1. Đau vùng chậu là gì?
Vùng chậu nằm ở phần bụng dưới, những cơn đau vùng chậu ở phụ nữ có thể là triệu chứng phát sinh từ hệ thống sinh sản, tiết niệu hoặc hệ thống tiêu hóa hoặc từ cơ xương khớp. Tùy thuộc vào nguyên nhân phát sinh, cơn đau có thể âm ỉ hoặc rõ ràng, hoặc lan ra các nơi như lưng dưới, mông hoặc đùi.
Đau vùng chậu được phân loại thành cấp tính (cơn đau đột ngột và dữ dội), hoặc mạn tính (cơn đau đến rồi đi hoặc kéo dài trong khoảng thời gian vài tháng hoặc lâu hơn).
Theo BSCKII. Đỗ Thị Thủy - Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang, đau vùng chậu mạn tính ở phụ nữ chỉ những cơn đau có vị trí tại vùng khung chậu, giữa hai khớp háng, tồn tại ít nhất từ 6 tháng trở lên. Những cơn đau này thường không có điểm đau cụ thể mà thường lan tỏa toàn vùng khung chậu.
Đau vùng chậu mạn tính có thể xuất phát từ tổn thương tại chỗ nhưng trong phần lớn các trường hợp là triệu chứng của một số bệnh khác, thậm chí ở ngoài khung chậu.
Biểu hiện đau vùng chậu mạn tính ở phụ nữ thường khác nhau. Có người bị đau dữ dội, liên tục, đau âm ỉ, ngắt quãng. Hoặc chỉ biểu hiện bằng cảm giác tức nặng vùng tiểu khung. Một số khác cơn đau chỉ xuất hiện khi đứng lên, ngồi xuống và đỡ hơn khi nằm nghỉ…
Tình trạng này khiến cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, ăn ngủ kém, thậm chí suy nhược cơ thể, trầm cảm.
2. Những nguyên nhân phổ biến gây đau vùng chậu ở phụ nữ
BSCKII. Đỗ Thị Thủy cho biết, đau vùng chậu ở phụ nữ do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân sau:
2.1. Lạc nội mạc tử cung
Đây là tình trạng mô từ niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, có thể ở trong ổ bụng. Khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu, lớp tế bào này đáp ứng với các hormone nên gây xuất huyết theo đúng chu kỳ. Vì nó xảy ra bên ngoài tử cung nên máu và mô không thể thoát ra khỏi cơ thể qua âm đạo mà vẫn ở trong bụng, tụ thành những nang nhỏ hoặc những dải sẹo xơ dính gây đau.
2.2. Viêm vùng chậu mạn tính
Điều này có thể xảy ra nếu nhiễm trùng lâu dài, thường lây truyền qua đường tình dục, gây ra sẹo liên quan đến các cơ quan vùng chậu gây đau.
2.3. U xơ tử cung
Những khối u xơ tử cung có thể gây ra áp lực hoặc cảm giác nặng nề ở vùng bụng dưới. Chúng hiếm khi gây đau nhói trừ khi bị thiếu nguồn cung cấp máu và bắt đầu thoái hóa.
2.4. Viêm bàng quang
Tình trạng này có liên quan đến cơn đau tái phát ở bàng quang và nhu cầu đi tiểu thường xuyên. Phụ nữ có thể bị đau vùng chậu khi bàng quang đầy và tình trạng này có thể cải thiện tạm thời sau khi đi tiểu.
2.5. Hội chứng xung huyết vùng chậu
Hội chứng xung huyết khung chậu do các búi tĩnh mạch giãn căng quanh tử cung buồng trứng gây nên, nhiều khi cũng khởi phát những cơn đau âm ỉ quanh khung chậu ở phụ nữ.
2.6. Buồng trứng còn sót lại sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng, một phần nhỏ của buồng trứng có thể vô tình bị sót lại bên trong và sau đó phát triển thành u nang gây đau.
2.7. Các vấn đề về cơ xương khớp
Các tình trạng ảnh hưởng đến xương, khớp và hệ thống cơ xương như: đau cơ xơ hóa, căng cơ sàn chậu, viêm khớp mu hoặc thoát vị có thể dẫn đến đau vùng chậu.
2.8. Hội chứng ruột kích thích
Các triệu chứng liên quan đến hội chứng ruột kích thích như: sôi bụng, đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy có thể là nguyên nhân gây đau và tức vùng chậu.
2.9. Yếu tố tâm lý
Trầm cảm, căng thẳng kéo dài hoặc có tiền sử lạm dụng tình dục… có thể làm tăng nguy cơ đau vùng chậu mạn tính. Những cảm xúc mệt mỏi, đau khổ cũng thường làm cho cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
3. Làm gì khi có biểu hiện đau vùng chậu?
Đau vùng chậu mạn tính ở phụ nữ là một tình trạng phức tạp có thể do nhiều nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, cơn đau có thể là triệu chứng của một số tình trạng bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, viêm bàng quang, hội chứng ruột kích thích, vấn đề về cơ xương khớp…
Thậm chí cả yếu tố tâm lý cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Vì vậy, chị em cần đi khám khi nghi ngờ cơn đau có liên quan đến các yếu tố bệnh lý để can thiệp kịp thời.
Theo BS. Đỗ Thị Thủy, những cơn đau mạn tính vùng chậu ở phụ nữ có thể không do nguyên nhân tổn thương thực thể, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện cơn đau như trên cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám.
Người bệnh cần được thăm khám lâm sàng kết hợp với một số xét nghiệm như: cấy máu, nước tiểu, dịch tiết âm đạo; chụp X-quang khung chậu, siêu âm ổ bụng, có thể nội soi, chụp MRI… để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị.
Đối với nguyên nhân do bệnh lý, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp. Đối với nguyên nhân do yếu tố tâm lý có thể dùng thuốc giảm đau kết hợp thực hiện lối sống và ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi, tránh căng thẳng kéo dài... cũng góp phần cải thiện hiệu quả tình trạng này.
Medshopvn sưu tầm
Theo SKĐS
Đánh giá