30 July, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) khá phổ biến và dễ dàng chữa khỏi. Nhưng nếu không được điều trị, căn bênh này có thể gây vô sinh cho phái nữ.
Chlamydia là gì?
Chlamydia là một bệnh STD có thể lây nhiễm cho cả nam giới và nữ giới. Nó có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng vĩnh viễn đến cơ quan sinh sản của người phụ nữ, khiến người bệnh khó có thai sau này. Chlamydia cũng làm tăng nguy cơ thụ thai ngoài tử cung (chửa ngoài dạ con).
Cơ chế lây nhiễm
Một người có thể bị lây nhiễm Chlamydia khi quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng với người bị nhiễm bệnh.
Nếu “đối tác” tình dục của bạn là nam, bạn vẫn có thể bị nhiễm Chlamydia ngay cả khi người đó không xuất tinh.
Nếu bạn đã từng bị Chlamydia và đã được điều trị trong quá khứ, bạn vẫn có khả năng bị tái nhiễm nếu quan hệ tình dục không an toàn với một người bị Chlamydia.
Nếu bạn đang mang thai, bạn có thể lây Chlamydia cho thai nhi.
Cách phòng tránh
Cách duy nhất để tránh STD là không quan hệ tình dục bất kể bằng đường nào.
Khi bạn đang có quan hệ vợ chồng với một người đã được xét nghiệm là nhiễm STD, hãy sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi bạn thực hiện chuyện chăn gối.
Ai có nguy cơ bị Chlamydia ?
Bất cứ ai quan hệ tình dục không an toàn đều có nguy cơ nhiễm Chlamydia. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra cao hơn ở những người trẻ tuổi. Điều này là do những hành vi và những nguy cơ sinh học phổ biến trong giới trẻ. Gay, lưỡng tính, và những người đàn ông có quan hệ tình dục với nam giới đều có nguy cơ bị Chlamydia lây lan qua việc quan hệ đường miệng hoặc hậu môn.
Những người phụ nữ trẻ dưới 25 tuổi, phụ nữ mang thai và những người có nguy cơ cao khác nên được xét nghiệm Chlamydia hàng năm.
Nếu bạn đang mang thai và bị nhiễm Chlamydia, bạn có thể truyền bệnh cho em bé trong quá trình sinh nở. Căn bệnh này có thể gây nhiễm trùng mắt hoặc viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Chlamydia cũng gây nguy cơ sinh non ở bà mẹ.
Vì vậy, nếu đang mang bầu, bạn nên đi xét nghiệm Chlamydia ở lần khám tiền sản đầu tiên. Kiểm tra và điều trị là những cách tốt nhất để ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe.
Dấu hiệu bị Chlamydia
Hầu hết những người bị Chlamydia đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng sẽ không xuất hiện cho đến vài tuần sau khi người đó có quan hệ tình dục với bạn tình bị nhiễm bệnh. Ngay cả khi Chlamydia không gây ra triệu chứng gì, nó vẫn có thể phá hỏng cơ quan sinh sản của bạn.
Các triệu chứng thường gặp ở nữ giới:
- Tiết dịch âm đạo bất thường
- Bị nóng rát khi đi tiểu
Các triệu chứng thường gặp ở nam giới:
- Dương vật có dịch
- Bị nóng rát khi đi tiểu
- Đau và sưng ở một hoặc cả hai tinh hoàn (triệu chứng này ít phổ biến)
Đàn ông và phụ nữ cũng có thể bị nhiễm Chlamydia trong trực tràng, lây lan bằng đường quan hệ tình dục qua âm đạo hoặc hậu môn, và điều này có thể gây ra chảy máu hoặc đau trực tràng.
Bạn nên đi kiểm tra nếu bạn và “đối tác” nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào, chẳng hạn như bị đau bất thường, dịch có mùi hôi, đi tiểu rát, hoặc chảy máu giữa chu kỳ.
Cách kiểm tra bệnh
Có thể chẩn đoán Chlamydia bằng cách xét nghiệm. Các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cung cấp mẫu nước tiểu hoặc sử dụng tăm bông lấy mẫu từ âm đạo để kiểm tra Chlamydia.
Có thể chữa khỏi Chlamydia không?
Có, nếu điều trị đúng, Chlamydia hoàn toàn được chữa khỏi. Điều quan trọng là bạn phải tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ và sử dụng tất cả những loại thuốc đã được bác sĩ kê toa. Thuốc có thể ngăn chặn nhiễm trùng và hạn chế những biến chứng sau này. Mỗi người sẽ có một cách điều trị riêng, không nên tham khảo của người khác và tự ý điều trị.
Tôi đã điều trị Chlamydia. Tôi có thể quan hệ tình dục tiếp không?
Bạn không nên quan hệ tình dục cho tới khi cả bạn và “đối tác” đã hoàn tất việc điều trị. Nếu bác sĩ kê một liều thuốc duy nhất, nên quan hệ tình dục sau ít nhất 7 ngày kể từ khi dừng thuốc. Nếu bác sĩ kê thuốc theo toa 7 ngày, nên sử dụng hết tất cả các liều trước khi quan hệ tình dục.
Điều gì xảy ra nếu tôi không được điều trị?
Những thiệt hại ban đầu mà Chlamydia gây ra thường không được chú ý. Tuy nhiên, chúng có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Đối với nữ giới, Chlamydia khi không được điều trị có thể lây lan đến tử cung và ống dẫn trứng, gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID). PID thường không có triệu chứng, nhưng một số phụ nữ có thể đau bụng và đau vùng chậu. Ngay cả khi không có triệu chứng ban đầu, PID có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến cơ quan sinh sản của phái nữ và dẫn đến đau vùng chậu lâu dài, vô sinh hoặc mang thai ngoài tử cung.
Đàn ông ít gặp các vấn đề về sức khỏe liên quan đến Chlamydia hơn. Việc nhiễm bệnh đôi khi lan đến ống dẫn tinh trùng từ tinh hoàn, gây đau và sốt, nhưng hiếm khi gây vô sinh.
Chlamydia nếu không được điều trị cũng gây tăng nguy cơ bị nhiễm HIV.
K.Trâm
(Theo Centers for Disease Control and Prevention)
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Tác hại của phụ gia thực phẩm đối với sức khỏe trẻ em
Hậu sản: Mẹ không thể chủ quan
Giải quyết trục trặc kinh nguyệt tuổi dậy thì
Phát hiện sớm ung thư dương vật
Đánh giá