03 August, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Tuyến sinh dục nam là gì?
Tuyến sinh dục nam chính là tinh hoàn. Ngoài sản sinh ra các tế bào sinh dục còn sinh ra hormon sinh dục testosteron có tác dụng đối với sự xuất hiện giới tính nam cũng như thúc đẩy quá trình sinh sản ở nam giới. Hoạt động của tinh hoàn chịu sự thúc đẩy của hormon FSH (Follicle-stimulating hormone) và LT (luteinizing hormone). Hai loại hormon này do tuyến yên tiết ra.
Tinh hoàn bắt đầu hoạt động khi nam giới bước vào tuổi dậy thì dưới tác động của hormon tuyến yên tiết ra làm cho các tế bào kẽ giữa các ống sinh tinh trong tinh hoàn tiết ra hormon sinh dục nam testosteron. Testosteron tạo ra những biến đổi ở tuổi dậy thì như lớn nhanh, cao vượt, mọc râu, mọc lông mu, ria mép, cơ bắp phát triển, bộ phận sinh dục ngoài to ra, mụn trứng cá, xuất tinh lần đầu…
Nguyên nhân gây suy tuyến sinh dục nam
Testosteron là nội tiết tố sinh dục nam cần thiết nhất cho hoạt động tình dục như kích thích tinh hoàn sản sinh tinh trùng đủ chất và số lượng, kích thích làm cương dương vật và kích thích xuất tinh. Khi tuyến sinh dục nam bị suy yếu, chức năng chính của tinh hoàn sẽ suy giảm, đó là giảm (hoặc không) sản xuất testosteron hoặc giảm (hoặc không) tạo tinh trùng hoặc cả hai.
Cần cảnh giác với bệnh quai bị ở trẻ trai có thể gây suy giảm sinh dục nam.
Có nhiều nguyên nhân gây ra suy giảm tuyến sinh dục nam. Nguyên nhân tiên phát (gặp đầu tiên) ở người không có tinh hoàn, hoặc do sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn vì một bệnh lý nào đó, vì vậy, sẽ không có cơ quan sản xuất testosteron. Nguyên nhân thứ phát là do mắc bệnh nhiễm trùng (lao tinh hoàn, lao mào tinh hoàn); bệnh quai bị biểu hiện ở tinh hoàn…; do tác động chiếu xạ (tác nhân viêm tinh hoàn do chiếu tia X), ung thư tinh hoàn hoặc do hội chứng Klinefelter (tinh hoàn teo nhỏ, cứng, không có tinh trùng) hoặc do tinh hoàn ẩn hoặc do chấn thương tinh hoàn...
Hệ lụy từ suy tuyến sinh dục nam
Giảm ham muốn tình dục cùng với rối loạn cương dương là các dấu hiệu sớm biết đến. Rối loạn cương dương là một biểu hiện đáng buồn nhất của nam giới do suy tuyến sinh dục, đó cũng chính là một trong các nguyên nhân không thể thụ tinh. Một số trường hợp không xuất tinh được (rất khó xuất tinh, trong khi sự cương dương đã giảm) hoặc xuất tinh yếu, thậm chí xuất tinh ngược.
Một số trường hợp bị giảm nhạy cảm ở đầu dương vật hoặc thấy dương vật, tinh hoàn nhỏ đi, trong khi vú có thể to ra.
Đối với toàn trạng có thể xuất hiện thiếu nhiệt tình trong công việc, thiếu bền bỉ, chịu đựng, dễ bị bức xúc, cảm xúc bực bội, giảm hứng thú sống, buồn chán, thậm chí trầm cảm.
Chẩn đoán có khó?
Chẩn đoán được dựa trên khai thác bệnh sử của người bệnh, khám thực thể toàn diện và kết quả xét nghiệm. Các xét nghiệm đánh giá ban đầu bao gồm định lượng testosteron, FSH và LH (tốt nhất lấy máu từ 8 đến 10 giờ sáng).Testosteron giảm kèm theo FSH và LH tăng chứng tỏ suy sinh dục tiên phát, trong khi testosteron giảm kèm theo FSH, LH giảm hoặc bình thường chỉ ra suy sinh dục thứ phát.
Nguyên tắc điều trị
Điều trị suy tuyến sinh dục nam không đơn giản, bởi vì, suy tuyến sinh dục nam liên quan đến rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Chúng ta đều biết, để điều trị vô sinh ở nữ giới đã khó và đối với điều trị suy tuyến sinh dục nam là cả một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì mà không phải ai cũng có thể làm được.
Có nhiều nguyên nhân gây suy tuyến sinh dục nam rất khó hồi phục (ví dụ do tia X, ung thư, bệnh quai bị…). Tuy vậy, để điều trị có kết quả tốt, người bệnh cần được khám chuyên khoa Nam học tại cơ sở y tế có uy tín. Trên cơ sở đó xác định nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân. Các bác sĩ thường kê cho bệnh nhân dùng các thuốc có chứa testosteron. Bên cạnh đó người bệnh nên có tinh thần thoải mái, không lo lắng, tin tưởng vào việc điều trị và dinh dưỡng tốt. Trong quá trình điều trị không nên sử dụng các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, cà phê, chất cay nóng…).
Và phòng ngừa…
Để phòng ngừa suy tuyến sinh dục nam, các đấng mày râu cần duy trì cho mình một lối sống lành mạnh, tránh thức khuya, sinh hoạt bừa bãi, quan hệ tình dục quá độ. Các bé trai đến tuổi dậy thì cần được giáo dục để có một lối sống lành mạnh, tránh hoạt động tình dục sớm, vô độ, tránh các nguyên nhân đã nêu ở trên gây suy tuyến sinh dục. Tiêm vắc xin để phòng tránh các bệnh có thể gây ra suy tuyến sinh dục như bệnh quai bị, lao…
PGS.TS. BS. Bùi Khắc Hậu
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Giúp con chăm sóc bản thân ngày “đèn đỏ”
Tinh dịch màu vàng - Có phải là bệnh?
Sản phụ tiếp xúc với không khí ô nhiễm, con dễ bị tăng huyết áp
Đánh giá