18 July, 2010 0 nhận xét Nhận xét
Trong những năm đầu ngồi ghế nhà trường, cuộc sống và những mối quan hệ gia đình vẫn là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của trẻ. Mối quan hệ gia đình hòa thuận sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương, đây là môi trường hoàn hảo giúp trẻ học tập và phát triển.
Tình yêu thương là điều ai cũng mong muốn có được, cho dù thường xuyên không nhận ra nó. Trẻ nhỏ thậm chí cần được yêu thương nhiều hơn, và bằng việc giao tiếp với trẻ, chúng ta chỉ cho các bé thấy tình yêu của mình lớn như thế nào. Các kĩ năng giao tiếp của trẻ thay đổi rất nhanh, trẻ hiểu hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ và có thể tham gia nói chuyện về các đề tài ngoài sở thích thường ngày của mình.
Dành thời gian nói chuyện cùng con sẽ giúp gắn chặt thêm mối liên hệ giữa bạn và con, phát triển cho bé lòng tự tin, và dạy bé nghĩ về thế giới xung quanh mình.
Giao tiếp với trẻ ở tuổi đi học như thế nào?
Con bạn học ở trường sáu tiếng/ngày. Nhưng khi bạn hỏi, ‘Hôm nay con làm gì ở trường’, câu trả lời thường là, “Không làm gì cả”. Trên thực tế, bé có hoạt động ở trường. Chỉ là bé cần bạn khuyến khích để kể về ngày ở trường của mình mà thôi. Bé cũng cần biết rằng bạn đang thực sự lắng nghe.
Giao tiếp tích cực không chỉ bao gồm nói những điều “hay” hay chia sẽ những thông tin tốt. Nó còn bao gồm khả năng nói về tất cả các loại cảm giác, thậm chí là bực tức, xấu hổ, buồn phiền hay sợ hãi. Nó cũng có nghĩa là lắng nghe thực sự khi có ai đó muốn chia sẻ với bạn những thông tin như trên.
Thật sự lắng nghe những gì con muốn nói. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến cảm xúc đằng sau những lời con nói.
Dành thời gian trò chuyện với con thường xuyên theo cách của riêng bạn. Dù chỉ hai phút mỗi nửa giờ cũng sẽ tạo sự khác biệt.
Khi con cần bạn, hãy tạm gác mọi việc đang làm để nói chuyện cùng bé – có thể bé chỉ cần bạn chú ý hoàn toàn đến bé trong khoảng một, hai phút mà thôi.
Hãy nhìn vào mắt con. Điều này giúp bạn tránh được xung đột và hiểu được cảm giác của con hay những gì con đang nghĩ, vì thế, sẽ ít khả năng con thấy bực tức hơn. Để giúp con duy trì được giao tiếp bằng mắt mà không bị làm xao lãng, bạn có thể nhẹ nhàng giữ mặt bé, và tập trung vào mắt bé một cách lôi kéo, hơn là dọa dẫm. Ở lứa tuổi này, một số trẻ thường không thích khi nhìn thẳng bằng mắt. Nếu trường hợp như vậy xảy ra với con bạn, bạn có thể kiểm tra sự lắng nghe của con bạn bằng cách yêu cầu con nhắc lại những gì bạn vừa nói.
Lắng nghe tích cực giúp trẻ xử lí được những cảm xúc còn thơ dại của mình. Trẻ ở lứa tuổi này thường rất dễ bực mình, đặc biệt là khi không thể thể hiện được bản thân mình bằng lời nói. Khi bạn nói lại với con những gì bạn nghĩ về cảm xúc của bé, điều này sẽ giúp giải tỏa phần nào sự căng thẳng, và làm cho trẻ cảm thấy được tôn trọng và an ủi. Ngoài ra, nó còn có thể xóa đi rất nhiều cơn thịnh nộ tiềm ẩn. Khi bạn đã lắng nghe con, hãy hỏi xem con có cần giúp đỡ không trước khi can thiệp và đưa ra cách giải quyết cho vấn đề của bé.
Để con nói hết câu rồi mới ngắt lời, cho dù con nói lắp bắp, vòng vo như thế nào đi chăng nữa.
Hỏi con những câu hỏi mở để khuyến khích con nói nhiều hơn.
Luôn trung thực. Trẻ thông minh hơn người lớn nghĩ về chúng nhiều. Khi chúng ta nói dối, chúng ta sẽ đánh mất lòng tin nơi trẻ.
Đọc và kể chuyện cho con nghe. Sách có tranh ảnh sẽ giúp trẻ học được nhiều về ngôn ngữ.
Đừng phê bình khi con dùng sai từ. Ý tưởng ở đây là cho phép con được tự do thể hiện mình. Nếu con luôn bị phê bình về cách nói năng của mình, bé có thể sẽ chỉ ngồi im thin thít.
Cố gắng bắt được tín hiệu muốn nói chuyện của con. Đôi khi một câu thoáng qua như ‘hôm nay thầy giáo nói cái gì lạ lắm’ có thể mở ra một cuộc nói chuyện quan trọng về một điều gì đang làm con bạn thấy hoang mang hay lo lắng.
Hãy trở thành một người giao tiếp hiệu quả bằng cách nói chuyện và lắng nghe một cách tích cực.
Đưa ra một vài quy tắc hiểu biết hài hước
Trong những năm đầu ở trường học, trẻ có thể phải tuân thủ quá nhiều quy tắc về học hành. Chơi các trò chơi có luật lệ sẽ giúp trẻ hiểu được điều gì là ‘đúng’ và ‘sai’.
Để dạy con về các quy tắc và phẩm chất, bạn có thể giải thích cho con hiểu tại sao có những điều được coi là đúng và những điều khác lại là sai. Bạn có thể nói đơn giản về những điều không được chấp nhận trong xã hội. Khuyến khích sự thông cảm của con bằng cách nhắc nhở con đặt mình vào tình huống của người khác. Lúc đó bé sẽ thấy thế nào? Bạn có thể nói cho con nghe về các phẩm chất cần có trong gia đình và tại sao gia đình lại cần có chúng.
Mẹ vừa nói gì vậy?
Chúng ta ai cũng có lúc không tin vào những gì đã nói với con. Hầu hết các bậc cha mẹ đều thốt ra những câu như, ‘Con chẳng bao giờ học được gì đâu!’ hay “Nín khóc ngay, nín!’. Sau đó chúng ta lại băn khoăn không hiểu sao lại nói ra những câu như vậy. Thông thường, cách tốt nhất trong tình huống này là thú nhận mình sai và xin lỗi để cả hai cùng cảm thấy tốt hơn.
Theo raisingchildren.net.au
MedShop.vn dịch
Đánh giá