều trị cảm lạnh.
- không cần tránh các sản phẩm từ sữa, vì chúng không làm tăng chất nhầy.
Cần lưu ý rằng, không nên nghiêm trọng hóa vấn đề cho con bạn, và không nhất thiết phải để bé ở giường khi bị cảm lạnh. Hãy cứ để bé tự quyết định mình nên hoạt động như thế nào. Mặc dù con có thể không đói, cần đảm bảo chắc rằng bé uống nhiều nước. Bé sẽ muốn ăn và ăn ngon hơn khi thấy khỏe hơn.
Có rất nhiều phương pháp điều trị không cần thiết. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ nếu thực sự cần dùng thuốc theo đơn – tất cả các trường hợp cảm lạnh đều tiến triển nhanh mà không cần thuốc kháng sinh.
Phòng tránh cảm lạnh như thế nào?
Trên thực tế, việc phòng ngừa trẻ bị viêm đường hô hấp trên là điều gần như không thể. Hiện nay, vitamin vẫn chưa được khẳng định chắc chắn có tác dụng giúp trẻ phòng tránh cảm lạnh.
Tiêm văc-xin cúm là không cần thiết đối với phần lớn trẻ em, và chỉ tiêm cho trẻ:
- mắc bệnh về ngực nguy hiểm, như xơ nang, hay hen suyễn nặng cần dùng steroids
- có hệ miễn dịch kém
- có bệnh mãn tính
Theo Raisingchildren.net.au
Medshop.vn dịch
Các bài liên quan
Đánh giá