20 June, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Đối tượng dễ mắc
Viêm da tiết bã da đầu là bệnh phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ, ngay sau sinh với biểu hiện da đầu có nhiều vảy, dân gian hay gọi là “cứt trâu”.
Người lớn hay bị ở lứa tuổi từ 20-50. Nam bị bệnh nhiều hơn nữ. Có một số nghiên cứu cho biết tỷ lệ mắc bệnh trong dân chúng khoảng 2-5%. Nhiều người bị viêm da dầu nhưng khỏi mà không bị tái phát trở lại. Những người bị bệnh thường hay có cơ địa tiết bã nhờn, một số người sau đó phát triển bệnh vảy nến: những bệnh nhân Parkinson, liệt mặt, người nhiễm HIV, sử dụng một số thuốc thần kinh, suy dinh dưỡng, thiếu kẽm, sang chấn tâm lý...
Nguyên nhân do đâu?
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây viêm da tiết bã da đầu. Nhưng hiện tượng tăng chất bã hay nhờn trên da chính là nguyên nhân khiến da đầu bị viêm.
Hơn nữa, các loại nấm hay vi khuẩn như nấm Malassezia ovale, vi khuẩn P. Acne đóng vai trò quan trọng trong cơ chế sinh bệnh ở da đầu. Bệnh có liên quan đến một số yếu tố như: Do tình trạng da bị nhờn, tiết dầu nhiều; Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân gây bệnh. Nếu trong gia đình có người bị bệnh viêm da tiết bãn hay vảy nến thì khả năng thế hệ sau bị bệnh này là rất cao…
Khi bị viêm da tiết bã nhờn cần khám và điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Viêm da tiết bã nhờn là bệnh xảy ra từ từ, không diễn biến đột ngột. Thông thường bệnh nhân không ngứa, nhưng cũng có một số người bị ngứa ngáy, khó chịu mức độ nhẹ hoặc vừa. Khi nóng, ra mồ hôi ngứa có thể tăng lên.
Những vùng da bị bệnh có màu đỏ cam, trên phủ vảy xám trắng khô hoặc mỡ nhờn, đôi khi thấy các sẩn vảy da có bờ rõ, thường thấy ở ngực, lưng. Vùng ngực lưng cũng có thể biểu hiện các đám tổn thương hình đồng xu, hình nhẫn, đa cung làm người bệnh nghĩ rằng họ mắc bệnh nấm da. Kẽ tai cũng có dát đỏ, vết nứt, trong ống tai cũng có thương tổn đỏ, vảy da làm dễ nhầm với bệnh nấm ống tai.
Các vùng có lông như ở đầu, lông mày, lông mi, râu hay thấy vảy da dính màu trắng. Ở mặt có các thương tổn hai má hình cánh bướm, rìa trán, kẽ mũi, giữa hai lông mày, da màu đỏ, có vảy da. Các nếp gấp lớn của da như nách, bẹn, kẽ mông, nếp dưới vú, rốn thường có ranh giới rõ, màu đỏ sẫm, da chợt, nứt kẽ và có thể tiết dịch khi bệnh nặng, bị cọ xát nhiều.
Bệnh hay ở các vùng da có nhiều tuyến bã hoạt động mạnh là mặt, đầu, ngực, lưng và các nếp gấp lớn. Trên đầu bong vảy nhiều mà ta gọi là gầu da đầu.
Tiến triển nặng hơn vào mùa thu - đông
Viêm da tiết bã nhờn là bệnh lý hay gặp, có những tiến triển dai dẳng, hay tái phát làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng sống của người bệnh do màu sắc da tổn thương, vảy da bong liên tục, trên đầu có thể gây rụng tóc. Mùa hè nóng bệnh nhẹ, nặng vào mùa thu đông. Trẻ mới sinh, có thể mắc bệnh lan tỏa, triệu chứng toàn thân rất nặng, có tiêu chảy, da toàn thân đỏ và có thể đe dọa tính mạng trẻ, gọi là đỏ da toàn thân Leiner.
Bệnh viêm da dầu dễ chẩn đoán, nhưng một số trường hợp có thể nhầm với bệnh vảy nến hoặc là khởi đầu của vảy nến. Bệnh cũng có thể nhầm với nấm nông da, nấm Candida kẽ, lupus đỏ bán cấp và một số bệnh da khác. Một điều đáng quan tâm là người bệnh thấy da bị đỏ, bong vảy da nhiều và chữa lâu khỏi nên cứ cho rằng mắc nấm ngoài da, không tin tưởng điều trị và đi chữa nhiều nơi theo sự mách bảo, hậu quả là bôi quá nhiều loại thuốc và bệnh trở nên khó chữa.
Điều trị có khó?
Bệnh viêm da dầu mặc dù là bệnh da mạn tính, gây phiền phức cho người bệnh vì màu da thương tổn đỏ, vì vảy da bong liên tục ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng sống, nhưng nếu điều trị đúng và duy trì điều trị có thể khỏi bệnh hoặc làm giảm các triệu chứng phiền phức của bệnh gây nên.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ chỉ định cho phù hợp có thể sử dụng thuốc bôi, dầu gội chống nấm. Các kem dưỡng ẩm cần bôi nhiều lần trong ngày và bôi duy trì, đặc biệt vào mùa thu đông. Viêm da dầu ở các nếp gấp có thể sử dụng các dung dịch màu, các kem pimecrolimus 1% và tacrolimus cũng có hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng xem xét về thể trạng của người bệnh, dinh dưỡng và cho các vitamin nhóm B, vitamin B3, B6, vitamin H, uống kẽm. Vì vậy khi mắc bệnh cần được khám và tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không điều trị mách bảo.
BS. Duy Hưng
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Bật mí cách kéo dài tuổi xuân nhờ những bí quyết đơn giản
Cảnh báo tình trạng trẻ em phải đi cấp cứu vì dùng nhầm mỹ phẩm của cha mẹ
7 dấu hiệu dễ thấy của stress lên làn da, tóc và móng
7 dấu hiệu bạn cần chỉnh đốn lại chế độ chăm sóc da
Đánh giá