14 April, 2010 0 nhận xét Nhận xét
Viết bởi Karen Miles
Đã được phê duyệt bởi Ban tư vấn y tế BabyCenter
Những điều nên mong đợi ở lứa tuổi này
Có thể bé nhà bạn cố tình phớt lờ từ “không” của bạn, hay cũng có thể bạn muốn có biện pháp tích cực hơn trong việc giáo dục con mình. Thật may là có rất nhiều cách thay thế mệnh lệnh thường bị lạm dụng đó. Roni Leiderman, phó chủ nhiệm Trung Tâm Gia đình tại đại học Nova Southeastern ở Ft. Lauderdale, bang Floria, đã nói: “Bọn trẻ thường lờ nó đi, và bạn có thể sẽ thấy rằng mình phải nói đến mười từ "Không" thì chúng mới phản ứng lại.” Cho dù bạn đang cố gắng đưa con mình ra khỏi rắc rối hay muốn dạy bảo cho bé biết phải, trái, hãy thử một cách tốt hơn, tích cực hơn là từ “Không” thường dùng nhé.
Những việc nên làm
Diễn đạt bằng cách khác. Hãy làm cho những yêu cầu của mình mang nghĩa tích cực hơn, và có thể con bạn sẽ phản ứng tương tự như vậy. Thay vì nói không, hãy nói rõ những gì con bạn có thể làm. Chẳng hạn như, thay vì hét lên “Không! Không được ném bóng vào phòng khách,” hãy thử nói “Mẹ/bố con mình đi ra ngoài chơi bóng đi.” Khi con đang bận bịu với sản phẩm nghệ thuật của mình, trong khi hồ dán vung vãi khắp nhà, hãy giúp bé đặt một tờ báo xuống dưới tác phẩm đó. Điều này giúp bé biết mình nên tiếp tục chứ không nên dừng lại. Trong trường hợp phải phản ứng nhanh để đảm bảo an toàn cho bé, hãy dùng những câu trực tiếp hơn, như “Dừng lại!”, “Nguy hiểm!”, hay “Nóng!”
Đưa ra những lựa chọn. Con bạn muốn cảm giác được tự do và tự kiểm soát mình. Vì thế, thay vì từ chối thẳng thừng khi bé đòi ăn kẹo trước bữa trưa, hãy cho bé lựa chọn giữa nho và táo. Hoặc bạn cũng có thể cho con chọn loại kẹo thích ăn – nhưng là sau bữa trưa. Nếu bé hay đòi mặc trang phục không thích hợp (như đồ bơi vào tháng 12 chẳng hạn), hãy đưa cho bé hai loại trang phục thích hợp hơn để mặc xen kẽ vào các buổi sáng. Có thể bé sẽ không thích lắm với các lựa chọn mà bạn đưa ra, nhưng cuối cùng bé sẽ học được cách chấp nhận chúng.
Làm bé không tập trung. Có thể dễ dàng gây mất chú ý đối với một đứa trẻ mẫu giáo. Khi con bạn bị thu hút bởi một bức tượng nhỏ xinh xắn trong quầy tạp hóa, hãy nhanh chóng chỉ cho con xem chiếc đèn phản chiếu trong gương qua lối đi, hay làm con quên đi bằng câu hỏi - “Chúng ta nên ăn gì trưa nay con nhỉ?” – hay với một đồ chơi, hay một gói bimbim nhỏ (nhưng đây lại là lí do làm bạn phải mang nhiều tiền khi ra ngoài cùng bé!). Trong khi đó, chuyển con ra xa cám dỗ kia. Việc đi mua sắm và đánh lạc hướng thường dễ dàng hơn một chút đối với các bé sắp đến tuổi đi học: “Mẹ/bố con mình không thể chơi con búp bê bằng sứ đó, nhưng mẹ/bố con mình có thể xem trò chuông gió đằng kia.”
Tránh xa vấn đề. Bất cứ khi nào có thể, hãy đưa con bạn ra khỏi những tình huống mà bạn phải nói không, thay vào đó, hãy đưa bé đến những nơi có môi trường an toàn, kích thích trí tò mò và tính phiêu lưu mạo hiểm của bé. Nhà bạn nên được bài trí an toàn cho trẻ, nên đặt các vật dụng nguy hiểm, có giá trị tránh xa tầm với của bé. Ngoài ra, nên chọn những nơi bé có thể thoải mái chạy rong – chẳng hạn như trong sân chơi hay sân sau rộng thay vì nhà kho hay phòng chứa đồ cổ. Tất nhiên, bạn không thể ngăn con bạn tới tất cả những nơi bạn phải nói không, nhưng sẽ dễ dàng hơn cho cả hai – và bạn có thể nói “có” nhiều hơn.
Tuy vậy, hãy nhớ rằng, có nhiều bé rất thích đi mua sắm và rất biết ứng xử - nếu bạn cẩn thận một chút. Vì thế, thỉnh thoảng hãy lập kế hoạch đi mua sắm khi con bạn khỏe mạnh, nhưng đừng lạm dụng nó – chỉ một, hai tiếng tại cửa hàng là đủ.
Hãy tạm lờ đi những vi phạm nhỏ nhặt. Trong cuộc sống có rất nhiều cơ hội để bạn có thể dạy con về kỉ luật. Vì thế, đừng cố tìm kiếm thêm nhiều hơn làm gì. Nếu bé đang nghịch trong vũng nước nhỏ, và bạn đang trên đường về nhà, tại sao lại cấm con? Nếu bé thích mặc trang phục Halloween đi ngủ, có gì không tốt đâu nào? Hãy nhớ câu thần chú trong việc dạy con cái sau: hãy chọn lấy các cuộc chiến đấu của mình. Hãy tạo cơ hội cho con được phát huy tính phiêu lưu, vui vẻ, và ưa khám phá của mình bất cứ khi nào có thể. Nếu bé an toàn và bạn không bắt buộc phải nói không, hãy cứ để bé làm những gì bé thích.
Hãy nói theo cách bạn muốn nói. Tất nhiên, khi con ứng xử không tốt, và không còn lựa chọn nào tốt hơn, đừng nói dông dài. Hãy nói thật kiên quyết (nhưng bình tĩnh), với sức thuyết phục và vẻ mặt nghiêm nghị - “Không! Không được kéo đuôi con mèo như thế.” Một câu nói vui vẻ kiểu như “Không, không, con yêu” sẽ làm bé thấy khó hiểu, và tất nhiên sẽ không can ngăn được bé. Khi bé nghe lời, hãy cười thật tươi với bé, hoặc ôm bé, và kết thúc bằng một câu chắc nịch như “Tốt! Con thật là đứa trẻ biết nghe lời!”
Đánh giá