30 July, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Người thân và ngay chính người phụ nữ sau sinh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ sau sinh cũng quan trọng không kém thời gian mang thai.
Người phụ nữ trong thời kì hậu sản (sau sinh thường hoặc sau mổ) có những thay đổi sinh lý trong cơ thể đòi hỏi cần sự chăm sóc cũng như theo dõi hợp lý. Việc chăm sóc hậu sản đúng cách sẽ giúp cho sản phụ phục hồi tốt hơn và nhanh hơn, góp phần giúp giảm bớt stress cho cuộc sống trong thời kỳ này.
Chế độ dinh dưỡng
Sau khi sinh bà mẹ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá mức vì bà mẹ rất cần lấy lại sức và tạo sữa nuôi con. Nhiều quan niệm xưa cho rằng không nên ăn một số loại thức ăn vì có thể gây hại cho cơ thế (ví dụ như: ăn cam sẽ bị chảy nước vàng, ăn hải sản sẽ bị sẹo lồi, tuy nhiên theo y học hiện nay những quan điểm đó là không chính xác. Việc bị chảy dịch vàng hay sẹo lồi là do cơ địa sinh lý của mỗi cá nhân, không liên quan đến thức ăn. Vì thế nếu kiêng khem không đúng cách sẽ làm sản phụ thiếu đi những chất dinh dưỡng cần thiết.
Để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cần ăn đa dạng các nhóm thức ăn, mỗi bữa ăn cần có đầy đủ 3 nhóm chất:
- Tinh bột: cơm, mì, bún, khoai lang, khoai tây…
- Đạm: thịt bò, thịt heo, gia cầm, trứng, đậu, sữa.
- Chất béo: dầu, trứng, các loại thịt
Ngoài ra các loại thức ăn sau cũng vô cùng cần thiết:
- Chất xơ từ các loại rau, trái cây. Chất xơ rất cần thiết giúp tạo khối phân, tránh táo bón. Nhiều sản phụ sau sinh đối mặt với tình trạng táo bón, việc rặn quá mức khi đại tiện có thể ảnh hưởng không tốt đến vết may tầng sinh môn, vết mổ; góp phần làm bung vết may hoặc vết mổ.
- Nước: hơn 80% cơ thể là nước, sữa mẹ cũng có thành phần chủ yếu nước vì thế nước là một chất vô cùng thiết yếu cho cơ thể. Mỗi ngày sản phụ cần cung cấp ít nhất từ 2 đến 3 lít nước để đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể.
Một vài loại thực phẩm tạo mùi mạnh như các loại gia vị, hành, tỏi khi ăn sẽ để lại mùi trên cơ thể, và các loại mùi này có thể gây khó chịu cho bé và làm bé lười bú mẹ.Tương tự, nếu trong thời gian này mẹ có sử dụng nước hoa cũng có thể làm bé bỏ bú vì cơ thể mẹ có mùi lạ.Chính vì thế, mẹ nên hạn chế ăn những thức ăn tạo mùi mạnh hay dùng nước hoa trong thời gian này.
Giữ vệ sinh đúng cách
Có quan điểm cho rằng thời gian hậu sản cần phải ở cữ, không được tắm rửa, phải ủ ấm, nằm than, hơ lửa, sẽ tránh được mắc bệnh sau này. Tuy nhiên, đó là một sai lầm:
- Thứ nhất, việc không tắm rửa hằng ngày sẽ làm vi khuẩn tích tụ trên cơ thể, biến cơ thể thành 1 ổ vi khuẩn, từ đó dễ sinh ra các bệnh nhiễm trùng, cũng như gây nhiễm cho bé khi người mẹ tiếp xúc chăm sóc cho bé
- Thứ hai, nằm than là một hành động rất nguy hiểm, vì khi đốt than sẽ sinh ra khí CO - là một loại khí độc, tuy nhiên lại không màu, không mùi, không vị. Người hít phải loại khí này sẽ bị ảnh hưởng hô hấp, dần hôn mê và có thể tử vong. Vì thế không nên nằm than trong thời gian hậu sản vì rất nguy hiểm cho mẹ và bé, đặc biệt là trong 1 phòng kín.
- Thứ ba, việc hơ nóng cơ thể sẽ làm cho tử cung bị dãn ra, từ đó làm cho tử cung co hồi kém dẫn đến tái phát chảy máu âm đạo trở lại, trường hợp nặng cần phải nhập viện để điều trị.
Như vậy, thời gian hậu sản chúng ta cần tắm rửa mỗi ngày, vệ sinh vùng vết may tầng sinh môn và chặn lại bằng khăn vải hoặc khăn giấy để giữ cho vết may khô, cũng cần vệ sinh vết may theo cách tương tự sau mỗi lần đi đại tiện. Tương tự, vết mổ cũng cần phải giữ cho khô ráo, và trường hợp vết mổ được may bằng chỉ không tan, các bà mẹ nên đến trung tâm y tế gần nhà để cắt chỉ.
Không cần thiết phải nhét bông gòn vào tai để giữ ấm vì không có hiệu quả, hơn nữa có nguy cơ bông gòn bị lọt sâu vào bên trong tai và gây ra những phiền toái không đáng có.
Chế độ vận động hợp lý
Các bà mẹ sau khi sinh xong sẽ được nằm theo dõi một thời gian. Nếu tình trạng ổn định sẽ được chuyển qua phòng hậu sản.Ngày đầu tại phòng hậu sản, sản phụ nên tập vận động sớm, từ việc xoay trở tại giường, ngồi dậy, rồi đi lại.Việc vận động sớm sẽ giúp cho cơ thể mau lấy lại sức, giảm bớt đau, giúp cho việc tống thoát sản dịch tốt hơn. Ngoài ra còn giúp tăng cường miễn dịch cho mẹ, cũng như tránh được các biến chứng loét tì đè do nằm lâu.
Cần lưu ý rằng trong những giờ đầu, do cơ thể chưa hồi phục tốt nên có thể xảy ra té ngã nếu như thay đổi tư thế một cách đột ngột. Vì thế, các bà mẹ khi chuyển từ tư thế nằm sang ngồi, cần có 1 khoảng nghỉ ngắn chừng vài phút để bớt chóng mặt, quen với tư thế rồi mới bước xuống giường. Có thể cần thêm sự giúp đỡ từ người thân hỗ trợ trong thời gian này.Khi có thể tự đi lại một mình, các bà mẹ có thể sinh hoạt như 1 người bình thường.
Ngoài ra có một số bài tập thể dục, giúp cho các cơ vùng tầng sinh môn trở nên khỏe hơn. Từ đó phòng tránh táo bón, đồng thời cũng phòng nguy cơ bị sa các cơ quan vùng sinh dục sau này.
Chăm sóc vú và cho con bú sữa mẹ
Thời kì hậu sản cũng là thời kì các bà mẹ lên sữa, đây là một nguồn thức ăn rẻ mà lại bổ dưỡng cho trẻ sơ sinh.Việc lên sữa có thể làm cho các bà mẹ bị sốt nhẹ trong vài ngày đầu.
Có 3 vấn đề thường xảy ra với các bà mẹ trong giai đoạn này là chậm lên sữa non, cho bú sai và đau vú:
- Việc lên sữa non có thể diễn ra chậm hơn ở 1 số người, vì thế dễ dẫn đến tâm lý chán nản, suy nghĩ tiêu cực rằng mình không có sữa cho con bú. Tuy nhiên không phải như vậy, phần lớn chỉ là do việc lên sữa bị chậm mà thôi. Việc này có thể giải quyết bằng cách cho bé ngậm mút vú mẹ, mặc dù thời gian đầu có thể chưa có sữa, nhưng sau đó do kích thích từ động tác bú của bé, sữa mẹ sẽ về. Vì thế, các bà mẹ tạm thời chưa có sữa trong những ngày đầu cần phải kiên trì cho bé bú vú mẹ để kích thích tạo sữa
- Một số bà mẹ trong quá trình cho bé bú thấy sữa ở bên vú còn lại chảy ra, vì thấy tiếc nên đổi cho bé từ bú vú bên này sang vú bên kia. Hoặc có các bà mẹ có thói quen cho con bú đều 2 bên vú ở mỗi cữ bú. Tất cả các cách đó đều mắc sai lầm.
Sữa mẹ từ lúc mới bắt đầu bú cho đến khi bú sắp hết 1 bên vú có thành phần rất khác nhau.Lúc mới bắt đầu bú, thành phần chủ yếu là nước, càng về sau thành phần đạm và chất béo càng nhiều. Vì thế nếu các bà mẹ chỉ cho bé bú trong giai đoạn đầu mà không cho bú hết hoàn toàn một bên vú, điều đó cũng giống như việc chỉ cho bé ăn cơm trắng mà không có thịt cá, đồ ăn… bé sẽ bị thiếu chất và tăng cân không hợp lí. Vì thế nên cho bé bú hết hoàn toàn 1 bên vú, nếu bé vẫn chưa đủ cho bé bú thêm vú còn lại.
- Đau vú trong thời kì hậu sản thường là do căng sữa. Nguyên nhân là do các bà mẹ không làm trống bầu vú hoàn toàn sau mỗi cứ bú. Tình trạng căng sữa nếu không chữa trị hợp lí sẽ dẫn đến viêm vú, ápxe vú và các biến chứng nặng hơn.
Vì thế, sau mỗi cữ bú, nếu các bà mẹ nhận thấy vú còn sữa, nên vắt sữa ra để cho vú trống hoàn toàn.Sữa mẹ vắt ra có thể bảo quản trong ngăn đông của tủ lạnh để dùng cho bé sau này.Việc vắt sữa làm trống bầu vú không chỉ làm giảm đau vú mà còn kích thích việc tạo sữa để mẹ có nguồn sữa dồi dào hơn.
Chăm sóc bé sơ sinh
- Những ngày đầu sau sinh, mẹ nên tập trung quan sát bé đễ dễ nhận ra các bất thường một cách sớm nhất. Cần quan sát màu sắc da bé, nếu thấy bé bị tím, hoặc vàng da… hoặc thấy bé có tiếng thở bất thường, lồng ngực bị rút lõm cần báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
- Quan sát các cữ bú của bé, nếu bé bú đủ thường sẽ không quấy khóc, ngủ ngoan từ 2 đến 3 tiếng và tăng cân đều đặn hợp lý. Bé cần phải tăng khoảng 1 kilogram mỗi tháng trong vòng 3 tháng đầu tiên.
- Quan sát việc tiểu tiện, đại tiện của bé. Một em bé bình thường sẽ đi tiêu phân su trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ sau khi sanh.Nếu quá thời gian này mà bé chưa đi tiêu phân su thì cần báo cho bác sĩ để được đánh giá và thăm khám tình trạng tắc ruột.
- Giữ ấm cho bé. Trẻ sơ sinh dễ bị mất nhiệt vào môi trường dẫn đến hạ thân nhiệt, vì thế cần phải giữ cho trẻ đủ ấm. Để làm điều này đúng cách, các bà mẹ nên chọn cỡ quần áo phù hợp với kích thước của bé, chất liệu dày vừa phải, chú ý dùng nón, bao tay và bao chân cho trẻ. Khi tả ướt, cần thay tả để tránh làm cho trẻ bị lạnh.
Tuy nhiên cũng không nên ủ bé quá mức bằng cách mặc quá nhiều đồ, quấn xung quanh bé 2 - 3 lớp khăn.Bởi vì điều đó sẽ làm cho thân nhiệt bé tăng cao, gây khó chịu cho bé. Ngoài ra bé còn có thể bị hăm tả, rơm sẩy, nổi mẩn đỏ trên da…
- Chăm sóc mắt và rốn đúng cách: không nên nhỏ bất cứ thứ gì vào mắt của bé nếu không có chỉ định của bác sĩ, bởi vì nếu nhỏ dung dịch không hợp lý vào mắt bé sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, ảnh hưởng đến thị giác sau này. Trường hợp các bà mẹ bắt gặp con mình bị đỏ mắt, chảy nhiều ghèn cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn điều trị đúng cách.
Đối với chăm sóc rốn: sau khi tắm bé hàng ngày, cần giữ cho vùng rốn bé khô ráo, thoáng khí để giúp rốn mau khô và rụng. Không nên băng tả lót lên trên vùng rốn vì có thể gây đè ép, tạo vết hằn trên da bụng bé; đồng thời cũng làm cho rốn lâu khô.
Lời khuyên của thầy thuốc
Cơ thể sau khi sinh có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, thêm vào đó là việc phải chăm trẻ sơ sinh ngày đêm, người phụ nữ rất cần sự giúp đỡ, quan tâm của người thân trong gia đình.Mọi người cần chia sẻ, chăm sóc phụ giúp một số sinh hoạt trong nhà để người phụ nữ có thể tranh thủ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Sự đồng cảm, chăm sóc của người chồng trong thời gian này cũng là một yếu tố quan trọng góp phần giải tỏa bớt áp lực tâm lý, giúp người phụ nữ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc đảm nhận tốt thiên chức làm mẹ của mình.
BS. VÕ HOÀI DUY
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Những lợi ích bất ngờ của vitamin B5
Cần phát hiện sớm các chứng bệnh viêm gan
Lo lắng, trầm cảm ảnh hưởng thai nhi thế nào?
Đánh giá