27 October, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Những lưu ý cần thiết dưới đây sẽ giúp phụ nữ mang thai uống thuốc sắt hợp lý, đạt hiệu quả cao.
Vai trò của sắt đối với phụ nữ mang thai
Sắt là một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể con người, đặc biệt là phụ nữ có thai vì khi có thai, dự trữ sắt có sẵn trong cơ thể không đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu ngày càng nhiều để nuôi thai. Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, việc thiếu sắt dễ gây sẩy thai hoặc thai bị chết lưu. Đến những giai đoạn sau, thiếu sắt có thể dẫn đến hiện tượng đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai. Đối với người mẹ, nếu thiếu sắt khi mang thai, bà bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và có khi còn ngất xỉu. Nếu thiếu sắt trong giai đoạn sinh nở có thể sẽ bị băng huyết sau khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bà bầu nên uống thuốc sắt với nước đun sôi để nguội.
Lưu ý nào cần chú ý khi dùng thuốc sắt?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, muốn duy trì một thai kỳ khỏe mạnh, người mẹ mang thai nên bổ sung ít nhất 27mg chất sắt mỗi ngày (không vượt quá 45mg) và dùng trong suốt thời kỳ mang bầu, liều lượng phù hợp với từng trường hợp phải do bác sĩ khám và chỉ định. Thông thường nhất là bổ sung bằng thực phẩm. Bên cạnh đó là việc dùng thuốc sắt. Trên thị trường hiện nay, sắt II sulfat thường được phối hợp với acid folic, vitamin C, vitamin nhóm B… do sự phối hợp này làm tăng tác dụng của thuốc. Khi dùng thuốc cần chú ý:
Những điều nên làm
Thời gian uống thuốc trong ngày: Thuốc được hấp thu tốt hơn nếu uống lúc đói, nên thường uống thuốc trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Uống liên tục trong suốt thời kỳ có thai cho đến 1 tháng sau khi sinh.
Cách thức dùng thuốc: Uống thuốc với ít nhất nửa cốc nước. Không uống thuốc khi nằm. Không nhai viên thuốc khi uống.
Giữ khoảng cách với thuốc chứa canxi: Nếu phải bổ sung đồng thời sắt và canxi, bạn nên uống hai loại thuốc này cách xa nhau. Ví dụ, nếu sau bữa sáng, bạn uống canxi thì nên uống sắt vào bổi chiều (sau ăn trưa 2 giờ). Đồng thời nên hạn chế uống sắt hoặc canxi vào trước giờ đi ngủ vì chúng có thể gây nóng người khiến giấc ngủ không sâu.
Những điều không nên làm
Uống thuốc với nước trà (chè): Phụ nữ mang thai không nên uống sắt với nước chè vì chè cản trở sự hấp thu sắt mà nên uống với nước lã đun sôi để nguội.
Uống chung với một số thuốc khác: Đặc biệt là các thuốc kháng axit trị viêm loét dạ dày - tá tràng vì làm cho sắt không được hấp thu và không uống chung với tetracyclin vì làm cho cả hai thuốc đều bị giảm hấp thu.
Phụ nữ mang thai bổ sung quá nhiều sắt có thể gây rối loạn chức năng tim mạch.
Đối phó với các vấn đề xảy ra khi dùng thuốc sắt
Các viên sắt cổ điển thường gây ra các vấn đề như khó chịu ở dạ dày, nóng ngực, có vị tanh kim loại ở miệng, đặc biệt là gây táo bón. Nguyên nhân là do cơ thể hấp thu kém hầu hết các dạng sắt, do đó khi sử dụng, một lượng lớn sắt bị đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa. Chính lượng sắt thừa này sẽ gây nên các tác dụng không mong muốn như trên. Do vậy, để hạn chế các tác dụng phụ này, phụ nữ mang thai nên thực hiện một số biện pháp sau:
Để giảm táo bón: Nên uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ hoặc có thể uống các loại thuốc trị táo bón theo đơn của bác sĩ.
Giải quyết tình trạng ợ nóng, khó chịu ở bụng, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy: Để đối phó với tình trạng này, phụ nữ mang thai thử bổ sung sắt vào các thời điểm khác nhau trong ngày để tìm ra thời điểm thích hợp nhất.
Giải pháp khác: Bạn có thể giảm liều lượng để cơ thể làm quen rồi từ từ tăng dần hoặc thử chia nhỏ lượng sắt cần uống thành nhiều liều để giảm thiểu sự khó chịu. Nếu các phương pháp này đều không hiệu quả, phụ nữ mang thai có thể tìm cách bổ sung một phần hoặc toàn bộ lượng sắt cần thiết qua thực phẩm. Một giải pháp khác là dùng các loại thuốc có hoạt tính chậm hơn.
Điều gì xảy ra khi bổ sung sắt quá mức?
Khi bổ sung sắt quá mức có thể dẫn tới tăng nồng độ sắt tự do và tăng nồng độ huyết sắc tố trong máu người mẹ làm cản trở quá trình cung cấp máu từ mẹ sang con, dẫn đến tình trạng bị sinh non, thiếu cân và tăng nguy cơ tử vong cho sản phụ. Về lâu dài, lượng sắt dư thừa được tích lũy trong gan và lá lách, nếu tích lũy kéo dài có thể dẫn tới suy gan, suy lách, đái tháo đường do rối loạn chức năng tụy, có thể làm rối loạn chức năng tim mạch và hàng loạt các biến chứng khác.
Dấu hiệu của bà bầu khi bị thừa sắt, nếu nhẹ có thể nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, nếu nặng có thể đi tiểu ra máu, đau bụng… Nếu thấy như vậy, bà bầu trước hết cần ngưng uống thuốc bổ sung sắt và nhanh chóng đi khám chuyên khoa sản phụ để được xử trí kịp thời.
TS. BS. Đặng Bùi Bảo Linh
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Vai trò của axit folic với phụ nữ mang thai
Huyết trắng sinh lý và bệnh lý
Những điều nên biết trước khi dùng thuốc
6 Thói quen của người khỏe mạnh
Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Đánh giá