Các loại thức ăn này chỉ có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng chứ không thay thế được sữa mẹ. Giai đoạn ăn dặm là bước đệm đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện và hoàn thiện khả năng ăn uống sau này.
Khi nào bắt đầu cho bé ăn dặm?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi được tròn 6 tháng tuổi, vì lúc này hệ tiêu hóa của bé mới phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ.
Trước 4 tháng tuổi, cơ thể trẻ chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột. Do vậy, nếu cho bé ăn dặm trước 4 tháng dễ khiến bé chán sữa mẹ nên bú ít đi, dẫn đến tình trạng thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, quan trọng từ sữa mẹ. Điều này làm bé giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển. Mặt khác, bé dễ bị dị ứng thực phẩm do hệ tiêu hóa khi bé 4 tháng tuổi vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là những bé có cơ địa nhạy cảm. Vì vậy, bé dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa vì hệ tiêu hóa non nớt chưa đủ men để xử lý tinh bột và những thức ăn phức tạp khác.
Ngược lại, nếu cho bé ăn dặm muộn sau 6 tháng tuổi, nhiều khả năng trẻ sẽ đứng cân, tăng trưởng chậm. Bởi vì khi này sữa mẹ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ phát triển.
Giai đoạn ăn dặm là khi trẻ cần ăn bổ sung vì nhu cầu năng lượng tăng. Từ khi bé được 6 tháng tuổi, năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó giai đoạn này trẻ cần khoảng gần 700kcal/ngày. Do vậy, ăn dặm đúng cách là cần thiết để bù đắp khoảng cách thiếu hụt năng lượng này và lượng thức ăn trong các bữa ăn dặm cũng cần tăng lên khi trẻ lớn lên (tăng về số lượng và đậm độ đặc dần lên), nếu không đảm bảo đủ bữa ăn dặm trẻ sẽ còi cọc, phát triển chậm. Hơn nữa trong giai đoạn này, lượng sắt dự trữ không còn, do vậy trẻ sẽ thiếu sắt nếu chỉ được cung cấp từ nguồn sữa mẹ, do vậy ăn dặm sẽ là nguồn cung cấp đủ lượng sắt cần thiết bù đắp sự thiếu hụt đó. Nếu cơ thể trẻ không có đủ lượng sắt cần thiết trẻ sẽ bị thiếu máu. Khoảng thiếu hụt sắt lớn nhất vào lúc trẻ 6 -12 tháng và nguy cơ thiếu máu lớn nhất cũng ở nhóm tuổi này.
Cho bé ăn dặm khi bé tròn 6 tháng tuổi.
Một số lưu ý khi cho trẻ ăn dặm
Khi mới ăn dặm, nên cho trẻ ăn ít một để luyện tập cho hệ tiêu hóa của trẻ thích ứng dần với lượng và thành phần thức ăn ngày càng phong phú. Cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần, cụ thể như tháng đầu nên cho ăn 1-2 muỗng bột mỗi lần rồi tăng dần lên 1/3 chén, rồi nửa chén... sẽ đảm bảo sự tiêu hóa và cung cấp đầy đủ năng lượng - dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Nên cho trẻ ăn loãng, rồi đặc dần và cũng nên tập cho trẻ ăn quen dần với các thức ăn mới, để hệ tiêu hóa của trẻ không bị phản ứng khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của trẻ có thể tiêu hóa được những thức ăn phức tạp hơn.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Do đó, cha mẹ cần xây dựng một chế độ ăn dặm phù hợp để con phát triển toàn diện.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần phải chứa đủ 4 nhóm dinh dưỡng: Tinh bột (gạo, mì, ngô, khoai...); Đạm (thịt, cá, tôm, cua...); Chất béo (dầu ăn); Các loại rau giúp cung cấp vitamin, sắt, chất xơ và các chất khoáng khác cần thiết cho cơ thể. Tăng năng lượng của bữa ăn bằng cách bổ sung thêm dầu, mỡ hoặc vừng, lạc (mè, đậu phộng).
Phải cho trẻ ăn đầy đủ cả phần cái và phần nước hầm để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Nhiều cha mẹ có thói quen chỉ cho con ăn nước hầm xương quấy bột hoặc ninh cháo. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm vì xương dù có được ninh, hầm bao lâu, thì phần nước hầm vẫn chứa rất ít chất dinh dưỡng, chỉ có một lượng nhỏ vitamin, chất đạm, canxi vô cơ (cơ thể trẻ không thể hấp thu được). Do đó, chỉ cho trẻ ăn nước hầm có thể khiến trẻ bị thiếu canxi, dẫn tới còi xương, chậm lớn, suy dinh dưỡng.
Thực phẩm dùng cho trẻ phải đảm bảo an toàn vệ sinh, chỉ sử dụng thực phẩm còn tươi ngon để chế biến món ăn cho trẻ. Người chuẩn bị thức ăn cho trẻ phải rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn để tránh gây rối loạn tiêu hóa và các bệnh lý đường ruột khác.
Khi cho trẻ ăn nên khuyến khích động viên, không dọa nạt hay quát mắng khiến trẻ sợ ăn. Ngoài ra cũng không nên cưng nựng, dỗ dành quá mức vì sẽ hình thành thói quen không tốt ở trẻ, phải được thưởng trẻ mới chịu ăn.
Không cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì chất ngọt làm tăng đường huyết, khiến trẻ no bụng, chán ăn.
BS. Ánh Hồng
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Chuyện ấy với người bệnh tim mạch
Khi nào cần cắt bao qui đầu cho trẻ?
Rau củ quả tăng cường hệ miễn dịch
Đánh giá