24 September, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Trầm cảm thai kỳ nguy hiểm như thế nào?
Làm mẹ có lẽ là trải nghiệm thiêng liêng nhất của mỗi người phụ nữ, nhưng để có niềm hạnh phúc đó không phải dễ dàng, nhất là với những chị em trải qua tình trạng trầm cảm khi mang thai.
Theo thống kê, có khoảng ít nhất 10-20% thai phụ phải đối mặt với các triệu chứng trầm cảm. Căn bệnh này gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người mẹ và thai nhi, đồng thời làm tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.
Tâm trạng thay đổi do căng thẳng, mệt mỏi, sự thay đổi các hormon thai nghén, không nhận được chia sẻ của chồng và người thân là những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị trầm cảm. Ngoài ra, tài chính khó khăn, mang thai ngoài ý muốn, biến cố gia, khó thụ thai hay đã từng sảy thai... đều có thể là lý do gây ra tình trạng này.
Phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai, nếu không được chăm sóc đúng mức có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực (ảnh minh hoạ)
Trầm cảm không chỉ là cảm giác “ủ rũ” hay “buồn chán” trong một vài ngày. Đó là một bệnh nghiêm trọng có liên quan đến não. Khi bị trầm cảm, các cảm giác buồn, lo lắng, hoặc “trống rỗng” không hết hẳn và có ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như thói quen hàng ngày.
Đôi khi, dấu hiệu của bệnh dễ nhầm lẫn với một số rối loạn khác khi có thai như khả năng tập trung kém, thay đổi tâm trạng đột ngột, lo lắng liên tục về sức khỏe và sự an nguy của con, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi triền miên, mất hứng thú với tình dục hoặc sự gần gũi, không cảm thấy hào hứng, thích thú hay vui vẻ với bất cứ thứ gì… Những cảm xúc này có thể từ nhẹ đến nặng.
Trầm cảm nếu không được phát hiện, khám chữa kịp để lại nhiều hệ lụy cho cả mẹ và bé, dẫn đến nguy cơ sẩy thai, đẻ non, đẻ con nhẹ cân, thai kém phát triển. Sau sinh, trẻ có thể chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn hành vi, cảm xúc, tự kỷ. Thậm chí, mẹ bị trầm cảm còn không nhận thức được hành vi của mình là tiêu cực, uống rượu, hút lá, nghiện ma túy, bỏ phá thai, nặng nề nhất là chấm dứt mạng sống.
Điều trị trầm cảm trong thai kỳ cần có sự kết hợp của thầy thuốc chuyên ngành sản khoa, nội khoa, tâm thần, các bác sĩ gia đình. Khi bệnh nhẹ, mẹ chỉ cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ và liệu pháp tâm lý, điều chỉnh hành vi, lối sống, luyện tập, thư giãn... Đối với bệnh thể nặng phải kết hợp biện pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm.
Bí quyết để trầm cảm tránh xa mẹ bầu
Mẹ cần biết rằng, tất cả trẻ em xứng đáng có một người mẹ khỏe mạnh. Và tất cả các bà mẹ xứng đáng tận hưởng cuộc sống và làm điều yêu thích với con yêu. Do đó, mẹ cần chuẩn bị tâm lý thật tốt trong giai đoạn này.
Hãy yêu thương, ưu tiên bản thân hơn. Thay vì làm việc nhà, hãy đọc sách, thư giãn bằng cách đi dạo, nghe bản nhạc, xem bộ phim mình yêu thích. Chăm sóc tinh thần nhiều hơn, mở lòng tâm sự những điều làm mẹ bầu sợ hãi và lo lắng với chồng, hoặc người thân thiết với mình nhất.
Những cảm xúc tiêu cực dù nói ra hay không đều có ảnh hưởng với đứa trẻ trong bụng. Vậy nên điều quan trọng là tìm được người thân hay cô bạn đồng cảm, giúp mình thoát ra khỏi những suy nghĩ không vui.
Nghỉ ngơi và ngủ đủ cũng giúp tâm trạng tốt lên, tươi mới hơn. Duy trì lối sống khoa học và chia nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con, đồng thời cũng giúp thai phụ cảm thấy mình khỏe khoắn, đầy sức sống.
Đặc biệt, người chồng cũng cần có sự tinh tế, biết trước những khó khăn khi thay đổi thể trạng - tâm lý của vợ khi mang thai để tránh những “cú sốc” không mong muốn. Người chồng hãy cải thiện điều này bằng cách trước tiên là giao tiếp bằng lời nói, trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn. Chủ động làm công việc nhà, cùng vợ đi dạo…
Tương tự, khi mang thai mẹ cũng hãy nói những điều muốn làm, không muốn làm cho chồng biết. Ngoài ra, các mẹ cũng đừng quên nói lời “cảm ơn” với chồng - những người không quen với việc nhà, chăm sóc trẻ em - bởi chắc hẳn họ đã cố gắng hết sức để thử thách những công việc này.
Cá là một trong những thực phẩm chứa nhiều DHA - Omega-3 (ảnh minh hoạ)
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất. Mỗi loại sẽ có công dụng, lợi ích khác nhau cho cả 2 mẹ con. Quan trọng nhất là cung cấp đủ DHA - một acid béo không no omega-3 giúp giảm nguy cơ trầm cảm khi mang thai và sau khi sinh. Hơn nữa, DHA còn là dưỡng chất vàng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và chức năng của não, thần kinh và mắt của em bé, ngăn ngừa sinh non, nguy cơ mắc chứng tiền sản giật trong thai kỳ.
DHA cần được bổ sung trong suốt thai kỳ, tuy nhiên ở từng giai đoạn có sự khác nhau một chút. Nhu cầu DHA tối thiểu các mẹ bầu nên bổ sung hàng ngày là 200 mg. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, trong thời gian mang thai, tùy từng giai đoạn của thai kỳ, phụ nữ cần bổ sung từ 100 - 200 mg DHA mỗi ngày.
DHA có nhiều trong sữa, các loại cá béo như cá basa, cá ngừ, cá hồi, cá mòi, lòng đỏ trứng, tôm… Tuy nhiên do DHA nằm trong nhóm các acid béo omega-3 cùng với EPA và ALA, nên cơ thể các mẹ bầu không tự tổng hợp được, mà phải bổ sung thông qua các loại thực phẩm hoặc viên uống bổ sung DHA trong các loại vitamin tổng hợp hoặc dành riêng cho phụ nữ mang thai.
Các chuyên gia khuyên dùng DHA trong lúc ăn hơn là khi bụng đang đói. Hơn nữa, khi dùng chung với bữa ăn, a-xít béo omega-3 được hấp thụ tốt hơn, vì chất béo kích thích các enzyme lipase hoạt động, từ đó omega-3 bị phân hủy, hấp thụ vào ruột non.
Điểm mấu chốt của việc uống DHA không nằm ở thời điểm mà ở cách mẹ chọn bữa và thực hiện đều đặn, đúng nguyên tắc. Chỉ cần chọn ra một thời điểm nhất quán để áp dụng cho cả 7 ngày trong tuần, đảm bảo bữa ăn trong thời điểm đã chọn phải cung cấp đủ chất béo cần thiết để có thể hấp thu nhiều DHA nhất. Ví dụ khi đã chọn buổi tối là lúc uống DHA thì các ngày hôm sau cũng y hệt như vậy, tạo ra thói quen cho bản thân và tránh quên.
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Đường – khắc tinh của đời sống tình dục
Cha mẹ cần biết: Khi trẻ nói dối và cách ứng xử
Đánh giá