14 January, 2020 0 nhận xét Nhận xét
Sau mỗi đợt ốm trẻ lại sụt cân nhưng rất khó để tăng lại, đã gầy lại càng gầy khiến cha mẹ rất lo lắng. Ngoài việc chú ý đến chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung lợi khuẩn tốt cho tiêu hóa tăng khả năng hấp thu dưỡng chất giúp trẻ tăng cân thì việc quan trọng nhất cha mẹ cần làm là phải giúp trẻ tăng sức đề kháng.
Vì sao cần tăng sức đề kháng cho trẻ?
Sức đề kháng hay còn gọi là hệ miễn dịch chính là “vũ khí” giúp kháng lại các virus, tác nhân gây bệnh: Các vi sinh vật (ký sinh trùng như giun, sán, nấm, mốc…), vi khuẩn, Rickettsia, virus, Prion (các protein lây nhiễm, nhỏ hơn virus 100 lần) và những vật lạ trong cơ thể sinh ra hoặc đưa từ bên ngoài vào (tế bào lạ, các phức hợp: Kháng nguyên, kháng thể lạ, các tế bào ung thư…) để sẵn sàng tiêu diệt, loại trừ các tác nhân gây hại cho cơ thể.
5 cách tăng đề kháng hiệu quả cho trẻ
1. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và trái cây
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, đa dạng thực phẩm sẽ cung cấp cho bé đầy đủ các dưỡng chất, vitamin cần thiết cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, đồng thời giúp tăng sức đề kháng cho bé, bảo vệ bé khỏi nguy cơ bệnh tật. Bữa ăn của bé cần đảm bảo đầy đủ, cân đối 4 nhóm chất gồm chất béo, chất đạm, đường bột, vitamin và khoáng chất. Nên tăng cường rau xanh và trái cây trong mỗi bữa ăn, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ, quá mặn hay quá ngọt đều không tốt cho sức khỏe của bé. Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ cần chú trọng cung cấp dinh dưỡng cho bé đầy đủ và hợp lý để tăng sức đề kháng và bé mau khỏi bệnh; không nên kiêng khem quá mức khiến bé rơi vào tình trạng mất sức, cơ thể càng yếu ớt hơn.
2. Bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin A, C, kẽm, selen…
Vitamin A giúp tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch, tăng khả năng chống lại vi rút của các tế bào, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi rút, vi khuẩn. Vitamin C hỗ trợ tăng sức đề kháng cho bé, phục hồi nhanh chóng tế bào bị tổn thương. Kẽm, selen có công dụng kháng vi rút, tăng sức đề kháng cho bé. Vì thế, để bảo vệ bé khỏi các bệnh ốm vặt, bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, mẹ hãy cho bé ăn nhiều thực chứa vitamin A như cà rốt, thịt đỏ, gan động vật, rau ngót; vitamin C như cam, quýt, dâu tây, ớt xanh; thực phẩm chứa kẽm, selen như thịt nạc, hàu, cá, lòng đỏ trứng…
3. Cho bé tiêm phòng đầy đủ, không lạm dụng kháng sinh
Ngay từ khi mẹ đang mang thai và khi bé chào đời, cần tiêm phòng đầy đủ cho cả mẹ và bé để phòng chống một số bệnh như viêm gan siêu vi, viêm não, bạch hầu, uốn ván, ho gà, thủy đậu, sởi… Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên lạm dụng hay tùy ý sử dụng thuốc kháng sinh cho con. Vì dùng kháng sinh nhiều sẽ dẫn tới hiện tượng “nhờn thuốc”. Và khi đó, cơ thể không thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn.
4. Cho trẻ ngủ đủ giấc, vận động thường xuyên
Ngủ ngon, đủ giấc sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển cơ thể và não bộ của trẻ, đồng thời giúp nâng cao khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng cho bé. Bố mẹ nên tập cho bé thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ; nên cho ăn hoặc bú nhiều hơn vào buổi chiều để bé không bị đánh thức vào buổi tối vì cơn đói, giúp bé ngủ ngon và sâu giấc. Buổi tối không nên cho bé hoạt động quá nhiều khiến bé giật mình, thức giấc khi đang ngủ. Thêm vào đó, nên khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày như vui đùa cùng bé, cho bé đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội… Vận động thường xuyên giúp bé ăn ngon hơn, hấp thu dưỡng chất tốt hơn, tăng khả năng miễn dịch và sức đề kháng.
5. Bổ sung các sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng
Ngoài việc ăn uống, vận động việc cha mẹ có thể chủ động bổ sung các sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng cho trẻ theo từng giai đoạn. Trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm giúp tăng sức đề kháng và kích thích ngon miệng cho trẻ cha mẹ nên lựa chọn những sản phẩm uy tín, an toàn để đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Mắc bệnh động kinh có nên mang thai?
Đồng tính “giả” - cần can thiệp kịp thời
Đánh giá