Ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể chúng ta. Thông thường thời gian ngủ chiếm 1/3 thời gian cuộc đời mỗi người. Trong khi ngủ, cơ thể chúng ta được đưa về trạng thái hoạt động ở mức thấp nhất. Cơ thể được duy trì ở mức chuyển hóa cơ bản, tạo điều kiện cho các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi và hồi phục sau thời gian dài hoạt động. Khi ngủ, cơ thể tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể, giúp não bộ sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ của não bộ.
Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, sự thay đổi về môi trường sống như ô nhiễm âm thanh, ánh sáng, nhịp sống, stress, áp lực công việc ngày càng gia tăng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều sự thay đổi trong vấn đề giấc ngủ. Thống kê sơ bộ cho thấy ở Mỹ dân số bị rối loạn giấc ngủ (thời gian, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo), trong đó mất ngủ chiếm 50% các ca rối loạn giấc ngủ.
Tại các quốc gia phát triển ở Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, khi áp lực công việc đã là một phần văn hóa thì tình trang mất ngủ, rối loạn giấc ngủ lại càng trầm trọng hơn. Tại nước ta, vấn đề giấc ngủ chỉ mới được quan tâm đúng đắn và có những đơn vị chuyên môn trong giai đoạn gần đây; nên chưa có những thống kê, nghiên cứu với số lượng và thực trạng chính xác. Tuy nhiên, qua quá trình thăm khám đã có nhiều trường hợp mất ngủ mạn tính lâu năm có khi lên đến hàng chục năm chưa hề “chợp mắt” được giây phút nào.
Đánh giá chất lượng giấc ngủ
Chất lượng của một giấc ngủ được đánh giá dựa trên thời gian ngủ (ngủ bao lâu), và chất lượng của các giai đoạn khác nhau trong giấc ngủ.
Thời gian ngủ của mỗi đối tượng, lứa tuổi khác nhau thì có sự khác biệt: Trẻ sơ sinh cần ngủ 16 - 20 tiếng mỗi ngày để phát triển trí não, thể chất; trẻ em dưới 16 tuồi cần ngủ 8 - 10 tiếng mỗi ngày, người trường thành cần ngủ trung bình 8 tiếng trên ngày, người trên 60 tuổi thời gian ngủ có sự suy giảm còn khoảng 6 tiếng một ngày và thường có chất lượng giấc ngủ không tốt (ngủ không sâu, ngủ lờ mờ, dễ thức giấc…).
Ngủ đủ giấc là một điều kiện cần cho một giấc ngủ chất lượng nhưng không phải là điều kiện đủ để đánh giá một giấc ngủ có chất lượng cao. Nếu thời gian ngủ là “lượng” thì một giấc ngủ ngon cần sự đảm bảo về “chất”.
Giấc ngủ thông thường có thể chia đơn giản thành các giai đoạn ngủ nông - ngủ sâu - ngủ mơ; mỗi giai đoạn có những giá trị và lợi ich khác nhau.
Ngủ nông: là giai đoạn bắt đầu đi vào giấc ngủ và ngủ dễ thức giấc
Ngủ sâu: là giai đoạn sau ngủ nông là giai đoạn hồi phục thể chất của cơ thể. Thời gian ngủ sâu của người lớn tuổi rất ít dẫn đến việc sau giấc ngủ không thấy sảng khoải, không có sự khôi phục thể chất, cơ thể mệt mỏi sau giấc ngủ.
Mơ: mơ biến trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn, giai đoạn mơ có tác dụng thải độc cho các tế bào thần kinh, hồi phục sức khỏe thần kinh giúp cơ thể minh mẫn sau giấc ngủ. Việc rối loạn thời gian mơ trong cấu trúc giấc ngủ có thể để lại nhiều biến chứng như xẹp đường dẫn khí, giảm tưới máu não gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí có thể gây đột qụy (thường xảy ra trong giai đoạn mơ).
Trong khoa học giấc ngủ, người ta chia giấc ngủ bình thường theo 2 chu kỳ: NREM (Non rapid eye movement: giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh) và REM (Rapid eye movement: giấc ngủ chuyển động mắt nhanh). Trong đó, chu kỳ NREM chia thành 4 giai đoạn. Cấu trúc của giấc ngủ có sự thay đổi trong suốt đời người. Ở thời kỳ sơ sinh, giấc ngủ REM hiện diện hơn 50% tổng thời gian ngủ và điện não chuyển trực tiếp từ giai đoạn thức đến giai đoạn REM mà không thông qua những giai đoạn từ 1 đến 4 của giấc ngủ NREM. Trẻ mới sinh ngủ 16 giờ một ngày xen lẫn với những giai đoạn thức ngắn. Đến 4 tháng tuổi giấc ngủ REM còn thấp hơn 40% và đi vào giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ NREM. Với người trưởng thành NREM chiếm 75% tổng thời gian giấc ngủ còn lại là giai đoạn REM.
Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ
Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể do nguyên phát hay thứ phát, một số nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ thường gặp như:
- Môi trường ngủ không tốt: môi trường ồn ào, nhiều tạp âm, cường độ ánh sáng không phù hợp, không gian, nhiệt độ không phù hợp có thể gây khó ngủ, mất ngủ.
- Sử dụng chất kích thích như trà, cà phê… trước khi ngủ cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ.
- Một số trường hợp sử dụng chất kích thích như rượu bia để dễ ngủ cũng là những sai lầm thường gặp; thành phần cồn trong rượu bia có tác dụng an thần, chỉ đưa cơ thể vào trạng thái ngủ nông và hạn chế giấc ngủ sâu làm cản trở quá trình hồi phục của cơ thể, làm cơ thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải khi thức giấc. Bia rượu còn khiến bộ máy cơ thể như thận, gan phải hoạt động, cơ thể phải thức giấc giữa đêm để đi tiểu cũng làm gián đoạn giấc ngủ.
- Người cao tuổi hay mất ngủ còn có thể do tình trạng đau mãn tính ở khớp hay cột sống, dị ứng về đêm, khó thở khi ngủ, chứng tê chân và chân không yên khi ngủ; rối loạn nhịp tim dạng ngoại tâm thu, suy tim, trào ngược thực quản, tiểu đêm nhiều lần; bệnh nội tiết như hội chứng cushing, cường tuyến giáp trạng.
- Ngoài ra không thể không kể đến nguy nhân do lo âu, căng thẳng, stress cũng gây nên tình trạng mất ngủ của người cao tuổi.
Khi có dấu hiệu ban đầu của tình trạng rối loạn giấc ngủ hay mất ngủ, người bệnh cần được điều trị sớm để tránh bệnh kéo dài và chuyển đến tình trạng mạn tính (kéo dài trên 3 tháng) gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như những khó khăn trong điều trị.
Trị bệnh từ gốc
Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân và có ảnh hưởng lớn để sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên việc điều trị mất ngủ không quá khó khăn và hiệu quả điều trị cũng đạt được nhiều kết quả cao nếu tìm đúng nguyên nhân và được điều trị sớm.
Nếu nguyên nhân mất ngủ do sự lo âu quá mức, trầm cảm, căng thẳng… thì việc giải tỏa tâm lý, giải quyết mối bận tâm, lo lắng giúp người bệnh có được tâm trạng thoải mái, thư thái để dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Nếu mất ngủ do ảnh hưởng của môi trường ngủ như thiếu yên tĩnh, ồn ào, cường độ ánh sáng cao, quá lạnh hay quá nóng… thì việc thay đôi môi trường ngủ thoải mái sẽ có hiệu quả.
Nếu mất ngủ là nguyên nhân thứ phát của các bệnh mãn tính như: tim mạch, hô hấp, nội tiết, rối loạn tiền đình, hẹp đốt sống cổ… thì việc ổn định các bệnh lý này vừa giúp bệnh nhân giải tỏa được tâm lý cũng như cải thiện được tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Người bệnh cần lưu ý, giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ có sự thay đổi theo thời gian, càng lớn tuổi con người càng ngủ ít và chất lượng giấc ngủ cũng suy giảm theo tuổi tác. Do đó không thể đòi hỏi một giấc ngủ có thời gian và chất lượng như người trưởng thành. Người cao tuổi có thể sử dụng một số loại thảo dược như tim sen, kỷ tử,… cũng như một số loại thực phẩm có tác dụng an thần để giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ; rèn luyện thói quen vận động nhẹ nhàng như tản bộ sau khi ăn để cơ thể thư thái và dễ ngủ.
Ths.BS HOÀNG ĐÌNH HỮU HẠNH
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Nguy hiểm khi thai bám vết mổ cũ
Chị em dễ bị giảm ham muốn, vì sao?
Tổn thương do bạo hành: Chim non trước bão…
Đánh giá