07 June, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng và ít mắc bệnh hơn.
Mặc dù sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, đặc biệt là 6 tháng đầu đời của trẻ, nhưng chỉ có 19% bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong giai đoạn quan trọng này. Không cho con bú sớm, không cho con bú hoàn toàn và không tiếp tục cho con bú đến 24 tháng tuổi và lâu hơn, đồng thời chế độ ăn bổ sung thiếu cả về số lượng và chất lượng đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của trẻ. Hiện nay, tỷ lệ suy dinh trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam thấp còi khoảng 24% và thể nhẹ cân dưới 14%.
3 sai lầm thường gặp khi cho trẻ bú
Chỉ cho con bú khi căng sữa: Nhiều bà mẹ sau khi sinh chỉ cho con bú khi căng sữa, người ta thường quen gọi là xuống sữa, như vậy là không đúng, không cho con bú càng làm sữa xuống chậm và càng dễ bị mất sữa. Tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng một giờ đầu người mẹ nên cho trẻ bú, bú càng sớm càng tốt. Vì sữa mẹ tiết ra theo phản xạ, bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa sớm, trẻ được bú sữa non có nhiều chất dinh dưỡng quý, có nhiều kháng thể sẽ phòng bệnh được tốt. Động tác bú có tác dụng co hồi tử cung, cầm máu cho người mẹ sau đẻ và giúp mẹ bài tiết sữa sớm.
Hướng dẫn bà mẹ cho con bú sớm sau sinh.
Cho trẻ uống sữa ngoài trước khi bú mẹ: Khi cho trẻ ăn những thức ăn hay đồ uống khác, đặc biệt là sữa ngoài (sữa bột) và không cho trẻ bú bình trước khi cho trẻ bú và khi sữa chưa về sẽ làm cho mẹ giảm tiết sữa dẫn đến không đủ sữa nuôi con. Bên cạnh đó, trẻ có thể chọn sữa công thức mà không chịu bú mẹ.
Cho con bú theo số cữ định sẵn: Điều này hoàn toàn không đúng. Số lần trẻ bú không gò bó theo giờ giấc mà tùy thuộc vào yêu cầu của trẻ. Ban đêm vẫn cho trẻ bú nếu trẻ khóc đòi ăn. Ở những bà mẹ ít sữa, nên cho trẻ bú nhiều lần để kích thích bài tiết sữa tốt hơn. Nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ, đó là dấu hiệu của trẻ bú đủ. Nếu trẻ đi tiểu dưới 6 lần trong ngày cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc người mẹ cần xem lại kỹ thuật cho con bú có đúng hay không.
Cách cho con bú đúng
Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi cho bú, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: Miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn. Thời gian cho bú tuỳ theo đứa trẻ. Cho trẻ bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ. Sau khi bú xong một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Trẻ đẻ non, do sức khỏe yếu không mút được vú mẹ, hoặc trường hợp mẹ bị ốm nặng, bị mắc một số bệnh không cho trẻ bú được, cần vắt sữa cho trẻ ăn bằng cốc. Nên cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi hoặc có thể lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.
Phải bảo vệ nguồn sữa mẹ
Muốn có sữa cho con bú thì người mẹ ngay trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái để tăng cân tốt (10-12kg) vì đây là nguồn dự trữ mỡ để sản xuất sữa sau khi sinh. Khi cho con bú, điều trước tiên cần phải quan tâm là người mẹ cần phải ăn đủ, uống đủ, ngủ đẫy giấc và tinh thần thoải mái. Người mẹ nên ăn bổ dưỡng, khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường. Hàng ngày ăn thêm vài bát cơm, một ít thịt, cá, trứng hoặc một ít rau đậu, ăn thêm quả chín để có đủ vitamin. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ thường có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Khẩu phần ăn của bà mẹ cho con bú hàng ngày cần lượng thực phẩm bao gồm: ngũ cốc 450-500g, trứng 40-50g, đậu và chế phẩm từ đậu 50-100g, cá và thịt từ 80-100g, rau từ 300-400g, hoa quả từ 100-200g, dầu mỡ 20g. Một ngày ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ, hạn chế ăn đồ nướng và rán. Người mẹ cần uống nhiều nước từ 2,0 -2,5 lít/ngày (8-10 cốc) để lượng sữa tiết ra nhiều hơn (trên 85g nước trong 100ml sữa mẹ) nên dùng sữa, nước trái cây, nước rau luộc, nước đun sôi để nguội.
Chú ý: Trong thời gian nuôi con bú hạn chế uống nước trà, nước ngọt có gas, uống rượu, cà phê, các loại gia vị (hành, tiêu, ớt, tỏi,..). Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo lắng, buồn phiền, giận dữ, mất ngủ. Khi cho con bú, nếu phải dùng thuốc phải hỏi ý kiến của thầy thuốc, không được tự động dùng thuốc vì có thể nguy hại cho con và có thể làm cạn nguồn sữa.
Ths.Bs. Nguyễn Văn Tiến
((Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia))
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
11 dấu hiệu cơ thể bị rối loạn nội tiết
6 dưỡng chất cần thiết cho 3 giai đoạn cuộc đời người phụ nữ
Nguy cơ trẻ ngộ độc do dùng thuốc sai cách
Đừng dại mà không biết cách trị chứng mất ngủ khi bầu bí
Đánh giá