Bây giờ, hãy tưởng tượng tử cung bạn là cái bong bóng. Chỗ bạn thổi hơi vào và cột dây thun lại là lỗ cổ tử cung (CTC), là nơi em bé sẽ chui ra khi bạn sinh. Vị trí bánh nhau bình thường là ở phần trên của bong bóng, cách xa lỗ CTC. Còn bánh nhau bất thường là những trường hợp sau:
Nhau tiền đạo
Là khi bánh nhau che lỗ CTC. Nếu bạn từng mổ lấy thai hay mổ trên thân tử cung, có nhiều hơn 1 em bé trong bụng, thêm hút thuốc nữa... thì bạn thuộc nhóm nguy cơ cao của nhau tiền đạo.
Dấu hiệu chính của nhau tiền đạo là ra huyết ở nửa sau thai kỳ. Có thể cứ ra huyết lặp đi lặp lại nhiều lần, rồi có khi đến bệnh viện bác sĩ chưa kịp làm gì thì tự cầm máu. Dù vậy, khi thấy ra máu, thai phụ nên lập tức đi khám ngay, bất kể đêm hôm khuya sáng, đến bệnh viện gần nhất. Bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần cho những rắc rối như: ra huyết nhiều lần, mổ lấy thai sớm khi bé còn non, lo sợ nhiều (vì bác sĩ sẽ giải thích những nguy hiểm khi bị nhau tiền đạo).
Có thuốc nào tiêm hay uống cho hết nhau tiền đạo không? Có, nước lọc uống hàng ngày,. Bà bầu nên uống đủ nước cho khoẻ, tinh thần thoải mái, vì có căng thẳng thì bánh nhau vẫn cứ phát triển theo ý mình, chẳng do bạn lo hay không.
Nhau bong non
Bình thường khi bạn sinh, em bé ra ngoài xong là đến lượt bánh nhau bong ra theo sau. Nhưng có khi chưa sinh em bé, mà bánh nhau đã bong rồi, đó gọi là nhau bong non.
Bánh nhau ở vị bất thường, bánh nhau bong non có thể khiến thai kỳ chấm dứt sớm hơn dự kiến.
Nhau bong non là tình trạng đáng ngại, vì như vậy, không còn cách gì khác hơn là chấm dứt thai kỳ, dù em bé có bao nhiêu tuần đi chăng nữa. Nguy cơ nhau bong non bao gồm: mẹ bị tăng huyết áp, lớn tuổi, từng bị nhau bong non trước đây...
Dấu hiệu chủ yếu của nhau bong non là ra huyết và đau bụng. Nhiều khi thấy ra huyết không nhiều nhưng rất nguy hiểm, vì máu chảy bên trong tử cung. Điều trị nhau bong non rất phức tạp. Nếu thai phụ thấy đau, ra huyết, đặc biệt sau chấn thương, tai nạn, bị bạo hành, thì cần đi khám ngay.
Nhau cài răng lược
Hiểu đơn giản nhất là bánh nhau bám chặt cơ tử cung, nhiều khi lấn qua ruột, lấn qua bàng quang luôn. Thế là, khi sinh em bé xong, bánh nhau không bong ra được. Bệnh lý này rất nguy hiểm. Nếu bạn từng mổ lấy thai, từng mổ bóc u xơ tử cung… thì có nguy cơ nhiều hơn những người khác.
Nhau cài răng lược nhiều khi không có dấu hiệu gì đặc biệt, hoặc có khi ra huyết. Nhiều lúc siêu âm không rõ ràng, bà bầu sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI). Khi bị nhau cài răng lược, thai phụ cần chuẩn bị cho những điều không mong muốn, chuẩn bị tinh thần mổ lấy thai khẩn cấp bất kỳ lúc nào.
Mang thai là giai đoạn quan trọng của phụ nữ. Để thai sản an toàn, bà bầu nên đi khám thai định kỳ, thường xuyên. Khi thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, thai phụ nên đi gặp bác sĩ ngay.
BS. Lê Tiểu My
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh
Những lợi ích không thể bỏ qua của Omega 3 đối với sức khỏe
Hãy để trẻ ăn, đừng bắt trẻ ăn
Tập gym mùa nắng nóng: Coi chừng nhập viện
Đánh giá