Các giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ
Có 3 giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ: bào thai, từ khi sinh đến 2-3 tuổi và tiền dậy thì. Chiều cao của trẻ phát triển ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Vì vậy, trong giai đoạn thai kỳ, chế độ ăn uống hàng ngày người mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể nhất là canxi và sắt. Canxi sẽ giúp cho quá trình hình thành tế bào xương trong cơ thể của trẻ khỏe mạnh, có kết cấu vững chắc. Ngoài ra, bổ sung canxi có thể giảm tính nhạy cảm trong mạch máu, phòng ngừa chứng tăng huyết áp ở mẹ bầu, hỗ trợ quá trình phát triển chiều cao ở thai nhi.
Giai đoạn từ khi sinh đến 2-3 tuổi: Lúc trẻ được 1 tuổi chiều cao của trẻ gấp 1,5 lần lúc mới sinh, lúc 2 tuổi cao bằng nửa người trưởng thành. Do đó, trong giai đoạn này cha mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ đạt được chiều cao tối ưu nhất. Lúc sơ sinh, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất giúp trẻ cao lớn và thông minh. Khi đến giai đoạn ăn bổ sung cần cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng bởi nguyên nhân gây suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ là do thiếu vi chất dinh dưỡng. Theo nghiên cứu có 50% trẻ thiếu các vi chất dinh dưỡng như vitamin D, A, canxi... Nếu cung cấp qua thức ăn không đủ có thể bổ sung thêm các thực phẩm chức năng.
Nếu cha mẹ bỏ lỡ sự phát triển chiều cao của trẻ ở 2 giai đoạn trước thì tiền dậy thì là giai đoạn vàng để tăng tốc chiều cao, bé gái từ10 -13 tuổi, bé trai 13-17 tuổi. Ở giai đoạn này, trẻ có thể tăng 10-15cm chiều cao trong 1 năm. Cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, vận động, đặc biệt là giấc ngủ của trẻ. Cho trẻ ngủ trước 11h giờ bởi hormon tăng trưởng sinh ra nhiều nhất vào lúc 10-12 giờ đêm.
Bổ sung thực phẩm giàu canxi có vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ.
Các vi chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển chiều cao
Canxi: Bổ sung caxi là rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao, duy trì sức khỏe xương khớp và răng miệng, bởi 99% canxi được tìm thấy trong xương và răng. Liều lượng bổ sung canxi ở người lớn từ 19-50 tuổi là 1.200 - 2.000mg/ngày, trẻ em từ 9-18 tuổi cần 3.500mg/ngày, từ 4 - 8 tuổi cần 1.000mg/ngày từ 1 - 3 tuổi cần 700mg/ngày. Các thực phẩm chứa nhiều canxi: trứng, sữa, chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai; các loại thịt: thịt bò, gà; các loại hải sản tôm cua; các loại cá, đặc biệt là cá hồi; rau củ quả, các loại hạt cũng chứa nhiều canxi. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không tự hấp thụ được canxi, mà phải cần các chất dẫn truyền như vitamin D, K, kẽm... nếu không có những chất này, dù bạn có bổ sung bao nhiêu canxi đi nữa thì cơ thể cũng không thể phát triển xương khớp cũng như chiều cao.
Vitamin D: là loại vitamin tan trong dầu, giúp cho niêm mạc ruột tăng hấp thu canxi mỗi ngày, có nhiều trong trứng, thịt, các loại rau củ và đặc biệt là các loại nấm. Lượng bổ sung vitamin D cho trẻ em từ 1-19 tuổi là từ 600 - 1.000IU/ ngày, từ 19 tuổi trở lên từ 1.500 - 2.000IU/ngày. Tuy nhiên, nếu ăn thực phẩm chứa vitamin D thì không đủ lượng vitamin cơ thể cần mỗi ngày. Vitamin D được tổng hợp nhiều nhất ở da bằng cách phơi nắng dưới ánh nắng mặt trời, nhưng phơi nắng thế nào là đúng. Chúng ta thường lầm tưởng rằng phơi nắng từ 6-9 giờ sáng là thời gian tốt nhất để hấp thu được tối ưu lượng vitamin D, tuy nhiên khoa học chứng minh điều đó là sai. Giờ hấp thu được lượng vitamin D tốt nhất là từ 10-12 giờ trưa. Đây là lúc ánh nắng mặt trời có chứa tia UVB giúp cho việc chuyển hóa cholesterol của cơ thể thành vitamin D. Do đó, để đảm bảo vừa có lượng vitamin D đầy đủ tốt cho sức khỏe nên phơi nắng khoảng 15 phút từ 10-12 giờ trưa, mặc quần áo ngắn để tăng diện tích da được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp hấp thụ được lượng vitamin D hiệu quả.
Vitamin K: giúp tối ưu hóa sử dụng canxi và ngăn ngừa bất kỳ những hoạt động tiêu cực nào với sức khỏe do dự tăng lượng canxi. Vitamin K giúp điều chỉnh lượng canxi trong cơ thể bằng cách mang canxi có trong máu vào xương và răng, giúp ức chế quá trình canxi hóa động mạch. Những thực phẩm giàu vitamin K: các loại rau xanh: cải bó xôi, bông cải xanh, rau mùa tạt, cải xanh; trái cây: bơ, kiwi; thịt gà, pate gan ngỗng.
Kẽm: giúp duy trì lượng estrogen trong cơ thể ở mức độ cân bằng nhất, giúp đĩa sụn phát triển. Estrogen là một trong những hormon làm ức chế sự phát triển của đĩa sụn, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Vitamin K giúp tăng lượng testosterone ở nam giới, kiểm soát và làm giảm lượng testosterone chuyển hóa thành estrogen. Kẽm có nhiều trong các loại thịt đỏ (bò heo), hàu, cá biển, trứng, sữa, rau chân vịt, cải bó xôi, khoai lang, khoai tây và các loại hạt.
ThS. BS. Lê Hải
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Cải thiện chứng nghén khi mang thai
Vi chất dinh dưỡng - năng lượng thiết yếu của sức khỏe
Đánh giá