Dấu hiệu của bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một rối loạn cảm xúc nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Để có biện pháp khắc phục trầm cảm khi mang thai hiệu quả, thai phụ và gia đình cần nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh và đặc biệt lưu ý nếu thấy xuất hiện những triệu chứng như: Lo lắng quá mức, liên tục về sức khỏe và an nguy của thai nhi. Khả năng tập trung kém, dễ thay đổi tâm trạng đột ngột, dễ cáu gắt. Không quyết đoán: trước một vấn đề thai phụ khó đưa ra được quyết định hay sự lựa chọn của mình. Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ là vấn đề bình thường của phụ nữ khi mang thai, nhưng khi có những dấu hiệu như mộng du, ác mộng thì cần xem xét đến bệnh lý trầm cảm. Thường xuyên nghĩ đến việc từ bỏ thai, cái chết để giải thoát cho bản thân.
Nguyên nhân trầm cảm
Thời gian sinh đẻ là thời kỳ phụ nữ có nhiều thay đổi tâm lý và sinh học rất rõ ràng. Hiện nay vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến trầm cảm khi mang thai. Bệnh lý này là hậu quả của nhiều tác động khác nhau như ảnh hưởng tâm lý, thể chất và sự rối loạn hormone,...
Do thay đổi hormon: Khi có thai, lượng estrogen thường tăng lên gây ra những rối loạn, thay đổi trong cảm xúc và tâm lý, thai phụ nhạy cảm hơn với các vấn đề xảy ra.
Do biến cố thai kỳ trước gặp phải: sảy thai, thai lưu, đẻ non... gây ra những căng thẳng, sợ hãi về an toàn của thai dẫn đến những bất ổn về tâm lý; Do thai kỳ lần này nguy cơ: Đang điều trị dọa sinh non, rau tiền đạo, tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng... khiến thai phụ lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng.
Trầm cảm khi mang thai rất nguy hiểm, bà bầu rất cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của người thân.
Đối phó với trầm cảm khi mang thai
Không nên coi thường chứng trầm cảm khi mang thai vì không chỉ gây ra những tổn thương tâm lý thai phụ mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho thai nhi và trẻ sơ sinh. Với thai nhi có thể có nguy cơ sảy thai, đẻ non, kém phát triển thần kinh, thể chất... Với thai phụ, dễ dẫn đến các rủi ro như tự tử, từ bỏ thai,...
Đơn giản hóa vấn đề: thai phụ không nên cố sức tiếp tục làm được mọi việc bình thường như trước khi mang thai. Hãy luôn ưu tiên bản thân, dành thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn.
Hãy tâm sự những điều khiến thai phụ sợ hãi và lo lắng với chồng, gia đình hoặc ban bè một cách cởi mở. Những cảm xúc tiêu cực đều gây ảnh hưởng đối với đứa trẻ trong bụng. Vì vậy thai phụ nên tìm người thân hay bạn bè đồng cảm, giúp mình thoát ra khỏi những suy nghĩ không vui. Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc cũng giúp tâm trạng tốt lên, tươi mới hơn.
Thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh: duy trì lối sống khoa học và chia nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con, đồng thời cũng giúp thai phụ cảm thấy mình khỏe khoắn, đầy sức sống.
Thường xuyên vận động: tập luyện thể dục đều đặn và tập yoga vừa giúp giữ dáng vừa giúp tinh thần của thai phụ phát triển theo hướng tích cực. Ngoài ra, nếu được hướng dẫn bởi một người tập yoga chuyên nghiệp, thai phụ sẽ chuẩn bị tốt hơn cho quá trình chuyển dạ và giảm bớt căng thẳng.
ThS.BS. Trần Ngọc Đính (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Bệnh Thalassemia có thể phòng ngừa
Chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ
Những điều không nên làm khi dạ dày trống rỗng
Bí quyết giúp đánh bay cơn nhức đầu trong mùa hè nắng nóng
Đánh giá