05 June, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Dinh dưỡng hợp lý trong những năm đầu đời đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ như thế nào để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ là băn khoăn của không ít các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Đối với trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn quan trọng, đáp ứng được 70% nhu cầu năng lượng lúc trẻ 6 - 8 tháng tuổi, 55% khi trẻ từ 9 - 11 và 40% khi trẻ 12 - 24 tháng tuổi. Vì vậy, cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 2 năm cùng với ăn bổ sung.
Ăn bổ sung là cho trẻ ăn thêm các thức ăn khác cùng với sữa mẹ. Thức ăn bổ sung bù đắp sự thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng (protein, sắt, vitamin A...). Thời gian bắt đầu ăn bổ sung là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày hoặc 26 tuần tuổi) vì ở lứa tuổi này trẻ mới có biểu hiện thích thú trong ăn uống, răng bắt đầu mọc, biết sử dụng lưỡi để di chuyển thức ăn trong miệng và cử động hàm để nhai, đồng thời có khả năng tiêu hóa thức ăn đặc.
Ăn bổ sung quá sớm sẽ làm cho trẻ bú mẹ ít đi, sự tiết sữa giảm ảnh hưởng đến việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Hơn nữa, ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, chức năng tiêu hóa còn yếu nên chỉ chấp nhận thức ăn lỏng. Những thức ăn bổ sung dưới dạng lỏng thường ít chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến phát triển của trẻ, đồng thời thiếu hụt các yếu tố miễn dịch từ sữa mẹ làm cho trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và hô hấp. Ngược lại, ăn bổ sung quá muộn thì trẻ cũng dễ bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất (kẽm, sắt, vitamin A, B...).
Thức ăn bổ sung cần đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển của thể chất, tinh thần, trí não của trẻ và sẵn sàng có ở từng địa phương nhưng phải có đủ 4 nhóm thức ăn:
Nhóm chất đạm từ nguồn đạm động vật và đậu đỗ để bù đắp sự thiếu hụt protein, sắt, vitamin A...
Nhóm chất béo từ dầu mỡ là nguồn bổ sung năng lượng và làm cho thức ăn mềm dễ nuốt, đồng thời là dung môi để hòa tan các vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K).
Nhóm vitamin và khoáng chất từ các loại rau lá màu xanh thẫm và củ quả có màu vàng đỏ giúp trẻ phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Năng lượng từ thức ăn bổ sung khoảng 200 - 300 kcal/ngày cho trẻ từ 6 - 8 tháng tuổi, 300 - 400 kcal/ngày cho trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi và 500 - 700 kcal/ngày lúc trẻ 12 - 24 tháng tuổi.
Số bữa ăn và số lượng mỗi bữa tăng dần theo tháng tuổi để phù hợp với dung tích dạ dày của trẻ. Để trẻ nhận đủ dinh dưỡng, cần tăng đậm độ năng lượng thức ăn bằng cách quấy bột đặc hơn, có thể thay thế một phần nước nấu bột bằng một lượng sữa tươi hoặc 1 thìa sữa bột vào bát bột hoặc cho thêm giá đỗ (10g giá đỗ/10g bột) để thủy phân tinh bột làm cho bột lỏng mà không thay đổi thể tích, đảm bảo đậm độ năng lượng.
Cho trẻ ăn bổ sung 2 bữa/ngày, mỗi bữa 100 - 150ml (10g bột/100ml) với trẻ từ 6 - 8 tháng tuổi; 3 bữa/ngày, mỗi bữa 200ml và ăn thêm 1 bữa phụ với trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi; 3 bữa/ngày, mỗi bữa 250ml và 2 bữa phụ với trẻ từ 12 - 24 tháng tuổi. Bữa ăn chính thường là bột, cháo, súp nấu đặc và đa dạng thực phẩm đủ 4 nhóm thức ăn.
Bữa ăn phụ cung cấp thêm dinh dưỡng như hoa quả, sữa và các sản phẩm của sữa. Thức ăn chứa nhiều đường, ít dinh dưỡng như nước ngọt có ga, kẹo, kem... không coi là bữa ăn phụ. Các bữa ăn phụ không thể thay thế các bữa ăn chính.
Khi ăn bổ sung, cần cho trẻ uống thêm nước, trung bình 100 - 150ml/ngày kể cả lượng nước có trong thức ăn. Vì vậy, cần chú ý cho trẻ uống thêm nước đun sôi để nguội khoảng 400 – 600ml/ngày.
PGS.BS. Đào Thị Ngọc Diễn
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Nữ công nhân gặp khó khăn và e ngại trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản
Nguy cơ vô sinh do viêm ống dẫn trứng
Cách giữ làn da tươi trẻ, quyến rũ
Đánh giá