02 August, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Khi khám bệnh bác sĩ có thể sẽ đo thể tích tinh hoàn (TH). Vì các ống sinh tinh và các tế bào mầm chiếm khoảng 90% thể tích TH, nên nếu số lượng các tế bào này giảm thì thể tích TH cũng sẽ giảm hay teo TH. Thể tích TH ở người Việt Nam và châu Á khoảng 12-25ml. Ngoài ra, bác sĩ còn khám xem mào tinh có căng to không, bệnh nhân có ống dẫn tinh (ÔDT) hay không... Chỉ cần đôi bàn tay kinh nghiệm là đủ biết chính xác 99% trường hợp bệnh nhân có bị tắc ÔDT hay không. Vô sinh do tắc có thể do bẩm sinh (không có ÔDT) hay do mắc phải (do viêm nhiễm hay chấn thương gây ra). Khái niệm này cũng có thể dành cho một số người sau khi thắt ÔDT để triệt sản muốn có con trở lại.
Các xét nghiệm cần thiết
Xét nghiệm nội tiết sinh dục: Đó là định lượng các nội tiết FSH, LH, testosteron để giúp phân biệt vô sinh do tắc hay vô sinh do TH không sinh tinh. Nếu nồng độ FSH tăng cao chứng tỏ TH giảm sinh tinh hoặc không sinh tinh. Tuy nhiên, có một số trường hợp nồng độ FSH vẫn bình thường nhưng TH không sinh tinh.
Sinh thiết tinh hoàn: Giúp phân biệt giữa vô sinh do tắc và vô sinh do TH không sản xuất tinh trùng.
Siêu âm bìu: Không giúp được nhiều nhưng có thể giúp phát hiện giãn tĩnh mạch tinh, các u TH, các nang mào tinh và tràn dịch tinh mạc.
Siêu âm qua trực tràng: Giúp thấy hình ảnh của tuyến tiền liệt, túi tinh, nang ống phóng tinh (nếu có). Từ đó, giúp chẩn đoán nguyên nhân tắc do ống phóng tinh hay do bất sản bẩm sinh ÔDT.
Các phương pháp lấy tinh trùng điều trị vô sinh do tắc ống dẫn tinh.
Các xét nghiệm di truyền: Thường chỉ cần thực hiện xét nghiệm trên đột biến gen CFTS là nguyên nhân thường gặp của vô sinh do tắc bẩm sinh gây ra bất sản ÔDT hai bên.
Làm sao để điều trị?
Tắc ở tại TH (tắc tại các ống xuất nối TH với mào tinh): Do không thể phẫu thuật nối thông đường dẫn tinh tại vị trí này, nên bệnh nhân chỉ có thể có con bằng thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) với tinh trùng được lấy ra từ TH bằng phẫu thuật mở TESE hay bằng kim hút TESA.
Tắc tại mào tinh: Chích tinh trùng từ mào tinh có thể bằng vi phẫu thuật MESA hay hút tinh trùng từ mào tinh qua da PESA. Đây là biện pháp giúp những bệnh nhân vô sinh do tắc bất sản ÔDT hai bên, vô sinh do tắc mắc phải đường dẫn tinh mà không thể phẫu thuật nối được. Thông thường, một lần thực hiện MESA, PESA đủ cung cấp tinh trùng cho nhiều lần TTTON nhờ trữ lạnh. Tỷ lệ thụ thai trong thụ tinh trong ống nghiệm là khoảng 30%. Tuy nhiên, vi phẫu thuật nối ÔDT với ống mào tinh cho kết quả thành công cao hơn có thai tự nhiên và hiệu quả kinh tế hơn là TTTON. Phẫu thuật nối kiểu lồng hai mũi có tỷ lệ thông thường là khoảng 80%. Tỷ lệ có thai tự nhiên là khoảng 60%.
Tắc tại ÔDT nằm trong bìu: Đây là các trường hợp bệnh nhân muốn có con lại sau khi triệt sản bằng thắt ÔDT. Bác sĩ sẽ nối lại ÔDT bằng vi phẫu thuật. Tỉ lệ thành công có thể tới trên 90% nếu thời gian thắt không quá 3 năm.
Tắc ÔDT trong bụng: Không thể phẫu thuật nối được nhưng bệnh nhân vẫn có thể có con bằng TTTON với tinh trùng từ TH hay mào tinh.
Tắc ống phóng tinh: Có thể điều trị bằng cắt đốt nội soi ống phóng tinh. Phẫu thuật này giúp khoảng 60% BN có tinh trùng trở lại trong tinh dịch. Tỉ lệ thụ thai tự nhiên 20-30%. Các biến chứng của phẫu thuật này là xuất tinh ngược dòng do tổn thương bàng quang, ngược dòng nước tiểu trong các ống tinh, túi tinh, OODT, tổ thương trực tràng, tiểu không kiểm oát do tổn thương cơ vòng vân niệu đạo, tổn thương niệu đạo, rối loạn cương dương. Các biện pháp thay thế cho cắt ống đốt nội soi ống phóng tinh là trích tinh trùng từ TH, mào tinh để TTTON.
TS.BS. Nguyễn Thành Như
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Tinh dịch màu vàng - Có phải là bệnh?
Sản phụ tiếp xúc với không khí ô nhiễm, con dễ bị tăng huyết áp
Ra huyết âm đạo bất thường có đáng lo?
Đốm trắng trên móng tay "tố" bệnh gì?
Đánh giá