14 November, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Nó có thể là khó ngủ hoặc ngủ không sâu. Nó cũng có thể dẫn đến thức dậy sớm hơn mong muốn. Giấc ngủ thường được báo cáo là có chất lượng kém, không đủ sâu một thời gian dài. Do đó, những người bị mất ngủ phải chịu các triệu chứng ban ngày như kém chú ý, dễ cáu gắt và thiếu năng lượng. Vậy khi mất ngủ thì phải làm gì, bài viết sẽ chia sẻ với bạn đọc về vấn đề này.
Biểu hiện và hệ lụy của mất ngủ
Bị coi là mất ngủ, khó ngủ khi xảy ra ít nhất 3 đêm mỗi tuần trong hơn 3 tháng. Mất ngủ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ban ngày, dẫn đến 1 hoặc nhiều triệu chứng sau: Mệt mỏi hoặc buồn ngủ ban ngày; Khó chịu (cảm thấy không khỏe); Sự chú ý hoặc tập trung kém; Hiệu suất kém (mắc lỗi, tai nạn); Giảm năng lượng hoặc mất động lực; Các vấn đề về hành vi (nghĩa là: hiếu động, bốc đồng, gây hấn); Không có khả năng ngủ trưa; Nhức đầu, đau dạ dày và than phiền đau mạn tính.
Ngoài các triệu chứng ban ngày ở trên, rối loạn tâm trạng như lo lắng hoặc trầm cảm thường liên quan đến chứng mất ngủ. Trầm cảm có thể liên quan đến việc thức dậy vào sáng sớm và khó ngủ trở lại. Lo lắng có thể khiến tâm trí bạn ù đi vào ban đêm làm bạn phải cố gắng để ngủ. Khi giấc ngủ trở nên khó có được, điều này có thể thúc đẩy sự lo lắng bùng lên làm cho vấn đề này tồi tệ hơn và tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Hơn nữa, mất ngủ có thể ảnh hưởng đến mức serotonin và chức năng của thùy trán của não. Thùy trán chịu trách nhiệm cho các chức năng điều hành khác nhau, là chìa khóa trong việc đưa ra các lựa chọn hợp lý và các tương tác xã hội phù hợp. Sự suy giảm có thể rất quan trọng, đến nỗi mất khả năng ngăn chặn những suy nghĩ tự tử hoặc thậm chí là sự thúc đẩy đến tự sát.
Tránh các hoạt động kích thích và những tình huống căng thẳng trước khi đi ngủ.
Truy tìm nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ, trong đó có rối loạn lịch thức ngủ trong ngày như lịch làm việc thay đổi bất thường, làm việc theo ca không thường xuyên (53% công nhân ca đêm ngủ gật ít nhất 1 lần trong tuần), do thay đổi múi giờ chênh lệch như khi đi du lịch đến các vùng có mức chênh lệch múi giờ từ 6-24 giờ.
Sử dụng các chất kích thích não: cà phê, trà, thuốc lá, rượu, các loại thuốc có tính kích thích. Do ăn nhiều nặng bụng trong đêm, ăn nhiều chất kích thích...
Thói quen của người ngủ cùng: thí dụ như ngáy. Ngoài ra, các yếu tố môi trường: ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, thoáng khí... cũng gây tình trạng mất ngủ.
Đối với người bị mất ngủ/ rối loạn giấc ngủ kéo dài trên 1 tháng (mất ngủ mạn tính): Nhóm nguyên nhân này chủ yếu gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý cơ thể hoặc bệnh lý tâm thần. Bệnh lý đa khoa: dị ứng, viêm khớp, bệnh tim, tăng huyết áp, hen phế quản... Ngoài ra, ước tính có khoảng 35 - 50% trường hợp mất ngủ mạn tính có thể liên quan đến bệnh lý tâm thần (qua một nghiên cứu về mất ngủ năm 2005 ở TP.HCM nhận thấy trong số các trường hợp mất ngủ có 14,5% bị bệnh tâm thần).
Các loại bệnh tâm thần có thể gây mất ngủ: trầm cảm, hưng cảm. Rối loạn lo âu lan tỏa. Rối loạn stress sau chấn thương (PTSD). Nghiện (rượu và các chất dạng thuốc phiện). tâm thần phân liệt, bệnh sa sút trí tuệ.
Các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ như: chứng ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ... Ngoài ra, còn một số tình trạng sinh lý cũng có thể dẫn tới mất ngủ như: mãn kinh, đang trong kỳ kinh, có thai, sốt, đau...
Thay đổi thói quen để phòng ngừa mất ngủ
Điều trị chứng mất ngủ chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp với điều trị nguyên nhân nếu xác định được nguyên nhân gây mất ngủ. Vấn đề chẩn đoán xác định cũng như chỉ định điều trị nên theo ý kiến của thầy thuốc. Ngoài ra, cần thay đổi thói quen là một số biện pháp phòng ngừa mất giấc ngủ như: Đảm bảo phòng ngủ phải yên tĩnh, phòng tối và mát; tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt... có thể cản trở giấc ngủ. Hãy thử sử dụng một máy âm thanh hoặc nút tai để giấu tiếng ồn bên ngoài, mở cửa sổ hoặc quạt để giữ cho căn phòng mát mẻ. Sử dụng rèm cửa hoặc mặt nạ ngủ để ngăn chặn ánh sáng.
Cố định một lịch ngủ: hỗ trợ đồng hồ sinh học bằng cách đi ngủ và thức dậy vào đúng giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần, ngay cả khi đang mệt mỏi. Điều này sẽ giúp bạn có thể quay lại chu kỳ giấc ngủ thường xuyên. Tránh ngủ trưa quá nhiều: ngủ trưa trong ngày có thể làm cho khó khăn hơn để ngủ vào ban đêm. Bạn có thể ngủ một giấc ngủ ngắn, tối đa đến 30 phút và dậy trước 15h.
Tránh các hoạt động kích thích và những tình huống căng thẳng trước khi đi ngủ: bao gồm các bài tập mạnh; thảo luận hay tranh luận lớn; xem tivi, máy tính hoặc sử dụng video game. Thay vào đó, tập trung vào các hoạt động nhẹ nhàng yên tĩnh như: đọc sách, đàn hoặc nghe nhạc nhẹ. Hạn chế cà phê, rượu, bia và nicotine: ngừng uống đồ uống có chứa cafein ít nhất 8 giờ trước khi đi ngủ. Tránh uống rượu vào buổi tối; trong khi uống rượu có thể làm cho bạn cảm thấy buồn ngủ nhưng nó làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Bỏ hút thuốc lá hoặc tránh hút thuốc vào ban đêm, nicotine là một chất kích thích.
Sử dụng một cuốn nhật ký mất ngủ để xác định thói quen gây mất ngủ: nhiều khi thói quen hàng ngày ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ. Có thể chúng ta chưa bao giờ để ý đến việc xem tivi khuya hoặc lướt internet và tình trạng khó ngủ. Tạo một cuốn nhật ký giấc ngủ là một cách hữu ích để xác định những thói quen và hành vi góp phần vào triệu chứng mất ngủ của bạn. Ghi lại chi tiết hàng ngày về những thói quen vào ban ngày, thói quen ngủ và các triệu chứng mất ngủ.
BS. Nguyễn Khắc Dũng
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Chứng rối loạn tâm sinh lý ở bạn gái tuổi dậy thì
Khoa học chứng minh “Điểm G” của chị em không chỉ có chức năng tạo khoái cảm
Đánh giá