Do vậy, người thân trong gia đình, bạn bè nên gần gũi, dành thời gian tâm sự, tìm hiểu, giúp đỡ trẻ bằng cách: khuyến khích trẻ tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với phim ảnh, trò chơi bạo lực hay văn hóa phẩm đồi trụy..., bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể bằng các thực phẩm lành mạnh, chăm chỉ tập thể dục để tăng cường sức khỏe... Dưới đây là một số bệnh lý tâm thần dễ mắc ở tuổi dậy thì.
Trầm cảm: Trầm cảm là căn bệnh rối loạn tâm thần thường gặp do độ tuổi nhạy cảm này dễ chịu áp lực từ xung quanh, từ học hành, bố mẹ, thầy cô, bạn bè hay cả từ các chất kích thích... Triệu chứng là hay buồn bã, không quan tâm tới mọi thứ xảy ra xung quanh và cả với bản thân, dễ mệt mỏi, mất hy vọng vào tương lai, tuy nhiên, đặc điểm trầm cảm ở trẻ là thay đổi tính tình hay cáu gắt bực bội, dễ kích động, ăn ngủ nhiều cũng xảy ra phổ biến (trái ngược với trầm cảm ở người lớn là ngủ ít, ăn không ngon miệng và giảm cân).
Cần đưa trẻ đi khám nếu có các biểu hiện tâm lý nặng.
Stress: Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, rối loạn stress rất phổ biến, đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì. Độ tuổi nhạy cảm này thường dễ bị áp lực từ học tập, gia đình, bạn bè..., thậm chí cả những suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng hay khả năng của bản thân cũng dẫn đến stress. Khi đó, trẻ cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, suy nghĩ nhiều... Nguy hiểm hơn, stress ở lứa tuổi dậy thì còn có thể dẫn đến hành vi tự sát.
Rối loạn hành vi: Do những nhận thức về môi trường xung quanh chưa thể toàn diện như người trưởng thành, trẻ dễ bị tác động từ sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy và cả từ bạn bè xấu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi và gây nên những hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, trộm cắp, đua xe mạo hiểm..., có thể nghiện game, lạm dụng rượu bia, ma túy, cờ bạc và cả vấn đề tình dục.
Hành vi nổi loạn: Chủ yếu gặp ở trẻ trai, khi phải chịu trách nhiệm về những hành động do chúng gây ra thì chúng lại ứng xử không chấp nhận, chống đối, tạo sự nổi loạn gây lo lắng cho người khác. Hầu hết các em nhận ra sai lầm sau khi được chỉ bảo, bị đánh, bị phạt nhưng có xu hướng tái phát chai lỳ.
Rối loạn ứng xử: Rối loạn ứng xử bao gồm các hành vi: chọc ghẹo người khác, gây gổ, đánh nhau, thô bạo với người khác hoặc súc vật, đồ dùng; ăn cắp, trấn lột; phá phách; bỏ nhà đi bụi...
Lạm dụng chất kích thích: Sử dụng ma túy là nguy cơ nổi bật ở lứa tuổi này.
Hành vi tự sát: Đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở tuổi vị thành niên ở nhiều nước trên thế giới nên cần phải cảnh giác với vấn đề này. Những tình huống gợi ý nguy cơ tự sát, có bạn bè tự sát, thất vọng, bị cha mẹ, thầy cô giáo la mắng, mất thể diện, có rối loạn tâm thần, lạm dụng chất kích thích, bị lạm dụng tình dục...
Rối loạn tâm thần thể chống đối: Những đứa trẻ này có tính khí thất thường, hoang dã, không vâng lời, hay cãi nhau với người lớn làm phiền lòng mọi người. Chúng thường được xem như những đứa trẻ hư đốn, vô kỷ luật. Trẻ cũng có thể đáp ứng đối với sự quản lý chặt chẽ của gia đình, thầy cô giáo hoặc bắt chước cách sống cẩu thả, vô tổ chức của bố mẹ hay của người thân.
Bệnh rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt... cũng thường khởi phát ở tuổi vị thành niên.
Nhiều trường hợp cần được bác sĩ khám và tư vấn. Gia đình, bạn bè và nhà trường cần lưu ý phát hiện sớm dấu hiệu khác thường ở trẻ, điều trị kịp thời sẽ có hiệu quả tốt, ngăn ngừa hậu quả xấu xảy ra.
TS. Cao Tiến Đức
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Kẽm ức chế sự nhân lên của SARS-CoV-2
Thanh niên chưa vợ đã phải cắt "của quý", bác sĩ chỉ rõ thủ phạm
Suy nghĩ tiêu cực có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ
Đánh giá