Tai nạn, còn gọi là chấn thương không chủ ý, là một sự kiện không mong muốn, ngẫu nhiên, dẫn đến bị thương hoặc chết người.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai phải đối mặt với những rủi ro thương tích lớn cho bản thân và đứa con chưa sinh của họ, gặp tai nạn khi đang mang thai.
Những con số đáng lo ngại
Hãng Reuters đưa thông từ một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tai nạn ở phụ nữ từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 27 của thai kỳ tăng gần gấp đôi so với phụ nữ trước khi mang thai. Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng phải nhập viện cấp cứu tăng hơn 42% so với trước khi mang thai.
Một nghiên cứu khác được công bố trong kỷ yếu hàng năm của Hiệp hội vì sự tiến bộ của y học ước tính 1500 đến 5.000 trường hợp thai nhi tử vong xảy ra hàng năm ở Mỹ do người mẹ bị tai nạn ô tô. Đây là số liệu ghi nhận về mặt pháp lý ở thai phụ mang thai từ ≥ 20 tuần.
Biết rằng từ 10 đến 20% của tất cả các trường hợp mang thai bị sẩy thai sớm, vì vậy rất khó để xác định liệu sẩy thai sớm có phải là do tai nạn tự động hay không. Trên thực tế vẫn có hàng trăm - có thể hàng ngàn trường hợp thai nhi tử vong mỗi năm ở Mỹ do tai nạn ô tô.
Nguy cơ cho mẹ
Sẩy thai: Thai nhi được bảo vệ bởi tử cung, nước ối, nhau thai và các cấu trúc khác của khoang bụng mẹ. Những cấu trúc này được thiết kế để bảo vệ đứa trẻ khỏi chấn thương nhẹ. Trong trường hợp tai nạn nhẹ, thai nhi thường được người mẹ bảo vệ hoàn toàn và không bị thương do va chạm. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng, người mẹ phải chịu những lực tác động rất mạnh và sẩy thai.
Sinh non: Xảy ra khi em bé chào đời trước 37 tuần thai kỳ. Các nghiên cứu đã tìm thấy tỉ lệ sinh non cao trong số các nạn nhân tai nạn ô tô và các tai nạn khác
Nhau bong non: Đây là một biến chứng không phổ biến nhưng rất nguy hiểm. Chấn thương khi mang thai làm tăng khả năng bị nhau bong non. Nhau thai là cơ quan giúp trao đổi oxy, chất dinh dưỡng và chất thải giữa mẹ và thai nhi. Khi nhau bong non sẽ gây gián đoạn việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi và hậu quả là thai bị tử vong. Một nghiên cứu được báo cáo trên Tạp chí Dịch tễ học (Mỹ) cho thấy tỷ lệ tử vong ở tất cả các ca sinh là 8.2 trên 1.000, nhưng trong các trường hợp nhau bong non, tỷ lệ tử vong là 119 trên 1.000.
Vỡ tử cung: Tử cung to ra khi mang thai nên dễ bị chấn thương do tai nạn hơn. Trong trường hợp vỡ tử cung, nguy cơ tử vong cho mẹ và thai rất cao (tỷ lệ tử vong ở thai nhi gần 100%, của mẹ là 10%). Mẹ cần được mổ cấp cứu càng sớm càng tốt.
Xếp loại thai kỳ có nguy cơ cao: Khi mẹ mang thai bị tai nạn, thai kỳ này được dán nhãn thai kỳ nguy cơ cao. Thai phụ cần được theo dõi sát sao. Tăng chăm sóc y tế và tăng chi phí.
Nguy cơ cho con
Chấn thương thai nhi: Các nghiên cứu đã lưu ý rằng chấn thương trực tiếp của thai nhi tuy không thường xuyên, nhưng khá nghiêm trọng sau tai nạn. Chấn thương đầu là phổ biến nhất khi chấn thương xảy ra vì đầu là phần lớn nhất của trẻ chưa sinh. Nhiều trường hợp chấn thương đầu trực tiếp của thai nhi có tiên lượng xấu. Chấn thương ở đầu của thai nhi trong một vụ tai nạn tương tự hội chứng rung lắc trẻ em. Bộ não thai nhi có thể bị hất về phía trước và đập vào phía trước hộp sọ, sau đó bị hất ra sau và đập vào mặt sau của hộp sọ. Điều này gây ra tổn thương não nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong.
Khuyết tật bẩm sinh: Cả chấn thương trực tiếp của thai nhi và sinh non đều có thể dẫn đến khuyết tật bẩm sinh. Một nghiên cứu trên Tạp chí Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho thấy, khuyết tật bẩm sinh ở trẻ sinh non (31 đến 36 tuần) gấp 2 lần so với sinh đủ tháng (37 đến 41 tuần). Con số này tăng vọt lên năm lần khi sinh non (24 đến 31 tuần tuổi thai) được so sánh với sinh đủ tháng. Các khuyết tật bẩm sinh của trẻ dẫn đến tăng chi phí do chăm sóc y tế và các dịch vụ phục hồi chức năng cho trẻ. Những bé bị khuyết tật bẩm sinh thường kém phát triển về thể chất và tinh thần. Điều này có nghĩa là nhiều trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh phải hoàn thành nhiều năm vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp, trị liệu ngôn ngữ và các loại phục hồi chức năng khác. Khuyết tật bẩm sinh của trẻ gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của bố mẹ và hạnh phúc gia đình.
Trẻ bị non tháng: Chào đời ở tuổi thai quá non ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sống còn của bé. Những bệnh lý do non tháng như: bệnh lý võng mạc, thính giác, bệnh đường tiêu hóa, bệnh đường hô hấp, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nhiễm trùng sơ sinh… gây tăng thời gian nằm viện, chậm phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ về sau, tăng chi phí xã hội và tăng gánh nặng cho ngành y tế.
Phòng tránh tai nạn
Vậy tai nạn có thể phòng tránh được không? Tai nạn có thể được ngăn chặn nếu tránh được hoàn cảnh dẫn đến tai nạn, hoặc hành động ngay trước khi nó xảy ra.
Phòng tránh tai nạn giao thông: Chấp hành đúng luật lệ giao thông cho dù đi bạn đi xe đạp, xe máy hay xe hơi. Sử dụng các thiết bị an toàn khi tham gia giao thông: nón bảo hiểm, thắt dây an toàn...
Phòng tránh tai nạn trong sinh hoạt, lao động: Mang dép đế xẹp, có nhiều rãnh mặt bên đưới để tránh té ngã; không chạy nhảy, trèo cao; sử dụng bếp ga có khóa ga tự động, khóa bếp ga khi ngừng đun nấu; biết cách phòng tránh và xử lý khi bị ngã, chảy máu. Học cách xử lý khi bị thương nhẹ, cách sơ cứu khi bị chảy máu, biết cách tìm sự trợ giúp khi xảy ra các tình huống tai nạn; đến khám tại cơ sở y tế ngay khi có tai nạn xảy ra.
TS.BS. LÊ THỊ THU HÀ
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Người bệnh tăng huyết áp và những lưu ý khi yêu
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho thai phụ
Nam giới nhịn sex được bao lâu?
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người hiếm muộn
Kinh nguyệt không đều – Tình trạng phổ biến và nguy hiểm ở nữ giới
Đánh giá