05 May, 2010 0 nhận xét Nhận xét
Viết bởi Evonne Lack
Kỉ luật là một trong những thử thách khó khăn nhất đối với các bậc cha mẹ, nó có thể làm bạn vỡ mộng, chán nản, thậm chí có cảm giác mình bị hạ thấp. Khi phải đối mặt với các vấn đề ứng xử của con mình, dù là đứa trẻ mới biết đi, trẻ mẫu giáo, hay trẻ lớn hơn, bạn đều có thể luyến tiếc nhớ lại những tháng trong năm đầu của con mình và phân vân tại sao mình đã từng nghĩ việc cho con ăn, cho con ngủ lại khó khăn đến thế.
Nhận được những lời khuyên đúng đắn sẽ giúp bạn hiểu rõ và yên tâm hơn. Vấn đề ở chỗ bạn cần phải tìm cho mình phương pháp phù hợp với cá tính của bản thân. Nhưng làm thế nào để chọn khi mà lĩnh vực kỉ luật lại là một mớ hỗn độn quá rộng lớn và rắc rối?
Vấn đề sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu khi biết rằng mình không chỉ phải chọn duy nhất một phương pháp kỉ luật. Bạn có thể chọn một vài khía cạnh của các phương pháp kỉ luật khác nhau. Bạn hoàn toàn có thể chọn những gì bạn thích và bỏ qua những thứ còn lại.
Ngoài ra, việc chú ý đến cảm giác của mình khi đang đọc về một phong cách cụ thể nào đó là rất cần thiết. Ví dụ, một bà mẹ ở Brooklyn, Popi Pustilnik đã nói: “Có một quyển sách làm tôi chán bản thân đến mức đã ném nó ra một góc.” Cô này sau đó đã đọc một quyển khác với cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác, và cảm thấy khá hơn nhiều. “Nó phù hợp với tôi hơn rất nhiều,” cô nói.
Hãy bắt đầu bằng việc học về một số loại chính trong các triết lí về kỉ luật. Một khi đã hiểu chút ít về chúng, việc chọn sách phù hợp với bản thân sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Những điểm tương đồng trong các thuyết kỉ luật
Mặc dù lĩnh vực kỉ luật rất rộng lớn, rất nhiều các quyển sách về kỉ luật phổ biến đề cập các chủ đề tương tự nhau. Dưới đây là những điểm hay được đề cập nhất:
- Nên hướng đến mức độ trung hòa giữa quá khắc nghiệt và quá dễ dãi.
- Không sử dụng các hình thức trừng phạt về thể chất như đánh hay tát.
- Không sử dụng các hình thức trừng phạt về tinh thần như chửi rủa hay lăng mạ.
- Khi bạn và con mình mất bình tĩnh, hãy dành thời gian để hạ nhiệt.
- Đưa ra những lựa chọn
- Học cách kiểm soát bản thân khi bực tức.
- Đưa ra sự khuyến khích, và những nhận xét tích cực.
- Để con bạn tự trải nghiệm hậu quả của hành vi của mình.
- Đừng để bụng. Khi vấn đề đã được giải quyết xong, hãy bình thường hóa với con.
Các thuyết kỉ luật khác nhau ra sao?
Một chuyên gia khuyên rằng thời gian tách riêng kéo dài một phút trong mỗi tuổi của con bạn, trong khi một chuyên gia khác lại cho rằng con bạn nên tự quyết định thời gian tách riêng kéo dài trong bao lâu. Một cuốn sách khuyên bạn nên nói kiên quyết với con mình rằng “Không đánh nhau”, trong khi một cuốn sách khác lại khuyên bạn không nên dùng những từ phủ định như “không”, “đừng”. Có tác giả khuyến khích sự khen thưởng, trong khi một tác giả khác lại cho rằng phần thưởng chẳng khác gì vật đút lót.
Lượng lời khuyên quá lớn có thể gây bực mình và khó hiểu, nhưng nó cũng cho thấy rằng không có duy nhất một phương pháp kỉ luật đúng. Bạn là chuyên gia thực sự khi bạn biết cái gì hợp với bạn và con mình. Mặc dù những lời khuyên chuyên nghiệp thường hữu ích, chúng cần phải phù hợp với tính cách và quan niệm của bạn.
Năm phương pháp kỉ luật cơ bản
Hãy đọc kĩ các nhóm phương pháp kỉ luật sau và xem phương pháp nào phù hợp với bạn:
- Kỉ luật dựa trên ranh giới: Trẻ em cần có ranh giới để cảm thấy an toàn. Nếu trẻ không biết ranh giới đến đâu, chúng sẽ tự kiểm tra cho đến khi thấy ranh giới đó. “Điều gì sẽ xảy ra nếu mình ném thìa đi?” một đứa trẻ mới biêt đi vừa băn khoăn, vừa ném thìa ồn ào xuống nền nhà. “ “Hmm, hầu như chẳng có phản ứng gì. Thế sẽ ra sao nếu mình ném cả đĩa đi?”, Một bé lớn hơn một chút có thể thử nghiệm giới hạn bằng cách để bút chì màu với một mớ lộn xộn trên thảm trải nền nhà, hoặc loanh quanh mất cả tiếng đồng hồ chuẩn bị trước khi đi học.
Hãy nói rõ ràng với con về giới hạn bạn cho (chẳng hạn như, “Nhớ cất các thứ vào ví của mẹ khi con đã chơi xong”). Nếu điều này không có tác dụng, hãy đưa ra hậu quả. Cố gắng làm cho hậu quả phù hợp với lỗi sai. Ví dụ như, nếu con vứt ví, lược, và chìa khóa xe của bạn lung tung trên sàn phòng khách, con sẽ không được chơi ví trong một thời gian.
Bạn cũng nên dùng những “hậu quả tự nhiên”. Chẳng hạn như, nếu con bạn để quên mang hộp đồ ăn trưa, đừng gấp gáp mang nó đến trường vội, hãy để con trải nghiệm hậu quả mình gây ra
Hãy đưa ra “những lựa chọn có giới hạn” để con bạn có chút tự do. Lấy ví dụ, con gái 5 tuổi của bạn đang đánh rất mạnh vào chiếc đàn piano điện tử, với âm lượng ở mức to nhất. Với lí do bị đau đầu, bạn nhẹ nhàng nhắc con cho nhỏ âm lượng đi, nhưng bé không nghe lời. Hãy đưa ra lựa chọn: “Hoặc là con cho nhỏ âm lượng đi ngay, hoặc là mẹ sẽ cất đàn đi đến ngày mai đấy.” Điều này sẽ đưa trách nhiệm vào tay bé.
- Kỉ luật nhẹ nhàng: Trẻ em không thể học nhiều về ứng xử khi đang gào khóc. Bé (và cả bạn nữa) sẽ có lợi nhiều từ các biện pháp đơn giản hằng ngày – các chiến lược nhằm hạn chế các cơ hội ứng xử sai của bé.
Chẳng hạn như, hãy tạo ra những thói quen để bé thấy thân thuộc, vững vàng. Đưa ra các lựa chọn để cho con có quyền quyết định, như “Con muốn mặc bộ đồ ngủ màu đỏ hay màu xanh?” Đưa ra lời cảnh báo trước khi chuyển tiếp, như “Mẹ con mình cần phải rời sân chơi trong năm phút nữa.”
Trình bày các yêu cầu của bạn một cách tích cực. Chẳng hạn như “Con hãy nói cách nói của một cô gái đã lớn nào,” thay vì câu “Đừng lải nhải nữa.” Khi có thể, hãy dùng những câu có “khi, sau đó” để thay cho những câu chỉ toàn có Không, ví dụ như, “Khi ăn tối xong, lúc đó chúng ta có thể đi chơi”, thay vì “Không chơi bây giờ”.
Khi xảy ra hiện tượng ứng xử sai, hãy bình tĩnh. Đầu tiên, hãy tìm hiểu xem có vấn đề nào như mệt mỏi, chán chường, hay đói đang tiềm ẩn hay không. Một khi đã giải quyết được vấn đề nguyên nhân, hành vi ứng xử sai sẽ tự biến mất.
Nếu không, hãy nghĩ đến những điều mà tác giả Elizabeth Pantley gọi là túi thủ thuật. Đây là tập hợp lớn, gồm những trò chơi ngớ ngẩn, đánh lạc hướng, hướng đến vấn đề khác, và tự dỗ dành. Bạn có thể dùng bất kì bí quyết nào trong số trên khi cần thiết để lái cư xử của bé tốt hơn.
Chẳng hạn như, nếu bé không chịu tắm, đầu tiên hãy thử để khăn tắm “nói” với con với một giọng tinh nghịch. Nếu điều này không có tác dụng, bạn có thể thử một cái khác, như thừa nhận và đổi hướng (Mẹ biết thật là khó khăn khi phải làm những việc không muốn. Con xem thử xem chúng ta tắm nhanh như thế nào nhé. Mẹ sẽ đi lấy đồng hồ nhé.”)
- Kỉ luật tích cực: Trẻ cư xử tốt khi thấy mình được khuyến khích, và có cảm giác thân thuộc. Cư xử tồi thường thường xảy ra khi trẻ thấy chán, thất vọng.
Hãy trò chuyện với bé và cố gắng tìm ra nguyên nhân gây ra hành vi xấu của bé. Chẳng hạn như, đứa con gái ba tuổi của bạn không chịu mang đĩa ra bồn rửa bát. Có phải bé sợ sẽ đánh vỡ đĩa? Hay bé đang cố gắng tạo sự chú ý? Có thể điều đó sẽ mang lại cho bé chút quyền lực. Cũng có thể bé đang buồn về một điều gì khác, và đang cố gắng “kéo sự quan tâm của bạn”.
Một khi đã biết được nguyên nhân, bạn hãy khuyến khích con mình đúng hướng và tìm ra cách giải quyết. Ví dụ như, nếu bé đang thấy mình bất lực, bạn có thể khuyến khích bé bằng cách nói, “Mẹ con mình cần dọn bàn cho sạch. Con nghĩ giúp mẹ xem cần phải làm thế nào nhé?”
Trong kỉ luật tích cực, cư xử tồi được coi là cơ hội để học hỏi, và trẻ được khuyến khích tích cực để đưa ra cách giải quyết. Ngoài ra, cũng nên cho trẻ được trải nghiệm giải pháp bé đề ra.
Ví dụ, khi bé trai 8 tuổi của bạn đánh đổ soda ra đi văng, và cả hai mẹ con bạn đều quyết định rằng giải pháp là bé phải tự lau vết bẩn bằng hơi nước (bé phải thuê máy hơi nước bằng tiền tiêu vặt hàng tháng), bé có thể rất thích nhiệm vụ này. Điều này không có nghĩa là bé sẽ tiếp tục đánh đổ soda ra đi văng để được sử dụng máy hơi nước. Trái lại, nó giúp bé học được rằng phải có trách nhiệm với lỗi mình gây ra – và còn tốt hơn thế, bé phải đầu tư cho bài học của chính mình.
- Huấn luyện cảm xúc: Khi trẻ có thể nhận ra và hiểu cảm xúc của chính mình, trẻ sẽ có lựa chọn tốt hơn. Bạn có thể dạy bé, và điều này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa hai người.
Đưa ra chuẩn mực về hành vi được phép và không được phép. Phải đảm bảo chắc chắn con bạn hiểu rõ những chuẩn mực này, và trò chuyện với bé về cảm giác của bé trong một vài hoàn cảnh.
Chẳng hạn như, nếu bé vừa đánh nhau với các bạn trong khi một vài bạn khác sắp tới chơi, bạn có thể giải thích với bé rằng như thế sẽ là quá sức với bé. Khuyên bé rằng, nếu bé thấy bực mình, bé có thể về phòng mình ngồi một lát – nhưng đánh bạn thì không được.
Hãy học kĩ năng thông cảm. Có nghĩa là đặt bản thân mình vào tình huống của con: “Cảm xúc thực sự” của bé đằng sau hành vi cư xử sai đó là gì? Hãy phản ánh lại với bé, như “Thật khó khi chúng ta thực sự muốn một thứ gì đó, nhưng lại không thể có nó. Mẹ biết lúc này con đang rất thất vọng.”
Khi con biết bạn hiểu mình, bé sẽ tin tưởng bạn, và nhờ đó, bé sẽ cởi mở hơn khi bạn dạy bé về những lựa chọn có trách nhiệm. (“Chúng ta không thể lần nào nhìn thấy kẹo cũng mua được con ạ. Ăn nhiều kẹo nhiều quá không tốt cho sức khỏe đâu.”)
- Cải thiện hành vi: Nhấn mạnh tích cực giúp bé cư xử tốt hơn, còn nhấn mạnh tiêu cực giúp bé ít cư xử tồi đi. Phương pháp này tương tự như kỉ luật giới hạn vì nó nhấn mạnh các giới hạn và củng cố bằng hậu quả hết. Tuy nhiên, trong điều chỉnh hành vi, cảnh cáo và khen thưởng được nhấn mạnh nhiều hơn.
Cảnh cáo giúp con bạn nhận trách nhiệm tự dừng cư xử tồi. Ví dụ, nếu bé tranh luận với bạn vì bạn bảo bé không được ăn bánh trước bữa tối, đừng bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận. Hãy bảo bé rằng không được tranh luận nữa, và đây là cảnh cáo đầu tiên với bé. Nếu bé còn tiếp tục, đưa ra lời cảnh cáo thứ hai, và nếu bé không dừng lại, hãy bình tĩnh bảo bé thực hiện thời gian tách riêng (quá trình này chỉ nên ngắn, chỉ nên kéo dài vài phút)
Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, hãy đưa ra một hậu quả thay vì thời gian tách riêng. Ví dụ, nếu con bạn cứ liên tiếp trêu ghẹo con chó, và đủ lớn để biết nhiều hơn thế, bạn có thể cấm bé xem tivi vài ngày.
Khen thưởng khuyến khích trẻ làm tốt. Việc này có thể chỉ cần đơn giản là một lời khen của ba mẹ. Trong một vài trường hợp, bạn có thể thiết lập một hệ thống bảng với những phần thưởng cụ thể hơn. Ví dụ như, mỗi buổi sáng chuẩn bị xong đúng giờ đi nhà trẻ, bé sẽ được một sao trong bảng của mình. Khi bé được năm sao liền, bé sẽ được thưởng.
Tất nhiên, những miêu tả chung chung như thế này chưa thể nói lên tất cả. Không phải kỉ luật giới hạn không bao gồm những phương pháp ngăn ngừa, trên thực tế, nó có. Và kỉ luật nhẹ nhàng có bao gồm việc sử dụng hậu quả.
Trên thực tế, tất cả các phong cách đều pha trộn lẫn nhau. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ chúng nhấn mạnh cái gì hơn mà thôi. Hãy nghĩ về những màu sắc cơ bản – đỏ, xanh lam, và vàng, chúng không chứa yếu tố nào chung cả. Các phương pháp kỉ luật giống như màu cam, màu tía, và màu xanh lá cây, những màu này là sự pha trộn của các màu kia. Có màu nhiều màu đỏ, cũng có màu nhiều màu xanh da trời. Vậy còn bạn, phong cách kỉ luật của bạn là gì?
Theo BabyCenter
Medshop.vn dịch
Đánh giá