04 January, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Bụng được phân chia một cách tương đối, dựa vào rốn làm mốc, thành bốn vị trí, đó là trên rốn (thượng vị), dưới rốn (hạ vị, bụng dưới), bên trái rốn là hố chậu trái, bên phải rốn là hố chậu phải. Như vậy, hạ vị hay dưới rốn hay bụng dưới chỉ là một vùng của bụng.
Những bệnh nào có thể gây đau bụng dưới?
Đau bụng chỉ là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau của bụng. Bụng dưới chưa nhiều cơ quan trong đó đại tràng, trực tràng, ruột thừa, niệu quản dưới, bàng quang, tiểu khung, phần phụ ở nữ (tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, âm đạo…), tiền liệt tuyến (nam giới). Vì vậy, khi bất kỳ một cơ quan nào ở trong bụng dưới lâm bệnh đều thể hiện bằng triệu chứng đau.
Cần lưu ý là một số trường hợp cùng một lúc có hơn một bộ phận trong bụng dưới bị đau, chúng tác động qua lại và gây nên đau bụng dưới (ví dụ, bệnh phụ khoa ở nữ giới tác động, chèn ép bàng quang gây viêm và cả hai bệnh đều gây đau bụng dưới).
Đáng lo ngại nhất là viêm ruột thừa gây đau bụng ở hố chậu phải
Trước hết phải kể đến là các bệnh về đường tiêu hóa, đáng lo ngại nhất là viêm ruột thừa gây đau bụng ở hố chậu phải. Đau ở hố chậu phải còn có thể là bệnh viêm đại tràng (viêm đại tràng xích ma, viêm đại tràng co thắt, hội chứng ruột kích thích), hoặc polyp đại tràng, polyp trực tràng, hoặc đau do sỏi niệu quản phải, nhất là khi sỏi niệu quản bị tắc ở chỗ ngoặt ở đoạn 1/3 dưới. Đôi khi sỏi bàng quang có thể gây đau âm ỉ ở hố chậu phải, nhất là sỏi gây nhiễm trùng bàng quang. Ở nữ giới, đau hố chậu phải còn có thể biểu hiện của viêm phần phụ, u nang buồng trứng xoắn, vỡ, chửa ngoài dạ con vỡ hoặc đau bụng kinh…
Đau hố chậu trái có thể sỏi niệu quản trái (đoạn 1/3 dưới), bệnh của đại tràng xuống (viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng xích ma, viêm đại tràng co thắt, polyp đại tràng…), hoặc do bệnh của trực tràng (viêm, loét, polyp, phình tĩnh mạch, u chèn ép…), hoặc do viêm phần phụ, u nang buồn trứng xoắn, vỡ (nữ giới).
Bụng dưới gặp khá nhiều loại bệnh gây đau bụng, bệnh của bàng quang (viêm bàng quang, sỏi, u, lao, ung thư bàng quang…), bệnh của tiền liệt tuyến (nam giới), bệnh tiểu khung, phần phụ (nữ giới) như: viêm âm đạo, cổ tử cung, đau bụng kinh… Bất kỳ bệnh gì thuộc vùng bụng dưới khi lâm bệnh, ngoài triệu chứng đau còn có các triệu chứng khác kèm theo. Ví dụ, sốt, tiểu rắt, buốt, tiểu nhiều, tiểu đục trong bệnh nhiễm trùng bàng quang; tiểu rắt, khó, buốt, tiểu són trong bệnh tăng sinh tiền liệt tuyến lành tính ở nam giới…
Trong các bệnh ở bụng dưới gây đau cần hết sức đề phòng là các bệnh mang tính chất cấp cứu, bởi vì, có thể lẫn lộn giữa bệnh mạn tính và bệnh cấp cứu. Ở một người có bệnh mạn tính về đại tràng hoặc đường tiết niệu, nếu gặp phải bệnh viêm ruột thừa cấp hoặc bệnh u nang buồng trứng xoắn, vỡ hoặc chửa ngoài dạ con dọa vỡ hoặc vỡ (nữ giới), nếu chủ quan hoặc ít hiểu biết có thể dẫn đến bệnh tình cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng (viêm ruột thừa vỡ hay ung nang buồng trứng vỡ, chửa ngoài tử cung vỡ sẽ dẫn đến choáng nhiễm trùng, tính mạng người bệnh sẽ bị đa dọa), nếu cấp cứu không kịp thời. Viêm ruột thừa vỡ, cho dù cấp cứu kịp thời hạn chế tử vong nhưng hậu quả để lại rất nặng nề (tắc ruột, dính ruột xảy ra bất cứ lúc nào).
Khi bị đau bụng dưới nên làm gì?
Bụng dưới chứa đựng rất nhiều các cơ quan khác nhau. Vì vậy khi một trong các cơ quan đó bị bệnh đều gây đau, thậm chí làm ảnh hưởng đến các cơ quan khác (chèn ép, lây lan mầm bệnh gây viêm nhiễm …) cũng gây đau, nếu không am hiểu kỹ về chuyên môn, tự chẩn đoán, tự điều trị sẽ rất nguy hiểm cho bản thân hoặc người nhà bị đau bụng dưới. Khi đau bụng dưới, cần bình tĩnh và khẩn trương đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và chữa trị, không phân biệt là nam hay nữ, trẻ em hay người lớn hay người có tuổi.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để đề phòng các bất trắc xảy ra khi đau bụng dưới, những người mắc các bệnh về tiêu hóa (viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, polyp đại trực tràng…), bệnh về tiết niệu (viêm, sỏi, u…), bệnh về tiền liệt tuyến (nam giới), bệnh về phụ khoa, phần phụ (nữ giới), cần tích cực điều trị để bệnh chóng khỏi không nên để bệnh thành mạn tính. Bởi vì, các bệnh mạn tính này thỉnh thoảng gây dau bụng dưới và sẽ rất nguy hiểm nếu cùng xuất hiện các bệnh có tính chất cấp cứu như: viêm ruột thừa, u nang buồng trứng xoắn, vỡ, chửa ngoài tử cung… (nữ giới).
TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Đừng để áp lực học hành đè nặng vai trẻ
Thai lưu, ảnh hưởng sức khỏe thế nào?
Đánh giá