25 December, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Hiện tượng Raynaud là gì?
Năm 1862, Maurice Raymaud nhận thấy có một số bệnh nhân có hiện tượng thiếu máu các đầu chi (ngón chân, ngón tay) khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp hoặc sau khi bị các stress về xúc cảm và ông cho đây là hiện tượng co các tiểu động mạch và các shunt động - tĩnh mạch đầu chi do các phản xạ thần kinh. Hiện tượng này sau này được ghi nhận và mang tên “hiện tượng Raynaud - Raynaud’s phenomenol”.
Các triệu chứng của hiện tượng Raynaud
Sau khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp, pha cấp “thiếu máu” đầu chi xảy ra do co mạch. Các đầu ngón tái lạnh từng mảng, tím, lan nhanh ở cả hai bàn tay hoặc bàn chân. Người bệnh cảm thấy đau đớn, ngứa và tê ở vùng da mất màu. Sau đó, nếu được sưởi ấm, quá trình tái tưới máu trở lại bình thường và đầu chi hồng ấm lên rất nhanh. Khoảng 80% hiện tượng Raynaud là do cơ thể phản ứng quá mức với nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác với các bệnh lý như xơ vữa mạch, bệnh lý mạch máu ở bệnh nhân tiểu đường cũng gây nên các triệu chứng như trên và có thể tiến triển viêm loét, hoại tử đầu chi nếu không được xử trí kịp thời.
Khi mắc chứng bệnh Raynaud, người bệnh cảm thấy đau đớn, ngứa và tê ở vùng da mất màu, tái lạnh từng mảng, tím, lan nhanh ở cả hai bàn tay và chân.
Tiêu chuẩn xác định hiện tượng Raynaud
Trước hết, cần phải phân biệt hiện tượng Raynaud tiên phát (chứng thiếu máu do co mạch đầu chi khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp, sau khi bị stress tâm lý) và thứ phát (chứng thiếu máu đầu chi do bệnh lý mạch máu). Ở hiện tượng Raynaud tiên phát, các triệu chứng xảy ra đối xứng hai bên chi, không có hoại tử hoặc loét, đầu móng tay bình thường và không có các bệnh (gây nên hiện tượng Raynaud) kèm theo, tốc độ máu lắng bình thường, kháng thể kháng nhân âm tính (phân biệt với hiện tượng Raynaud thứ phát hay gặp trong hội chứng CREST có kháng thể kháng nhân dương tính).
Hiện tượng Raynaud tiên phát thường bắt đầu từ năm 14 tuổi và chỉ có 27% số người, bệnh xuất hiện sau tuổi 40. Biểu hiện của hiện tượng Raynaud tiên phát thường nhẹ và chỉ có 38% có các triệu chứng nặng đến rất nặng. Một phần tư số bệnh nhân tiền sử gia đình có hiện tượng Raynaud ở những người chung huyết thống cùng thế hệ.
Hiện tượng Raynaud thứ phát thường xuất hiện các triệu chứng như: xuất hiện ở lứa tuổi trên 30, cảm giác căng, đau đầu chi, tím nhiều, không đối xứng (chỉ thiếu máu ở khu vực mạch máu bị co thắt), có hoại tử, loét khu vực thiếu máu, khó hồi phục và đặc biệt là có triệu chứng của bệnh mô liên kết kèm theo như tốc độ máu lắng tăng, kháng thể kháng nhân dương tính.
Nhìn chung, hiện tượng Raynaud chỉ liên quan đến tình trạng co mạch máu, hay xuất hiện với các nguyên nhân tiên phát (do lạnh, xúc cảm) và thứ phát (gặp trong các bệnh như cơn đau tim prinzimental, xơ cứng bì, bệnh migraines). Các nguyên nhân khác gây thiếu máu đầu chi như bệnh lý mạch máu do xơ vữa, tiểu đường… thường không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là hiện tượng Raynaud.
Những phương pháp nào được dùng để điều trị hiện tượng Raynaud?
Trước khi dùng thuốc, người có tiền sử bị hiện tượng Raynaud nên tránh các tác nhân có thể gây co mạch đầu chi như thời tiết lạnh (mặc ấm, găng tay, tất dày) và tránh các xúc cảm tâm lý quá mức. Không nên hút thuốc lá vì đây là một yếu tố nguy cơ cao gây xơ vữa mạch máu. Người bị hiện tượng Raynaud cũng cẩn thận khi sử dụng các thuốc có ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật như clonidine, ergotamine, các thuốc kích thích thụ thể serotonin….
Việc sử dụng thuốc để điều trị hiện tượng Raynaud cũng cho kết quả tốt. Ngoài ra, có một số phương pháp mới như cắt hạch giao cảm cổ, tiêm tĩnh mạch prostaglandin cũng đang được nghiên cứu để điều trị hiện tượng Raynaud.
Lời khuyên của thầy thuốc
Cách tốt nhất để điều trị hiện tượng này là kết hợp điều trị và phòng ngừa. Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tay, chân, tai và mũi. Đeo găng tay khi ra ngoài trời lạnh. Đeo găng tay khi cầm đồ từ tủ lạnh hoặc ngăn đông. Giữ chân ấm bằng cách đi tất len hoặc tất nhân tạo, sẽ tốt hơn tất cotton nguyên chất. Cố gắng ngâm tay chân bằng nước ấm mỗi ngày, giúp tăng lưu lượng máu tới chi. Nếu áp lực tinh thần là nguyên nhân gây bệnh, cần thư giãn và cố gắng để tinh thần thoải mái. Những người làm việc ngoài trời hay có công việc thường xuyên tiếp xúc trong môi trường lạnh buốt nên cố gắng thay đổi hay tìm công việc khác.
TS.BS. Vũ Đức Định
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
6 dấu hiệu cảnh báo gan đang đầy chất độc
Nguy cơ rối loạn phân ly ở trẻ nếu quá nuông chiều hay quá khắt khe
Thực phẩm giúp làm sạch đại tràng
Dậy thì sớm, có cần điều trị?
Điều trị lạc nội mạc tử cung ở trẻ vị thành niên
Luôn cảm thấy lạnh, cảnh báo điều gì?
Đánh giá