Nhu cầu giao tiếp
Nên nhớ trẻ sơ sinh chưa biết nói, chỉ biết khóc và cử động chân tay, thế nhưng chúng vẫn có cảm giác đau, lạnh, đói,…Nếu ai đọc bài giải mã tiếng khóc rồi, biết các bé khóc 2 - 3 tiếng một ngày là bình thường. Khi trẻ khó chịu vì điều gì, trẻ sẽ cho chúng ta tín hiệu qua các cử động cơ thể và nhiều khi trẻ vặn mình, ưỡn người chỉ để cho chúng ta biết trẻ đang khó chịu thôi, có thể là đói, lạnh, nóng, tã ướt, tư thế không thoải mái hay đơn giản chỉ là muốn được bế thôi.
Lúc này người mẹ là người có thể khám phá vì sao trẻ vặn mình: cho trẻ bú, thay tã, không quấn trẻ quá chật hay mặc quá nhiều quần áo, hoặc nhiệt độ quá lạnh, hay bế trẻ lên và trẻ ngưng vặn mình.
Vặn mình đơn giản là cách giao tiếp của trẻ, chỉ là chúng ta phức tạp hóa lên thôi.
Tiếng khóc dạ đề
Còn gọi là khóc dạ đề, hay khóc dã tràng, thuật ngữ y khoa gọi là Colic.Colic là một bí ẩn trong y khoa, cho đến giờ này, người ta vẫn chưa biết rõ tại sao một số trẻ khóc nhiều như vậy. Cách chuẩn đoán cũng khác lạ là nếu con bạn khóc hơn 6 - 7 giờ/ngày trong 2 tuần, có khả năng là bé bị colic. Trong thời gian này là một cuộc chiến của gia đình và bác sĩ. Cha mẹ có thể thử đổi sữa, uống thuốc giảm ứ hơi trong ruột, uống men tiêu hóa, bế con lên xe chạy vòng vòng, tức là muốn thử gì cứ thử, miễn là an toàn. Khi trẻ bị colic khóc nhiều kèm theo vặn vẹo khó chịu.
May mắn thay là colic lành tính và hầu hết trường hợp này sẽ tự hết khi tới 4 - 6 tháng.
Trào ngược dạ dày thực quản
Nếu con bạn vặn vẹo, ưỡn người, khóc sau khi bú, có thể bị trường hợp này. Đây là một hiện tượng sinh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 1 tuổi, khi dịch vị có tính acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản làm trẻ đau, khó chịu, trớ sữa nhiều, thở có mùi chua.
Tùy theo mức độ của tình trạng này mà sẽ có các biện pháp hỗ trợ, trị liệu khác nhau. Hầu hết trẻ sẽ tự khỏi trước 1 tuổi mà không cần điều trị gì.
Ngưng thở
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thật ra không thở đều như chúng ta, do trung tâm điều hòa hô hấp của não chưa trưởng thành nên các bé thường có kiểu thở ngắt quãng. Nhịp thở thường chậm dần và ngưng trong vài giây (không quá 20 giây và không gây tím), sau đó nồng độ CO2 trong máu tăng cao, kích thích trung tâm hô hấp làm trẻ thở lại và thở nhanh để bù vào lúc ngưng thở, sau đó lại chậm dần và ngưng thở. Chu kỳ này cứ tiếp diễn như vậy, thường khi 3 - 4 tháng trẻ sẽ tự hết. Một số mẹ lo lắng khi thấy con ngưng thở hay tự nhiên thở nhanh là do vấn đề này.
Ở trẻ sinh non, tình trạng này nặng hơn, có thể gây ngưng thở kéo dài gây nguy hiểm, thường cần điều trị để kích thích trung tâm hô hấp. Trong các cơn ngưng thở này, một số trẻ sẽ có tư thế ưỡn người, vặn vẹo.
Tình trạng này là sinh lý bình thường, không cần lo lắng, chỉ “cầu cứu” bác sĩ khi trẻ ngưng thở hơn 20 giây hay gây tím tái.
Rối loạn tự kỷ
Đôi khi tình trạng này có thể là một dấu hiệu sớm của tự kỷ, khi trẻ có rối loạn về giao tiếp xã hội, hay tránh tiếp xúc thân thể và không thích hay không hiểu khi được bế. Tuy nhiên, trẻ thường kèm theo các triệu chứng khác của tự kỷ như không có tiếp xúc bằng mắt, không cười, rối loạn ngôn ngữ,…. Vặn mình không phải là triệu chứng đặc hiệu của tự kỷ, nên không phải dùng để chuẩn đoán và không cần phải lo sợ khi trẻ vặn mình, trừ khi có các dấu hiệu khác kèm theo.
Coi chừng bại não
Khi trẻ có những cơn gồng ưỡn người, ngửa đầu, duỗi chân, co tay nhiều lần, nên nghĩ tới bại não. Đây là một tình trạng tổn thương chức năng vận động của não gây nên do nhiều nguyên nhân.
Nên chú ý phản xạ mê đạo trong vài tháng đầu đời (tonic labyrinthine reflex) gần giống như tình trạng này, tuy nhiên, nếu xảy ra nhiều và kéo dài sau 3 - 4 tháng tuổi cha mẹ nên nghĩ tới bại não.
Vàng da hay rối loạn động kinh?
Khi trẻ sơ sinh vàng da nặng, chất bilirubin sẽ ngấm vào mô não gây tổn thương não vĩnh viễn, gây những cơn co thắt cơ tạo ra tình trạng ưỡn người. Đây là một rối loạn động kinh hiếm gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, thường gặp ở trẻ khoảng 4 tháng tuổi, nhưng có thể sớm hơn.
Dạng động kinh này không có co giật cơ toàn thân, trẻ có thể có những cơn co gồng cơ, ưỡn người nặng kéo dài và không kiểm soát được.
Hội chứng nhai lại
Tình trạng này hiếm gặp ở trẻ nhỏ, thường gặp ở trẻ lớn hơn.Trẻ thường nuốt xong rồi trớ ngược lên, xong nhai rồi nuốt lại hay nhả ra.Khi trẻ cố gắng trớ ngược lên sẽ gây ưỡn người. Đây là một rối loạn về ăn và hay gặp ở người có vấn đề về tâm lý như lo lắng, trầm cảm, chậm phát triển, bị bạo hành,…
Qua nhiều nguyên nhân thống kê, chuyện vặn mình, ưỡn người ở trẻ nhỏ không liên quan gì tới thiếu canxi cả. Thiếu canxi là giải đáp không khoa học khi không thể giải thích các câu hỏi hay lo lắng về nhiều triệu chứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Làm gì khi trẻ vặn mình?
Trong các nguyên nhân kể trên, 3 nguyên nhân đầu là hay gặp nhất, nên biện pháp tốt nhất là bình tĩnh, an ủi, ôm ấp, thay đổi tư thế, thay đổi sự chú ý của trẻ, áp dụng các biện pháp giảm trào ngược nếu có trào ngược (giữ đầu cao, vỗ ợ,…). Không cần uống canxi, nhổ lông măng, hơ trầu như người ta vẫn hay truyền tai nhau.
BS. TRƯƠNG HOÀNG HƯNG
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Tăng cường miễn dịch bằng bí quyết tập luyện và dưỡng sức
Nước tiểu màu xanh có đáng lo?
Cảnh giác với sản phẩm phối hợp ginkgo biloba và cafein
Các bệnh thường gặp ở tuyến tiền liệt
Đánh giá