19 June, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Sức khỏe&Đời sống có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS. Lưu Thị Hồng, Tổng Thư ký Hội Sản phụ khoa Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Chăm sóc bà mẹ& Trẻ em - Bộ Y tế xung quanh vấn đề phụ nữ mang thai và bệnh cúm mùa nói chung và cúm A/H1N1 nói riêng.
PGS.TS.BS. Lưu Thị Hồng
PV: Thưa bác sĩ, bệnh cúm dễ lây lan và là mối lo ngại lớn của phụ nữ khi mang thai. Vì sao thai phụ lại dễ mắc cúm và khi mắc cúm có những nguy cơ gì?
PGS.TS.BS. Lưu Thị Hồng: Trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của bà mẹ suy giảm. Do đó, các bệnh truyền nhiễm do virut, vi khuẩn là nguy cơ hàng đầu đối với phụ nữ mang thai. Đặc biệt trong ba tháng đầu của thai kỳ nếu bà mẹ bị mắc bệnh do virut, vi khuẩn thì sẽ có thể ảnh hưởng đến thai nhi và gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi, tuy vậy, không phải tất cả các loại virut đều gây dị tật. Ngoài ra, một số trường hợp bà mẹ mang thai bị cúm có thể làm tăng khả năng sẩy thai, thai chết lưu, hoặc sinh non trong những tháng cuối của thai kỳ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ trong 3 tháng đầu. Nguyên nhân của hiện tượng này là, các kháng thể cúm của mẹ lọt qua nhau thai và tác động xấu đến hệ miễn dịch còn non nớt của bào thai, người ta đã thấy rõ virut gây bệnh Rubella có khả năng gây dị tật cho thai với tỷ lệ cao ở giai đoạn đầu mang thai (có thể tới 70-80% với những tổn thương ở mắt và hệ thần kinh...) Vì thế, các bác sĩ sản khoa thường khuyên người có thai trong thời kỳ đầu không may bị nhiễm bệnh này nên phá thai.
PV: Làm sao biết là mắc cúm chứ không phải cảm lạnh hay viêm mũi dị ứng theo mùa thưa BS?
PGS.TS.BS. Lưu Thị Hồng: Biểu hiện của bệnh cúm bao gồm sốt, ho, đau cổ, sổ mũi, nhức đầu, đau cơ, rất yếu và mệt mỏi. Các triệu chứng này thường sẽ xảy ra từ 1 - 4 ngày sau khi bị nhiễm, và rất dễ lây nhiễm. Nói chung bệnh cúm diễn biến nặng hơn so với cảm lạnh thông thường, và các triệu chứng cũng mạnh hơn. Người bị cảm lạnh cũng bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi nhưng không phát triển các vấn đề làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Với cúm A/ H1N1, người bệnh có các triệu chứng cấp tính ở đường hô hấp tương tự với cúm mùa (ho, đau họng, sổ mũi và sốt). Các triệu chứng khác bao gồm đau cơ và khớp, nhức đầu, mệt mỏi, nôn ói và tiêu chảy. Bệnh có thể tiến triển nhanh chóng ở một số thai phụ, và có thể gây nhiễm trùng thứ phát kể cả viêm phổi. Suy thai và tử vong mẹ có thể xảy ra ở những trường hợp bệnh nặng.
Phụ nữ mang thai nghi nhiễm virut cúm A/H1N1 cần được bác sĩ khám và đưa các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán. Tuy nhiên, không nên trì hoãn việc điều trị cho đến khi có kết quả xét nghiệm và không nên từ chối điều trị nếu không có thử test. Bởi vì, thuốc kháng virut có hiệu lực cao nhất khi bắt đầu dùng sớm sau khi khởi phát các triệu chứng (trong vòng hai ngày đầu tiên). Việc thử test không phải lúc nào cũng sẵn sàng trong một số tình huống và thường đợi vài ngày mới có kết quả xét nghiệm.
PV: Cúm mùa trong đó có cúm A/H1N1 có thể phòng ngừa ra sao? Có nên tiêm vắc-xin phòng cúm và thời điểm nào tiêm là đúng, thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS. Lưu Thị Hồng: Vắc-xin phòng cúm có hai loại dạng tiêm và dạng xịt mũi. Loại tiêm (chứa virut chết) là loại phổ biến cho người lớn và trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Loại xịt mũi (chứa virut sống giảm độc lực) chỉ dành cho người khỏe từ 2 tuổi trở lên đến 49 tuổi. Phụ nữ có thai và người có sức đề kháng kém (suy giảm miễn dịch) hay có bệnh mạn tính không nên dùng loại chứa virut còn sống. Tuy nhiên cần lưu ý, tiêm vắc-xin cúm hàng năm chỉ có hiệu quả chống lại bệnh cúm theo mùa và không bảo vệ được khi có đại dịch cúm. Không tiêm vắc-xin cúm trong thời kỳ mang thai. Việc tiêm vắc-xin cúm phải thực hiện trước khi có thai vài tháng. Ví dụ chuẩn bị vài tháng nữa có thai thì đi tiêm vắc-xin.
Đối với những phụ nữ chưa tiêm phòng cúm nhưng đã có thai, để đề phòng căn bệnh này cần tránh xa các nguồn lây như hạn chế đi đến những nơi công cộng đông người, khi đang mùa dịch, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc đồ vật hay người bệnh nếu phải đến chỗ đông người nên đeo khẩu trang... là các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh. Nâng cao sức đề kháng như ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin C, dầu cá, các vitamin nhóm B,... Khi đi đến vùng dịch cúm gia cầm hoặc cúm A, cần được cách ly và theo dõi sát sao các triệu chứng bệnh. Điều này là cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng và cũng là cách hiệu quả nhất bảo vệ người thân cũng như gia đình.
PV: Nếu không may nhiễm cúm, thai phụ cần làm gì?
PGS.TS.BS. Lưu Thị Hồng: Đối với thai nhi, nếu đã qua 3 tháng đầu thai kỳ mà mẹ nhiễm cúm thì không phải lo ngại quá. Thai phụ cần được đưa đi khám bác sĩ để nhận được tư vấn và điều trị thích hợp. Thai phụ có thể nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống bồi dưỡng đầy đủ, uống thêm vitamin C, ăn nhiều hoa quả và khám thai theo định kỳ. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu nghi ngờ thai phụ bị nhiễm virut cúm, khám thai định kỳ, theo dõi phát triển của thai nhi và làm các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh. Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu nguy cơ thì sẽ chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết nữa, để xác định nguy cơ đối với thai mà cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ hay không.
Tuy nhiên, khi phụ nữ mang thai mắc bệnh cúm, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc và chữa theo kiểu kinh nghiệm dân gian.
PV:Xin cảm ơn PGS. TS. Lưu Thị Hồng!
Minh Thúy (thực hiện)
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Vì sao phải cắt tầng sinh môn khi sinh?
Mang thai khi thời tiết cực đoan, tăng nguy cơ sinh non
Axit folic - “siêu” vitamin cho thai phụ
Đánh giá