Một bệnh nhân nam 36 tuổi, chưa có gia đình, đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với lý do sưng đau tinh hoàn bên trái.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết từ trước đó một ngày, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau âm ỉ vùng bụng quanh rốn. Tuy nhiên, bệnh nhân cho rằng đó chỉ là triệu chứng của bệnh đường ruột nên bệnh nhân đã đi khám tại phòng tư nhân. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm dạ dày và được kê đơn các thuốc kháng sinh, giảm đau và bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Sau dùng thuốc, cơn đau vẫn tiếp tục âm ỉ tới sáng ngày hôm sau và lan dần xuống dưới tinh hoàn. Khi sờ vào tinh hoàn trái, bệnh nhân thấy tinh hoàn cứng chắc và rất đau. Lúc đó, bệnh nhân mới "tá hỏa" đến bệnh viện để thăm khám.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, TS.BS Nguyễn Hoài Bắc - Khoa Nam học và Y học Giới tính cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán: Xoắn thừng tinh bên trái ngày thứ hai và được chỉ định mổ cắt bỏ tinh hoàn vì tinh hoàn đã bị hoại tử.
Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho ra viện và hẹn tái khám sau một tháng để tiến hành đặt tinh hoàn nhân tạo.
Theo BS. Bắc, việc cắt bỏ tinh hoàn tuy không gây ảnh hưởng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe chung của cơ thể, nhưng lại gây ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe sinh sản và tình dục.
Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa, nếu phát hiện sớm, phẫu thuật kịp thời sẽ cứu được tinh hoàn. Đây là bệnh lý cấp tính do thừng tinh bị xoắn vặn nhiều vòng làm mất nguồn máu vào nuôi dưỡng tinh hoàn, dẫn đến tinh hoàn thiếu máu và hoại tử.
Bệnh thường có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên lứa tuổi hay gặp nhất vẫn là lứa tuổi dậy thì 13 - 19 tuổi. Thông thường, bệnh biểu hiện bằng cơn đau đột ngột, dữ dội, cấp tính ở tinh hoàn bên bị xoắn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khởi điểm của cơn đau không xuất phát từ tinh hoàn mà từ vùng bụng như trường hợp trên nên thường gây tâm lý chủ quan cho cả người bệnh và thầy thuốc.
"Thời gian thiếu máu tinh hoàn càng lâu, tinh hoàn hoại tử càng nhiều. Nếu đến sớm trước 6 giờ kể từ khi có triệu chứng đau cấp tính thì khả năng giữ được tinh hoàn là 95% nhưng nếu đến muốn quá 24 giờ thì khả năng bảo tồn chỉ còn khoảng 10%. Vì vậy, người bệnh cần hết sức cảnh giác không nên chủ quan khi thấy có triệu chứng đau cấp tính để tránh những hậu quả đáng tiếc" - chuyên gia Nam học cho hay.
Những điều người bệnh nên làm:
- Không ngại ngần, đi khám ngay lập tức khi có triệu chứng đau cấp tính tinh hoàn, vùng bẹn hoặc vùng bụng dưới.
- Lựa chọn những cơ sở y tế uy tín. Người bệnh nhân lựa chọn những cơ sở Y tế có chuyên khoa Nam học để được thăm khám, chuẩn đoán và xử trí kịp thời tránh điều đáng tiếc xảy ra.
Lê Nguyên
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Dùng bao cao su có bị lây bệnh tình dục?
Nguyên nhân gây ngứa “vùng kín”
Đánh giá