Trong nghiên cứu trên các bệnh nhân trên 55 tuổi, được xuất bản trên tạp chí Alzheimer & Dementia, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng có một mối liên hệ giữa 'suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại' và sự suy giảm nhận thức cũng như sự lắng đọng các protein có hại trong não gây bệnh Alzheimer.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, các suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại nên được coi như một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với chứng mất trí nhớ, và các liệu pháp tâm lý như chánh niệm hay thiền định nên được nghiên cứu để xem liệu chúng có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hay không.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Natalie Marchant (Khoa tâm thần học Đại học London) cho biết: "Trầm cảm và lo lắng ở tuổi trung niên và tuổi già đã được biết đến là yếu tố nguy cơ của chứng mất trí nhớ. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy rằng những kiểu suy nghĩ nhất định liên quan đến trầm cảm và lo lắng cũng có thể là lý do tại sao những người mắc các rối loạn đó có nhiều khả năng phát triển chứng mất trí nhớ”.
Những phát hiện này có thể được sử dụng để phát triển các chiến lược nhằm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ của mọi người bằng cách giúp họ giảm các kiểu suy nghĩ tiêu cực.
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu từ Đại học UCL (Anh Quốc), INSERM (Pháp) và McGill (Canada) đã nghiên cứu 360 người trên 55 tuổi. Trong hai năm, những người tham gia nghiên cứu đã trả lời các câu hỏi về cách họ thường nghĩ về những trải nghiệm tiêu cực, tập trung vào các suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại, ví dụ như sự nghĩ quá nhiều về quá khứ và lo lắng về tương lai. Những người tham gia cũng được khảo sát về các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.
Chức năng nhận thức của họ được đánh giá trên tiêu chí trí nhớ, sự chú ý, nhận thức không gian và ngôn ngữ. Một số (113) người tham gia cũng được quét não PET, đo lượng lắng đọng chất tau và amyloid - hai loại protein gây ra chứng mất trí nhớ phổ biến nhất (bệnh Alzheimer) khi chúng tích tụ trong não.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong vòng bốn năm, những người có nhiều suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại hơn bị suy giảm nhận thức và trí nhớ nhiều hơn (một trong những dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer), và họ cũng có nhiều cặn lắng đọng amyloid và tau trong não hơn.
Trầm cảm và lo lắng có tương quan với sự suy giảm nhận thức sau này, chúng không tương quan với sự lắng đọng amyloid hoặc tau. Bởi vậy, các suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại có thể là lý do chính tại sao trầm cảm và lo lắng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, các suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại có thể góp phần gây ra nguy cơ mắc bệnh Alzheimer vì nó ảnh hưởng tới các phản ứng của cơ thể khi căng thẳng như huyết áp cao. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng căng thẳng sinh lý có thể góp phần làm tăng sự lắng đọng amyloid và tau.
Đồng tác giả Tiến sĩ Gael Chételat (INSERM, Pháp) nhận xét: "Suy nghĩ của chúng ta có thể tác động đến cơ thể, dù là tích cực hay tiêu cực. Các biện pháp rèn luyện tâm lý như thiền định có thể giúp chúng ta tư duy tích cực hơn bằng cách hạn chế các kiểu tư duy tiêu cực.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn là rất quan trọng và nó phải là ưu tiên hàng đầu của sức khỏe cộng đồng, vì nó không chỉ quan trọng đối với sức khỏe của mọi người trong thời gian ngắn mà còn có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ sau này. Tiến sĩ Gael Chételat nhấn mạnh.
Hà Phương
(Theo sciencedaily 6.2020)
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Tập gym gây hại tình dục: Lời đồn và sự thật
Chuyện “yêu” trong giai đoạn đặc biệt
Bị mỡ máu cao, nên ăn gì, kiêng gì?
Probiotic và những lợi ích bất ngờ
Đánh giá