25 July, 2010 0 nhận xét Nhận xét
Chăm sóc hàng ngày cho trẻ
Quần áo và tã lót
Chăm sóc trẻ sơ sinh là công việc khá khó khăn. Tuy vậy, nếu bạn biết các quy tắc cơ bản trong chăm sóc trẻ nhỏ, công việc của bạn sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn nhiều.
Cho con mặc gì?
Loại chất liệu tốt nhất tiếp xúc da trẻ em là 100% cotton (len và acrylic có thể gây khó chịu và kích ứng). Vì cơ thể trẻ rất mềm, loại quần áo thích hợp nhất là loại liền bộ chất liệu cotton. Nên dùng loại có khóa phía trước và ở chân để tiện cho việc thay tã lót. Trẻ nhỏ không thể tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt như người lớn, vì thế bạn có thể cần mặc thêm quần áo cho con. Theo hướng dẫn thông thường, nên mặc cho bé nhiều hơn một lớp so với số quần áo bạn đang mặc. Khi đi ngủ, cho con mặc đồ thích hợp với nhiệt độ phòng ngủ. Không nên dùng các loại chăn lùng bùng cho trẻ sơ sinh. Bạn cũng có thể bọc con để đảm bảo an toàn và tạo cho con cảm giác ấm cúng, dễ chịu.
Tã lót
Dùng tã lót bằng vải hay tã lót dùng một lần là tùy theo lựa chọn cá nhân và tài chính gia đình bạn. Ngày nay, tã lót bằng vải rất thân thiện với người dùng nhờ khóa plastic rất dễ dàng. Tã lót dùng một lần rất tiện lợi nhưng đắt và có lẽ không thân thiện với môi trường bằng tã lót vải. Tuy vậy, tã lót dùng 1 lần mang tính thực tế hơn nếu bạn muốn giặt ít.
Bạn nên thay tã cho con 9-10 lần/ngày. Hãy nhớ rằng: nhiều tã ướt là dấu hiệu tốt – nó cho biết rằng bé hấp thụ đủ lượng nước cần thiết.
Viêm da do tã lót
Để tránh bị viêm da do tã lót, nên thay tã cho con sau khi con đi đại tiện càng nhanh càng tốt (bạn có thể kiểm tra bằng cách ngửi hoặc nhìn nhanh). Phân của trẻ chứa axit và có thể “làm bỏng” da con bạn, điều này (ngoài những lí do hiển nhiên khác) khiến bạn cần thay tã cho con ngay. Bạn có thể xoa kem chống viêm da tã lót ở những chỗ cần thiết để phòng phát ban. Nếu da bé bị trầy do viêm da tã lót, không lau chùi khô mà rửa bằng nước rồi lau khô nhẹ nhàng cho bé. Xoa nhiều kem chống viêm da tã lót để chống nhiễm trùng và kiểm ra vết phát ban để chắc chắn rằng nó đang lành. Đưa con đi khám bác sĩ nếu vết phát ban xấu đi và bắt đầu có mủ.
Lau chùi cho trẻ sơ sinh
Nên lau chùi sạch sẽ cho con sau khi con đi đại tiện. Đối với con gái, luôn lau từ trước ra sau để tránh viêm nhiễm. Bạn có thể dùng loại giấy lau được bán sẵn hoặc khăn lau bằng vải với nước và một giọt nước rửa không chứa xà phòng khi mông đít của con bị bẩn.
Móng tay
Móng tay của trẻ sơ sinh thường rất mỏng, chúng sẽ tự mềm ra khi tắm và rơi ra. Sau đó, móng tay sẽ cứng dần lên và cần được cắt. Hãy chuẩn bị một bài hát nhẹ nhàng cho con khi cắt móng tay cho bé (xem Baby Karaoke để có thêm ý tưởng) và một chiếc kéo nhỏ thường dùng. Lưu ý bấm móng chân chiều ngang. Bấm lượn tròn bên cạnh có thể làm móng chân mọc vào bên trong. Nếu bé phản ứng hay kéo tay lại khi được cắt móng tay, hãy tạm dừng lại và thử lại khi bé bình tĩnh lại hoặc đang ngủ say.
Tắm rửa và cắt móng tay cho trẻ sơ sinh
Tắm rửa cho trẻ sơ sinh là lau rửa thường xuyên hàng ngày cho bé bằng khăn sạch để giữ mặt, bàn tay, và mông đít của bé thật sạch sẽ. Tắm toàn thân chỉ cần thiết 2 lần/tuần. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng tắm cho con vào buổi tối để tạo cảm giác trấn an cho con mình. Xem hướng dẫn tắm cho trẻ sơ sinh theo từng bước nếu bạn thấy cần thiết.
Cần lưu ý giữ vùng rốn sạch và khô cho đến khi nó liền hẳn. Tương tự như vậy đối với bao quy đầu đã mở. Rửa nhẹ nhàng bằng nước sẽ có tác dụng – không nên dùng xà phòng vì nó có thể gây kích thích cho da. Lau khô cẩn thận, thấm ẩm nhẹ nhàng bằng mảnh vải cotton nhẹ. Nếu thấy con bị đỏ da, hãy gọi bác sĩ.
Kiểm tra sức khỏe và tiêm chủng cho trẻ sơ sinh
Thông thường các bậc cha mẹ có rất nhiều câu hỏi về chăm sóc sức khỏe cho đứa con mới sinh của mình. Ngày nay, rất dễ tìm được sự giúp đỡ, vì thế, đừng ngại ngần liên lạc với bác sĩ. Hãy chọn người mình sẽ liên lạc và dán số điện thoại của họ lên cửa tủ lạnh để tiện trong trường hợp cần thiết.
Kiểm tra sức khỏe cho trẻ sơ sinh
Trước khi xuất viện: Nên tận dụng những lần kiểm tra sức khỏe cho con trong bệnh viện, bao gồm một lần kiểm tra nghe. Những bài kiểm tra đối với đứa con bé bỏng mới sinh của bạn như vậy có thể làm bạn nản chí. Tuy vậy, kết quả có thể giúp bạn an tâm phần nào, đồng thời cung cấp cho bác sĩ những thông tin quan trọng. Thông thường, bệnh càng được điều trị sớm sẽ càng tốt hơn.
Khi có bác sĩ, y tá, đừng ngại hỏi họ những câu hỏi ngớ ngẩn – họ thường là những người có thể cho bạn những lời khuyên tốt nhất. Bạn có thể bắt đầu bằng, ‘Đây có thể là một câu hỏi ngớ ngần nhưng…’ Và cứ thế, tiếp tục hỏi cho đến khi bạn thực sự hiểu những gì cần biết!
Kiểm tra sức khỏe tại trung tâm y tế: Trung tâm y tế gần nhà sẽ kiểm tra sức khỏe miễn phí cho con bạn, thông thường được khuyến cáo khi bé được 2, 4, và 8 tuần tuổi. Đây là thời gian lý tưởng để hỏi bất kì câu hỏi nào, từ phát ban đến nôn mửa hay khóc lóc (của bạn và của con!). Bạn có thể soạn ra một danh sách các câu muốn hỏi trước khi đi để chắc chắn rằng mình không quên điều gì.
Tiêm chủng
Tiêm chủng giúp chúng ta chống lại được vi khuẩn và vi-rút gây hại, như quai bị và uốn ván, các căn bệnh đã từng giết hại hàng nghìn người. Có thể thực hiện chủng ngừa bằng cách tiêm hay cho uống thuốc, dù là cách nào thì cũng đều chứa các phân tử trơ (không còn sống) của vi-rút hay vi khuẩn nhằm giúp cơ thể học cách miễn dịch với loại vi khuẩn, vi-rút đó. Chủng ngừa được coi là cách bảo vệ đặc biệt cần thiết cho trẻ nhỏ.
Các dấu hiệu cho thấy con bị ốm và cách giúp con luôn khỏe mạnh
Bạn là người hiểu con mình nhất, vì thế, rất có thể bạn là người đầu tiên nhận thấy con không được khỏe. Hãy gọi bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nhận thấy bất kì dấu hiệu nào dưới đây ở con:
- da đổi màu, trông ‘có vẻ bực tức’, đỏ, và tấy
- sốt (cao hơn 380C)
- bất kì sự đổi màu nào trên da, như xuất hiện các nốt đỏ, da vàng hay mắt vàng
Để biết thêm thông tin liên quan, xem phần Tham khảo sức khỏe A-Z.
4 cách giúp con luôn khỏe mạnh
- Bảo vệ con khỏi vi trùng gây hại
Khi con được 6 tháng tuổi, tiếp xúc gần với vi trùng gây hại có thể đồng nghĩa với đi bệnh viện nếu con bị ốm và sốt. Bạn có thể hạn chế con tiếp xúc với vi trùng gây hại bằng cách rửa tay sạch trước khi bế con, đặc biệt là sau khi bạn vừa ra ngoài mua sắm, cầm đồ ăn sống, hay thay tã cho con. Nếu xung quanh có người bị cảm lạnh hay cúm, bạn có thể nhắc nhở họ tránh xa con cho đến khi khỏe hẳn.
- Không cho con dùng thuốc không được bác sĩ chỉ định
Các loại thuốc thường dùng trong nhà có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ nhỏ. Chính vì thế, không được cho con dùng bất kì loại thuốc nào nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Một vài lại thảo dược cũng có thể rất nguy hiểm, vì thế, tốt nhất là kiểm tra với bác sĩ để đảm bảo an toàn cho con.
- Bảo vệ tai cho con
Tai của trẻ nhỏ còn rất mỏng, vì thế, cần tránh cho bé tiếp xúc với những âm thanh có âm lượng to. Bị trẻ lớn hơn hét vào tai, nghe chó sủa, hay nhạc quá to đều có thể gây hại cho tai của con.
- Giữ không khí quanh con luôn trong lành
‘Hút thuốc thụ động’ có thể gây nguy hiểm cho những người không hút thuốc. Vì thế, nếu trong nhà có người hút thuốc, họ có thể bảo vệ con bạn bằng cách luôn hút thuốc ở bên ngoài. Tránh sử dụng các loại hóa chất trong gia đình, như thuốc diệt côn trùng hay các sản phẩm tẩy rửa, khi con trong phòng. Da của trẻ sơ sinh cũng rất nhạy cảm với thuốc xịt côn trùng cá nhân hay kem chống nắng trẻ em, vì thế, cách tốt nhất là tránh muỗi, ruồi, và ánh nắng mặt trời cho con bằng cách đơn giản.
Theo raisingchildren.net.au
MedShop.vn dịch
Đánh giá