Nhau cài răng lược ngày càng phổ biến
Nhau thai là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Nhau thai có nhiều tác dụng khác nhau, như cung cấp dinh dưỡng, bài tiết chất thải, hỗ trợ hô hấp cho thai nhi.
Khi kết thúc quá trình sinh sản, nhau thai không còn chức năng nhiệm vụ nên sẽ tự bong, được tống xuất ra ngoài, khoảng 30 phút sau sinh; hoặc được các bác sĩ bóc tách, trong trường hợp sinh mổ. Tuy nhiên, trong trường hợp NCRL tổ chức nhau thai đã có sự bám dính vào tử cung ở những mức độ khác nhau, khiến bánh nhau không thể bong một cách tự nhiên, gây nên tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu. Nghiêm trọng hơn, NCRL còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của thai phụ, trong một số trường hợp phải ưu tiên cứu sống tính mạng thai phụ mà không thể giữ lại thai nhi.
NCRL là từ chung dùng mô tả bệnh cảnh lâm sàng khi một phần hay toàn bộ bánh nhau xâm lấn, không thể tách rời khỏi thành tử cung. Tùy theo mức độ của sự xâm lấn mà được phân thành nhiều mức độ khác nhau:
NCRL Accreta: Gai nhau bám trực tiếp lên bề mặt tử cung (79% trường hợp).
NCRL Increta: Gai nhau xâm nhập sâu vào trong cơ tử cung (14% trường hợp).
NCRL Percreta: Gai nhau xâm nhập xuyên qua cơ tử cung đến lớp thanh mạc tử cung hoặc xâm lấn qua các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột,...(7% trường hợp).
Có thể hiểu đơn giản, NCRL “bám rễ” vào tử cung, mức độ “bám rễ” của bánh nhau vào tử cung càng sâu thì mức độ nguy hiểm càng cao. Khi vượt quá lớp tử cung, “rễ nhau” có thể bám sang các cơ quan xung quanh và tiếp tục lan rộng. Dù ở thể nào thì NCRL cũng đều là hiểm họa tiềm tàng đối với thai phụ. Nếu xét theo mức độ nguy hiểm, thì sự nguy hiểm tăng dần theo mức độ xâm lấn, nghĩa là thể accereta ít nguy hiểm hơn thể increte. Nguy hiểm nhất là thể percreta.
NCRL đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo thống kê tại một số bệnh viện chuyên ngành phụ sản, trường hợp NCRL tại các bệnh viện có sự gia tăng trong những năm gần đây.
Thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ gần đây cho biết, tỷ lệ NCRL đã gia tăng từ 1:2510 (năm 1980) lên 1:533 (năm 2002). Cá biệt một nghiên cứu được thực hiện năm 2016 trên các sản phụ được điều trị nội trú cho thấy, tỷ lệ này lên đến 1: 272, cao hơn tất cả những thống kê được thực hiện trước đây.
Cũng như các trường hợp bất thường đối với vị trí bánh nhau khác, nguyên nhân gây ra tình trạng NCRL chưa thực sự rõ ràng. Có nhiều giả thuyết cho rằng, tình trạng này nhưng chưa có kết luận mang tính tổng kết đúng với bản chất của NCRL.
Dù nguyên nhân NCRL chưa được xác định rõ ràng, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ gặp phải NCRL như sau:
- Tiền sử mổ lấy thai: Một số thống kê cho thấy, mổ lấy thai làm gia tăng tỷ lệ gặp phải tình trạng nhau tiền đạo ở những lần sau sinh. Tỷ lệ này gia tăng từ 0.3% đối với người đã từng mổ lấy thai một lần và tăng lên đến 6.7% đối với những trường hợp mổ lấy thai từ năm lần trở lên.
- Tiền sử nhau thai tiền đạo: Nhau tiền đạo cũng là một nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ gặp phải NCRL, theo thống kê tỷ lệ này gia tăng từ 3% lên đến 67% đối với trường hợp đã bị nhau tiền đạo từ 1- 5 lần trước đó.
- Tiền căn sẹo mổ trên tử cung do mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung: Ở nhóm sản phụ bị nhau tiền đạo có tiền căn mổ trên thân tử cung thì tỉ lệ NCRL lần lượt là 11% cho vết mổ cũ 1 lần, 40% cho vết mổ cũ 2 lần, 61% cho vết mổ cũ 3 lần
- Nhóm sản phụ có độ tuổi trên 35 tuổi: Sự thay đổi sức khỏe sinh lý của cơ thể độ tuổi trên 35 cũng làm tăng nguy cơ gặp phải NCRL. Nhóm sản phụ có số lần sinh con nhiều cũng có nguy cơ NCRL.
Kẻ thù “kép”
Nếu nhau tiền đạo là một vấn đề cần thận trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và thai nhi, thì mức độ nguy hại của NCRL lại ở một mức cảnh báo cao hơn. NCRL có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:
- Xuất huyết cấp, nặng: NCRL là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất máu cấp cho sản phụ trong quá trình trước, trong và sau sanh. Khoảng 90% sản phụ NCRL phải truyền máu, trong đó >40% truyền hơn 10 đơn vị máu. Tử vong mẹ: 7% dù đã chuẩn bị kỹ việc truyền máu, chăm sóc trước, trong và sau phẫu thuật kỹ.- Sinh non: Sản phụ NCRL có thể sẽ phải chấm dứt thai kỳ sớm nếu có biến chứng xảy ra (để bảo vệ tính mạng mẹ), trong khi thai vẫn còn non tháng. Hệ quả của một trẻ non tháng: suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng, khó nuôi, thậm chí tử vong,...
Y khoa hiện đại, niềm hy vọng mới
Là một bệnh lý hiếm gặp, nhưng không thể phòng, các biện pháp thăm khám từ sớm chỉ có tác dụng hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn tính mạng của thai phụ, nâng cao tỷ lệ có thể giữ lại thai nhi.
Như một nan đề của y học, khi tiến bộ của y khoa hiện đại chưa thể đảm bảo hoàn toàn sự thành công. Khi khát vọng thiêng liêng quá lớn, người ta không muốn giải pháp “chọn mẹ, không chọn con”. Nhiều người đã tự tìm đến các phương pháp đồn thổi, được “cam đoan” an toàn tuyệt đối, để rồi xảy ra nhiều hậu quả thương tâm.
Dù không thể đảm bảo chắc chắn sự thành công cho các trường hợp NCRL, nhưng khoa học hiện đại ngày nay đã mang đến ít nhiều hy vọng cho các sản phụ không may gặp phải NCRL. Các ca phẫu thuật được hỗ trợ bởi đội ngũ bác sĩ phẫu thuật mạch máu, chuyên khoa niệu,… cùng các bác sĩ sản khoa, đã giúp nâng cao tỷ lệ thành công, bảo toàn sức khỏe trong nhiều ca phẫu thuật. Các kỹ thuật mới cũng đã được thử nghiệm, áp dụng như phẫu thuật bóc tách nhau sau khi bánh nhau thoái hóa, cũng là một trong những bước tiến mới trong lĩnh vực này.
Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, những bước tiến trong việc thăm khám, theo dõi và xử lý các trường hợp NCRL đang từng bước được triển khai, mang đến những niềm hy vọng mới. Do đó, nếu không may gặp phải tình trạng NCRL, sản phụ cần thăm khám theo dõi tại các chuyên khoa, tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân và giúp thai nhi được chào đời khỏe mạnh.
ThS.BS NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Độ pH âm đạo - “Thước đo” sức khỏe của “vùng kín” phụ nữ
Mắc bệnh đau dạ dày nên ăn gì?
Tăng huyết áp khi mang thai có đáng lo?
3 dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng ở giai đoạn nặng
Đánh giá