Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo của nam giới, có chức năng quan trọng đối với quá trình sinh sản, vì đây là bộ phận sản sinh ra tinh dịch và vận chuyển tinh trùng. Ung thư TTL hình thành do tế bào TTL phát triển không bình thường hoặc mất kiểm soát.
Mặc dù nguyên nhân gây ra ung thư TTL hiện chưa được làm rõ, nhưng theo một số nghiên cứu, ung thư TTL bị ảnh hưởng bởi gene và chế độ ăn của người bệnh. Những người ăn nhiều chất béo sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Giai đoạn I: Mô ung thư chỉ được phát hiện ở TTL, trông giống như một mô TTL bình thường.
Giai đoạn II: Khối u có thể phát hiện thông qua thăm khám trực tràng, sinh thiết hay xét nghiệm PSA trong máu. Ở giai đoạn này các tế bào ung thư chưa có dấu hiệu di căn sang các bộ phận khác, nhưng đã có dấu hiệu phát triển nhanh hơn giai đoạn I.
Giai đoạn III: Tế bào ung thư đã xâm lấn sang các mô xung quanh TTL, ngoài ra có thể lây lan sang túi tinh.
Giai đoạn IV: Tế bào ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết, trực tràng, bàng quang hay thậm chí tới các bộ phận xa như xương, gan, phổi.
Ung thư TTL nếu được phát hiện và điều trị đúng cách có thể chữa khỏi.
Ung thư TTL tuy phát triển chậm nhưng bệnh có thể di căn lan sang các khu vực khác đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết. Phần lớn người bệnh khám và phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn do ung thư TTL cũng có những triệu chứng tương tự như các bệnh khác như bệnh tăng sản TTL lành tính. Thông thường ở giai đoạn đầu ung thư TTL hầu như không có triệu chứng. Nó chỉ được phát hiện khi chẩn đoán có PSA cao trong lần khám bệnh định kỳ.
Giai đoạn đầu một số biểu hiện của ung thư TTL như: Các biểu hiện thể hiện sự xâm lấn hoặc chèn ép gây tắc thấp đường tiết niệu: đái khó, đái dắt, đái máu, đôi khi bí đái. Đôi khi có biểu hiện tắc niệu quản. Hiếm gặp hơn, có thể có biểu hiện chèn ép, gây tắc nghẽn ở trực tràng hoặc cương đau dương vật, xuất tinh ra máu.
Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ có một số biểu hiện như: Di căn xương: đau xương, gãy xương bệnh lý... Các hội chứng về thần kinh do u di căn đốt sống gây chèn ép tủy sống: yếu liệt hai chi dưới, liệt nửa người... Muộn hơn có thể gặp di căn não, phổi, gan, dạ dày, tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa. Hội chứng cận ung thư: Hội chứng Cushing, hội chứng kháng hormon chống bài niệu, hội chứng tăng hoặc giảm can xi huyết. Hội chứng thiếu máu, đông vón nội mạc rải rác.
Ung thư TTL đôi khi tiến triển trên nhiều người bệnh rất âm thầm không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu thấy những dấu hiệu sau, bạn cần đến thăm khám bác sĩ để được thăm khám, tư vấn kịp thời: Cảm thấy mắc tiểu thường xuyên hay bất thình lình. Thấy tiểu tiện khó khăn (ví dụ khó tiểu khi bắt đầu hay không tiểu được khi mắc tiểu hay nước tiểu chảy ra yếu). Khó chịu khi đi tiểu, thấy có máu trong nước tiểu hay tinh dịch, đau ngang thắt lưng, bắp vế hay hai bên hông...
Thông thường, bệnh phát triển chậm trong giai đoạn đầu, nếu phát hiện và điều trị sớm người bệnh có thể sống được nhiều năm, thậm chí có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh chuyển biến sang mức độ nặng thì tốc độ phát triển bệnh rất nhanh chóng, thậm chí có thể gây tử vong. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu bất thường, nam giới nên đi khám ngay, để có chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư TTL, tùy từng trường hợp, tùy từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ lựa chọn, kết hợp các phương pháp khác nhau nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Giới y khoa khuyến cáo nam giới ở độ tuổi sau 40 nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe của mình trước căn bệnh ung thư TTL bởi càng phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao.
BS. Tâm Anh
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Lựa chọn thực phẩm theo thuyết âm dương
SOS: Hơn 50% phụ nữ trung niên thừa cholesterol
Mối quan hệ phức tạp giữa cân nặng và buồng trứng đa nang PCOS
Cảnh báo về nguy cơ dùng thuốc giảm đau NSAID khi mang thai
Đánh giá