17 June, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Các loại thảo mộc đã được sử dụng để làm thuốc và mỹ phẩm từ hàng nhiều thế kỷ nay. Chúng đã được biết đến với khả năng điều trị được các bệnh khác nhau về da, để trang điểm và để cải thiện các biểu hiện xấu của làn da.
Bức xạ tia cực tím (UV) có thể làm cho da bị cháy nắng, nếp nhăn, giảm khả năng miễn dịch với các nhiễm trùng, lão hóa sớm và ung thư da. Do đó, da cần thường xuyên được bảo vệ và ngăn ngừa các tác hại từ tia cực tím. Các loại thảo mộc và các chế phẩm thảo dược có tiềm năng cao với khả năng chống oxy hóa của chúng. Các chất chống oxy hóa như: các vitamin (C, E), flavonoids, và các axít phenolic đóng vai trò chính trong việc chống lại các gốc tự do là nguyên nhân chính cho các thay đổi tiêu cực của da.
Axít tannic và theobromine trong trà giúp loại bỏ nhiệt từ da bị cháy nắng
Trà xanh và trà đen
Trà (Camellia sinensis) thường được sử dụng như một phương thuốc tại nhà cho da khi bị cháy nắng. Người Trung Quốc khuyên nên đắp trà đen đã được làm mát lên da để làm dịu cho da cháy nắng. Một số ý kiến cho rằng axít tannic và theobromine trong trà giúp loại bỏ nhiệt từ da bị cháy nắng. Các hợp chất khác trong trà gọi là catechin giúp ngăn ngừa và sửa chữa các tổn thương da và thậm chí có thể giúp ngăn chặn các hóa chất và bức xạ gây ung thư da.
Các hợp chất polyphenolic phức tạp trong trà cung cấp các tác dụng bảo vệ cho làn da tương tự như các cơ quan trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các thành phần hoạt chất chính trong trà xanh, epigallocatechin-3-gallate (EGCG) hoạt động tốt như một chất chống viêm, chống oxy hóa và kem chống nắng. Đắp trà xanh tại chỗ trên da cung cấp hiệu ứng photoprotective, làm giảm số lượng tế bào cháy nắng, bảo vệ tế bào Langerhans biểu bì khỏi tác hại của tia cực tím và tổn thương DNA hình thành sau khi tiếp xúc với bức xạ tia cực tím.
Cây lô hội đã được khoa học chứng minh có hiệu quả cho tất cả dạng của bỏng
Cây lô hội
Cây lô hội (Aloe verahoặc Aloe barbadensis) đã được khoa học chứng minh có hiệu quả cho tất cả dạng của bỏng, bỏng do bức xạ, do nhiệt, hoặc do năng lượng mặt trời. Nó cũng đã được chứng minh có tác dụng dự phòng nếu được sử dụng trước, trong và sau khi tiếp xúc với các yếu tố gây tổn hại da. Lô hội được sử dụng chủ yếu cho tác dụng làm dịu và làm mát của nó. Các thành phần hóa học tự nhiên của lô hội gồm: amino axít, anthraquinon, các enzym, lignin, khoáng chất, mono-polysaccharides, axít salicylic, saponin, sterol và vitamin. Lô hội không chỉ cải thiện cấu trúc tế bào nguyên bào sợi, mà còn đẩy nhanh quá trình sản xuất collagen.
Quả óc chó
Chiết xuất quả óc chó được lấy từ vỏ màu xanh của quả óc chó Anh (Juglans regia). Các chiết xuất từ quả óc chó đã được chứng minh là có hiệu quả như một tác nhân chống nắng cho da. Thành phần quan trọng nhất của nó là juglone (naphthoquinone 5-hydroxy-1,4), một naphthol liên quan chặt chẽ đến lawsone (naphthoquinone 2-hydroxy-1,4). Juglone phản ứng với các protein keratin có trong da để tạo thành hợp chất sclerojuglonic. Đây là hợp chất có màu và đặc tính bảo vệ tia UV.
Các chiết xuất từ quả óc chó đã được chứng minh là có hiệu quả như một tác nhân chống nắng cho da
Các loại dầu thực vật như kem chống nắng
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng một số loại dầu thực vật có chứa kem chống nắng tự nhiên. Ví dụ: dầu mè chống 30% tia UV, trong khi dừa, đậu phộng, dầu ô liu, dầu hạt bông chặn khoảng 20% tia UV. Mặc dù, dầu khoáng không chống lại bất kỳ tia UV nào nhưng nó giúp bảo vệ da bằng cách hòa tan các chất bã nhờn tiết ra từ các tuyến bã do đó hỗ trợ sự bay hơi từ da.
Dầu lưu ly
Dầu lưu ly (Borago officinalis) kích thích tế bào da hoạt động và khuyến khích tái tạo da. Nó có chứa hàm lượng cao của axít gamma-linoleic (GLA) do đó hữu ích trong việc điều trị các rối loạn da, đặc biệt là dị ứng, viêm da, nhiễm trùng và viêm tấy da. Dầu lưu ly dễ dàng thấm sâu vào da và có lợi cho tất cả các loại da, đặc biệt cho da khô, mất nước, da người lớn tuổi hoặc lão hóa sớm.
Dầu hoa anh thảo
Dầu hoa anh thảo (Oenothera Biennis) có hàm lượng GLA cao nhằm thúc đẩy làn da khỏe mạnh và phục hồi da. Dầu hoa anh thảo thường có màu vàng. Nó giúp làm dịu các vấn đề về da và viêm da. Do đó, nó một lựa chọn tốt cho những người bị eczema, vảy nến, hoặc bất kỳ loại viêm da nào. Dầu hoa anh thảo được khuyến khích sử dụng cho làn da khô và lão hóa sớm.
Dầu trái bơ
Là sản phẩm chống nắng tự nhiên được tìm thấy rất nhiều tại các cửa hàng thực phẩm rau quả. Dầu quả bơ (Persea americana) rất giàu vitamin E, b-carotene, vitamin D, protein, lecithin và các axít béo do đó mang lại lợi ích đáng kể khi bổ sung vào các chế phẩm.
Dầu quả bơ rất giàu các vitamin E, D, -carotene, protein, lecithin và các axít béo
Dầu tràm trà
Dầu tràm trà (Melaleuca alternifolia) là một phương thuốc cổ xưa của các thổ dân. Nó là một phương thuốc hiệu quả để khử trùng, diệt nấm và sát khuẩn. Dầu tràm trà là một thành phần phổ biến trong nhiều công thức kem chống nắng, nó làm giảm cháy nắng bằng cách tăng lưu lượng máu trong mao mạch, nhằm tăng dưỡng chất đến vùng da bị tổn thương.
Tảo biển
Tảo biển (Bangiales, Rhodophyta), tảo đỏ được tiêu thụ rộng rãi tại Đông Nam Á. Chúng có chứa hàm lượng cao các axít amin tự do. Khi tiếp xúc với bức xạ cao, nó tổng hợp chất chuyển hóa thứ cấp hấp thu tia UV giống như axít amin mycosporine. Có gần bảy loài tảo biển được xác định ở Ấn Độ. Trong số tất cả các loài này, tảo biển Việt Nam đang được chú ý nhiều hơn hiện nay.
Bức xạ tia cực tím gây ra tổn hại cho da của chúng ta. Mọi người cần được bảo vệ khỏi ánh sáng có hại từ tia cực tím. Có rất nhiều cách khác nhau để bảo vệ làn da của chúng ta. Cách tốt nhất là tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trực tiếp. Nhưng đôi khi, điều này không thể thực hiện được, đặc biệt là trong mùa hè. Do đó, các sản phẩm kem chống nắng nên được sử dụng. Sử dụng các thành phần tự nhiên trong các sản phẩm chăm sóc da là rất phổ biến hiện nay, sử dụng thảo mộc thiên nhiên để bảo vệ làn da chúng ta khỏi các bức xạ tia cực tím từ mặt trời. Ngoài ra, các thảo mộc thiên nhiên còn chứa rất nhiều chất khác nhau rất hữu ích cho việc chăm sóc làn da chúng ta.
BS. LÊ THU THẢO
(Giảng viên Đại học Y Dược TP. HCM)
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Sau sinh bao lâu thì “sinh hoạt” trở lại?
10 rau quả hàng đầu giàu vitamin C
Thói quen không ngờ khiến gan nhiễm mỡ mà không biết
Đánh giá