09 April, 2013 0 nhận xét Nhận xét
Tình cờ đọc được bài viết “Vì sao nhiều cha mẹ Việt hay đánh con?” và một số bài viết tương tự trên Vnexpress về việc đánh con, tôi cảm thấy bứt rứt không yên. Tôi rất ít khi viết bài trên các trang cộng đồng, tôi cũng không phải chuyên gia về giáo dục, tôi chỉ đơn giản là 1 người mẹ. Tôi sợ những bài viết trên được lan rộng, nghe lại có vẻ thuyết phục sẽ cổ súy cho việc đánh con. Tôi không muốn các cháu sẽ chịu sự thiệt thòi này.
Tôi đã từng học tập và làm việc tại Úc, Đức và Mỹ. Và tôi rất tự hào và ngưỡng mộ cách giáo dục của họ. Không biết có ai đặt câu hỏi tại sao trẻ các nước phương Tây có ý thức, có trách nhiệm, tự trọng và tôn trọng người khác không? Các nước phương Tây không ủng hộ việc đánh con chứ đâu có nói cha mẹ không cần giáo dục con? Có rất nhiều cách giáo dục mà còn hiệu quả và nghiêm khắc hơn việc đánh con nhiều. Giáo dục con mà không đánh con mới khó, chứ đánh con thì quá là dễ và đánh con mà không thỏa đáng thì còn phản giáo dục. Đánh con chỉ thể hiện sự bất lực của bố mẹ.
Ai nói các nước phương Tây các con luôn an toàn, không có sự cám dỗ, không tệ nạn. Các con có phòng riêng, có máy tính riêng, nếu thích thì chơi điện tử lúc nào thì chơi, lên mạng thoải mái, các trang web đen rất nhiều. Với một cái click chuột thì hầu như cái gì cũng có thể mua được, ship về tận nhà. Nhiều trường trung học có mạng lưới “phân phối” chất kích thích đến tận tay học sinh.
Tôi muốn đặt ra một trường hợp như sau phân tích về các cách xử lý: Con uống sữa không cẩn thận làm đổ cốc sữa xuống nhà. Các bạn sẽ làm gi?
Cách 1: Nổi khùng lên, quát mắng, đánh cho con một trận và tự mình đi lau dọn nhà.
Cách 2: Bình tĩnh nói nhẹ nhàng với con “Con đánh đổ sữa ra nhà mất rồi, con dọn sạch đi con”.
Nghe qua thì các bạn thấy cảnh nào thường xảy ra hơn? Cách ứng xử nào khó làm hơn? Cách nào có phương pháp giáo dục tốt hơn? Câu trả lời sẽ đa dạng tùy vào quan điểm của từng người nhưng tôi xin phép phân tích theo cách của hầu hết các nhà giáo dục phương Tây nhé.
Cách 1: Con thì bị đau, ấm ức, có thể mang tư tưởng chống đối, và nghĩ bạo lực là cách nên dùng để giải quyết vấn đề. Bố mẹ thì hả hê, vẫn mang cái mác vì thương con, giáo dục con trong khi thực ra là mình bất lực, chẳng biết làm gì ngoài lôi con ra trút giận. Cách 1 sẽ làm trẻ thấy mình tồi tệ, sao mình hậu đậu thế, chẳng làm việc gì ra hồn, bố mẹ đang rất buồn vì mình. Hoặc nghĩ thầm “Đổ sữa thể đã cáu loạn lên, mẹ đi mà lau đi”. Cách này dạy trẻ không tôn trọng bản thân, không tôn trọng người khác, thiếu tinh thần trách nhiệm. Thiếu khả năng tự giải quyết vấn đề… Ngoài ra nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tổn thương và tâm lý đối với trẻ sau này.
Cách 2: Bố mẹ phải cố gắng giữ bình tĩnh để có phương pháp giáo dục hợp lý. Hiểu tâm tư, cái gì đằng sau hành động của con. Có lúc cần trao đổi với con với thái độ tôn trọng. Nếu muốn bạn cũng có thể nói thêm “Con đổ sữa làm mẹ rất bực mình, mẹ đang phải thở thật sâu để không quát lên, đổ như thế rất tốn tiền mua, con không có sữa uống và bẩn nhà. Bây giờ con đi lau đi”… Cách 2 dạy trẻ biết hậu quả tự nhiên của việc mình làm. Mình làm đổ thì mình không có sữa uống. Mình làm bẩn thì mình phải dọn. Con chưa khéo léo mà làm đổ, con không tập trung mà làm đổ, hay cá biệt vài trường hợp cố tình làm đổ xem phản ứng của mẹ như thế nào thì cũng có sao đâu. Mẹ vẫn rất yêu thương và tôn trọng mình. Ai chẳng mắc lỗi, mắc lỗi thì sửa lỗi thôi. Mình là người bình thường, mình có khả năng làm việc và biết sửa lỗi.
Cách 2 liệu có nuông chiều và dễ dãi quá không? Nếu bạn không mắng con, nhưng bạn lại là người dọn dẹp giúp con thì con chẳng thấy hậu quả là gì cả. Lần sau cứ đổ đã có người dọn hộ.
Bạn phải để con tự làm. Có thể con làm những lần đầu sẽ còn bôi bẩn thêm ra, sẽ còn mất thời gian chờ đợi rất nhiều. Nhưng bé sẽ học được nhiều điều từ việc làm đó. Nếu lần này và những lần sau vì sốt ruột mà bạn làm hộ con thì bạn đã mất đi một cơ hội giáo dục con và làm con thấy rằng “Nếu mình khóc lóc không chịu làm, hoặc làm rất dở, mẹ sẽ làm hộ mình”. Hoặc hôm bạn bắt con làm, hôm không, trẻ sẽ không biết bố mẹ muốn gì, và thấy không làm cũng chẳng sao. Vì vậy bạn phải kiên trì, nhất quán trong cách dạy.
Nếu bạn đã có lúc làm theo cách 1 và có lúc làm theo cách 2, bạn sẽ thấy cách nào khó làm hơn. Nhưng tôi cá với các bạn rằng, làm được cách 2 khó hơn nhiều. Có một tác giả của 1 quyển sách nói rằng tại sao bạn nổi điên với con mà không nổi điên với sếp. Khi sếp làm đổ sữa ra bàn của bạn, có khi bạn phải dọn dẹp cho sếp, bực lắm mà vẫn tươi cười: “Để đấy em lau cho ạ”. Còn với con thì bạn làm ầm lên. Bởi vì bạn không tôn trọng con như người lớn, vì bạn coi con là một sinh linh nhỏ bé, bạn muốn làm gì thì làm, muốn đối xử thế nào bé cũng phải chịu. Cách 2 cần nhiều hơn sự bình tĩnh, kiên trì và tình yêu.
Tôi cũng thỉnh thoảng đánh con vì tôi thấy bất lực không tìm ra phương pháp nào khác: Ví dụ bảo "Mẹ đã dặn con không được nghịch lửa khi không có sự giám sát của người lớn, làm thế rất nguy hiểm có thể cháy nhà mà con vẫn không nghe lời nên hôm nay nằm lên giường mẹ đánh 1 roi, lần sau vi phạm sẽ bị đánh 5 roi..." Nhưng có một điều chưa tệ lắm là tôi đánh con có mục đích và khi có suy nghĩ, khá bình tĩnh chứ không chỉ đánh vì bực bội. Tuy nhiên tôi cũng vẫn muốn tìm ra cách nào tốt hơn mà không cần dùng đến roi vọt.
Nghĩ thêm tôi thấy con vẫn làm có thể vì con chưa thấy sự nguy hiểm của nó. Dùng phương pháp đợi hậu quả tự nhiên thì không được. Thế là một hôm tôi gọi các cháu lại, dạy các cháu các kiến thức cần thiết “Làm gì khi xảy ra hỏa hoạn?”. Các cháu nghe và trả lời rất chăm chú. Một vài hôm sau vẫn hỏi mẹ thêm về việc đó. Có lúc đứa nhỏ gần 4 tuổi còn bảo tôi: “Con sợ ở nhà một mình mà nhà bị cháy lắm mẹ ạ”. Tôi bảo con: “Con còn nhỏ, mẹ sẽ không để con ở nhà một mình, nhưng như thế con thấy là cháy rất sợ nên con không được tự tiện nghịch lửa nhé, lúc nào muốn thì phải hỏi mẹ, mẹ ngồi cạnh xem các con làm, các con mới được làm nhé”. Bé dạ rất nghiêm túc và tôi nghĩ là bé hiểu rõ những điều tôi nói.
Hồi bé tôi cũng bị đánh nhiều vì rất mải chơi, và đầu têu những trò chơi dại. Bố mẹ tôi cũng rất bình tĩnh bảo nằm lên giường đánh chứ không vì bực mình mà thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Tôi không trách bố mẹ tôi nhưng tôi không cho đó là phương pháp giáo dục tốt nhất. Và phương pháp giáo dục đó tôi nghĩ sẽ không giúp bố mẹ gần gũi và làm bạn được với con như phương pháp thứ 2.
Tôi viết ra những chia sẻ này chỉ mong một số bố mẹ nhận ra đòn roi không phải là phương pháp tốt. Bạn có thể chưa thay đổi được trong hành động, nhưng trong suy nghĩ thôi cũng là một bước khởi đầu rất tốt. Nếu bố mẹ nào muốn đọc thêm hãy tham khảo một số sách tôi đã từng đọc qua và thấy rất hay. Tôi cũng chưa đọc được nhiều, có bố mẹ nào có sách hay xin giới thiệu tôi biết thêm nhé. Xin cám ơn đã dành thời gian đọc những dòng tâm sự này:
Đây là một số sách tôi đọc và thấy hay tôi không có ý quảng cáo cho sách nào cả
Sách dạy con:
- Người mẹ tốt hơn người thầy tốt. Tác giả Doãn Kiến Lợi do NXB Quảng Văn
- Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói. Tác giả: Adele Faber, Elaine Mazlish. NXB Trí Thức
- Setting limit for your strong will child (sách tiếng Anh, chưa có bản dịch tiếng Việt). Setting Limits with Your Strong-Willed Child : Eliminating Conflict by Establishing Clear, Firm, and Respectful Boundaries. Tác giả Robert J. MacKenzie Ed.D.
Medshop
Đánh giá