30 July, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Viêm gan là tình trạng các tế bào bị tổn thương và viêm nhiễm trong mô gan. Bệnh diễn biến âm thầm và chỉ khi trở nặng mới có các triệu chứng rõ ràng khiến người bệnh khó chủ động điều trị và có thể biến chứng thành ung thư gan, xơ gan...
Nguyên nhân gây viêm gan
Viêm gan siêu vi: Tùy vào loại virut gây bệnh mà con đường lây nhiễm sẽ khác nhau. Cụ thể, viêm gan virut B, C, D lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Còn bệnh do virut A, E lây qua đường ăn uống.
Viêm gan không siêu vi: Nguyên nhân gây bệnh do các yếu tố ngoài virut. Cụ thể:
Rượu: Là thức uống có hại gây độc và suy giảm chức năng gan, là tác nhân chính dẫn tới viêm gan.
Béo phì: Người béo phì có nguy cơ gan nhiễm mỡ cao hơn người bình thường. Tình trạng mỡ tích tụ trong gan cũng là nguyên nhân bệnh viêm gan nhiều người gặp phải.
Do bệnh lý: Bệnh tiểu đường, lao... làm tăng nguy cơ mắc viêm gan cao gấp 2 lần.
Ăn mặn: Thừa muối là nguyên nhân làm tăng huyết áp, giữ nước trong gan, trướng gan, viêm gan, xơ gan...
Lạm dụng thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây tổn thương gan nếu bị lạm dụng.
Hóa trị: Bệnh nhân ung thư, u bướu trải qua hóa trị có thể mắc viêm gan do ảnh hưởng của thuốc.
Siêu âm ổ bụng phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh về gan. Ảnh: TM
Triệu chứng của bệnh viêm gan
Thông thường, có đến 80% trường hợp viêm gan không có biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, người bệnh có thể căn cứ vào những dấu hiệu viêm gan điển hình nhất để xác định tình trạng bệnh lý:
Vàng da: Là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh. Triệu chứng vàng da toàn thân, vàng móng tay và vàng niêm mạc mắt xuất hiện ở đa số bệnh nhân bị viêm gan, nhất là khi bệnh tăng nặng.
Mẩn ngứa, phát ban: Trên cơ thể người bệnh xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ, xuất huyết dưới da gây khó chịu, ngứa ngáy.
Đau bụng: Gan là bộ phận nằm ở khoang bụng bên phải, phía dưới xương sườn nên khi bị viêm gan, người bệnh sẽ cảm thấy đau tức vùng bụng, có thể kèm theo đau mỏi chân tay.
Bề mặt móng tay lồi lõm: Khi độc tố tích tụ trong gan, trên móng tay sẽ xuất hiện các đường trắng bạc hoặc đường vân lồi lõm dễ nhận biết.
Mệt mỏi, chán ăn: Với người bệnh viêm gan khi gan không hoạt động bình thường, các chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi, chán ăn, trướng bụng kèm sốt nhẹ.
Sự khác nhau giữa các bệnh viêm gan virut A, B, C, D, E
Viêm gan virut A: Do virut viêm gan A (HAV) gây ra. HAV lây truyền từ người sang người qua đường phân, miệng, rất hiếm qua đường máu. Viêm gan virut A có thể xảy ra lẻ tẻ hoặc bùng phát thành dịch. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, sau khi khỏi người bệnh có miễn dịch đặc hiệu lâu bền.
Biểu hiện khi mắc bệnh: Bệnh thường xảy ra đột ngột, sốt nhẹ, rất mệt, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng, tiểu ít màu rất vàng. Sau 7 - 10 ngày xuất hiện vàng da, vàng mắt, khi bắt đầu vàng da thì hết sốt. Sau 4 - 6 tuần bệnh lui dần, xuất hiện tiểu nhiều, vàng da, vàng mắt hết, nhưng phải mất 1 - 2 tháng người bệnh mới hồi phục hoàn toàn.
Viêm gan virut B: Do virut viêm gan b (HBV) gây ra. HBV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với máu và chế phẩm từ máu, dịch tiết của cơ thể, qua quan hệ tình dục và có thể lây từ mẹ sang con. 85 - 90% người trưởng thành mắc bệnh có diễn biến cấp tính, 10% diễn biến thành thể mạn tính (40% bệnh nhân thể mạn tính sau này có nguy cơ xơ gan, ung thư gan nguyên phát). Riêng với trẻ nhỏ bị lây truyền từ mẹ, 90% sẽ ở thể mạn tính.
Biểu hiện khi mắc bệnh: Bệnh nhân biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa. 7-10 ngày sau hết sốt và xuất hiện vàng da. Bệnh diễn biến khoảng 4-6 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp mắc bệnh ở thể tối cấp, hôn mê và tử vong trên 95% số trường hợp.
Viêm gan virut C: Do virut viêm gan C (HCV) gây ra. HCV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với máu, chế phẩm từ máu, qua quan hệ tình dục và từ mẹ truyền sang con. 40 - 60% bệnh nhân bị viêm gan C sẽ chuyển thành thể mạn tính, có nguy cơ phát triển thành xơ gan và ung thư gan nguyên phát trong tương lai.
Các dấu hiệu bệnh thường xảy ra thầm lặng, chán ăn, đầy bụng, buồn nôn. Tuy nhiên chỉ khoảng 25% số trường hợp mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng.
Viêm gan virut D: Do virut viêm gan D (HDV) gây ra. HDV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với máu, chế phẩm từ máu, qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, HDV luôn đồng nhiễm với HBV hoặc bội nhiễm trên bệnh nhân có HBsAg (+).
Vì HDV đồng nhiễm hoặc bội nhiễm trên bệnh nhân có HBsAg (+) nên bệnh thường có biểu hiện đột ngột với các triệu chứng như bệnh viêm gan virut B, có thể tự khỏi nhưng có số ít trường hợp bệnh diễn biến rất nặng (nếu đồng nhiễm viêm gan virut B) hoặc trở thành viêm gan mạn tính.
Viêm gan virut E: Do virut viêm gan E (HEV) gây ra. HEV lây truyền từ người sang người bằng đường phân - miệng và qua nước bị nhiễm bẩn. Viêm gan virut E có thể xuất hiện lẻ tẻ hoặc thành dịch. Biểu hiện của bệnh: Bệnh biểu hiện lâm sàng như viêm gan virut A, không trở thành mạn tính, tuy nhiên rất nguy hiểm ở phụ nữ mang thai.
Khi có các biểu hiện mắc bệnh, bệnh nhân cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Việc nhận biết và phát hiện sớm dấu hiệu viêm gan sẽ giúp bác sĩ điều trị dễ dàng, đề phòng biến chứng có thể mắc phải.
BS. Tuấn Đạt
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Lo lắng, trầm cảm ảnh hưởng thai nhi thế nào?
Giải pháp dành cho người tiểu đêm nhiều lần
Làm gì khi trẻ thiếu máu thiếu sắt?
Đánh giá