Hệ tiêu hóa bắt đầu từ miệng, rồi đến thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và kết thúc ở hậu môn. Mỗi phần có một chức năng riêng nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau. Một phần nào đó bị trục trặc sẽ ảnh hưởng xấu đến những phần khác của ống tiêu hóa và toàn cơ thể.
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh giúp hấp thu tốt dưỡng chất
Hệ tiêu hóa trong cơ thể người gồm nhiều bộ phận như khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột, gan, tuyến tụy, túi mật… đảm trách nhiều chức năng quan trọng như chứa thức ăn - tiêu hóa - hấp thụ dinh dưỡng - đào thải. Nó có vai trò quan trọng trong việc hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn và nước uống hàng ngày để đảm bảo cho cơ thể luôn khoẻ mạnh. Đối với những người có bệnh phải điều trị, cần các chất dinh dưỡng từ thức ăn, đồ uống để hoạt động tốt, khỏe mạnh và hồi phục.
Một hệ thống tiêu hóa tốt đóng vai trò cốt lõi trong sức khỏe toàn thân. Không chỉ là cơ quan chính của cơ thể đối với việc tiếp nhận và hấp thu chất dinh dưỡng, hệ thống này còn hoạt động như một loại tổng đài hoặc trung tâm liên lạc với não bộ cũng như là một trong những tuyến đầu của cơ thể trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Sức khỏe đường ruột có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, hệ nội tiết, tình trạng da, sức khoẻ tâm thần và các bệnh ung thư…
Như vậy, có thể nói, hệ tiêu hóa là một trong những cơ quan quan trọng bậc nhất của cơ thể, là nơi tiếp nhận thức ăn sau đó chuyển hóa chúng thành các chất dinh dưỡng thiết yếu đi nuôi cơ thể. Con người muốn sinh tồn phải phụ thuộc vào hoạt động của bộ phận này. Ngược lại nếu hệ tiêu hóa bất ổn cơ thể sẽ gánh chịu những hậu quả không ai muốn.
Hệ tiêu hóa có vai trò quan trọng trong việc hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn.
Khi đường tiêu hóa bất ổn và hệ lụy
Thỉnh thoảng, mọi người ở mọi lứa tuổi đều gặp phải các vấn đề về tiêu hóa, nhưng khi chúng ta già đi, những phiền toái như táo bón, tiêu chảy và đầy bụng có thể ngày càng trở nên phổ biến. Các khía cạnh của sức khỏe thể chất của chúng ta thay đổi tự nhiên theo tuổi tác, nhưng chế độ ăn uống kém, sử dụng quá nhiều thực phẩm không đảm bảo chất lượng, uống nước không đúng cách... sẽ góp phần làm giảm men tiêu hóa và hệ vi sinh vật đường tiêu hóa mất cân bằng, dẫn đến sự tàn phá cả hệ thống tiêu hóa và miễn dịch của cơ thể.
Với nhịp sống bận rộn, hệ tiêu hóa thường không được quan tâm đúng mức dẫn đến nhiều bệnh lý rải dọc theo ống tiêu hóa. Theo thống kê, có đến 62% dân số thế giới gặp phải các vấn đề tiêu hóa như táo bón, khó tiêu, tiêu chảy, đau dạ dày ít nhất 1 lần mỗi năm.
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là khi tiêu hóa thức ăn tốt, giúp cơ thể hấp thu được các chất dinh dưỡng, bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng, nhờ đó, duy trì sức khỏe chung.
Bệnh lý phổ biến nữa là viêm dạ dày mạn tính với 31% - 64% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa. Các biến chứng có thể gặp là loét, chảy máu hoặc thủng dạ dày, hẹp môn vị, sa dạ dày, thậm chí ung thư. Ngoài ra, bệnh rất dễ tái phát gây mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng sống của người bệnh.
Theo số liệu tại Hội nghị khoa học về bệnh tiêu hóa toàn quốc lần thứ XIX cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 11.000 đến 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong. Với bệnh ung thư thực quản, con số mắc mới tương đương với lượng người tử vong, lên đến hàng nghìn người.
Làm thế nào để có đường tiêu hóa khỏe mạnh?
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là khi tiêu hóa thức ăn tốt, giúp cơ thể hấp thu được các chất dinh dưỡng, bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng; nhờ đó, duy trì sức khỏe chung.
Như vậy, để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cần:
Một chế độ ăn lành mạnh hàng ngày, bao gồm: ăn trái cây và rau xanh, đó là một cách tuyệt vời để có được các men tiêu hoá và chất dinh dưỡng một cách tự nhiên. Chúng ta có thể dễ dàng lên thực đơn trong đó mức tiêu thụ thực phẩm cho một người trong ngày gồm: ngũ cốc, gạo, cá, trứng sữa, đậu đỗ, rau sẫm màu, các loại quả có màu vàng.
Hệ tiêu hóa là một trong những tuyến đầu của cơ thể trong cuộc chiến chống lại bệnh tật.
Ăn đủ chất béo, vì chất này giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit béo omega-3 có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng. Thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 bao gồm hạt lanh, hạt chia, quả óc chó cũng như các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá mòi. Quá trình tiêu hóa bắt đầu ngay từ miệng khi răng cắn thức ăn thành những mảnh nhỏ để enzyme tiêu hóa nên bạn cũng cần để tâm đến tốc độ nhai nếu muốn cải thiện hệ tiêu hóa.
Một điều đáng lưu ý, để hệ tiêu hóa tốt cần ăn chậm nhai kỹ để giảm stress, tiết nước bọt nhiều hơn và từ đó giúp dạ dày bớt áp lực. Điều này sẽ giúp quá trình tiêu hóa trơn tru hơn và ngăn ngừa các triệu chứng như khó tiêu và ợ nóng.
Việc ăn uống theo cảm xúc tác động tiêu cực đến tiêu hóa vì những người ăn khi lo lắng dễ bị khó tiêu và đầy hơi. Vậy nên, hãy dành thời gian để thư giãn trước bữa ăn để cải thiện các triệu chứng của bệnh tiêu hóa.
Cần tránh những thói quen xấu ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như: Thới quen hút thuốc, uống quá nhiều rượu, bia và ăn tối quấ muộn.
Không được sử dụng thuốc bừa bãi, bao gồm cả thuốc nhuận tràng và kháng viêm cũng như các kháng sinh phổ rộng nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, cần thường xuyên tập thể dục, vận động sao cho ra mồ hôi mỗi 30 phút hàng ngày; đi bộ, tập yoga, hãy dành ít nhất vài phút mỗi ngày để hít thở sâu hoặc bất cứ điều gì khác giúp bạn thư giãn.
ThS.BS. Nguyễn Minh Yến
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Nhận biết ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm
Chăm sóc sức khỏe cho nhân viên văn phòng
Đánh giá